Trên đường di chuyển từ khách sạn Leon de Oro ra Khu phức hợp thể thao Rizal Memorial, chúng tôi nhận được “hung tin” từ nhà báo kỳ cựu Dư Hải (Báo Thể thao TPHCM), rằng: “Đội tuyển quần vợt đã hủy tập”. Mặc dù bán tín bán nghi, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục di chuyển, cho đến khi nhận được thông tin xác nhận từ ban huấn luyện đội tuyển, rằng “buổi tập đã bị hủy thật”.
Khi đó, chúng tôi đã đến ngay gần cửa vào Rizal Memorial (khu tổ hợp thể thao đa năng gồm nhiều sân đấu sẽ diễn ra các môn quần vợt, solf tennis, thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật và bóng đá nam). Sau một hồi bàn luận, chúng tôi vẫn quyết định “đâm lao phải theo lao”, cứ đi tiếp vào khu trung tâm quần vợt.
Nhóm phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động và Thanh Niên, hội ngộ cùng các phóng viên VTV ở khu trung tâm quần vợt đã “bắt được” các thành viên của Ban huấn luyện đội tuyển quần vợt Việt Nam để hỏi thăm. Và thế là, nguyên nhân đội “hủy tập” vào giờ chót đã được giải thích rõ ràng.
Ông Nguyễn Kim Cương, lãnh đội quần vợt Việt Nam chia sẻ: “Do tối hôm trước, đội tuyển về đến khách sạn rất muộn, khoảng 22 giờ 30 tối. Vì những trục trặc trong khâu đón đoàn của ban tổ chức, đội tuyển rất bị động trong vấn đề đăng ký lịch tập. Sáng nay, toàn đội đã dậy sớm đến trung tâm quần vợt nằm trong Rizal Memorial với hy vọng sớm được làm quen sân bãi và các điều kiện thi đấu ở đây. Tuy nhiên, do khu vực sân bãi có hạn, chỉ có 6 sân đấu mà có đến 10 đội tuyển đăng ký tập luyện, và lại, đến trưa ban tổ chức cũng lấy lại sân để tập trung tối đa cho buổi lễ khai mạc SEA Games 2019 vốn chỉ diễn ra sau đây vài giờ, nên chúng tôi cho các tuyển thủ nghỉ tập, quay trở về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị sẵn sàng cho các trận đấu đầu tiên diễn ra vào sáng mai 1-12".
Khi phỏng vấn nhanh các thành viên, lãnh đội và Ban huấn luyện đội tuyển quần vợt Việt Nam, cánh phóng viên được các nhân viên an ninh dành cho một khoảng không gian khá nhỏ hẹp, nằm ngay khu có banner quảng bá SEA Games 2019.
Còn lại, chúng tôi không được phép tác nghiệp, chụp hình, hay quay phim bất kỳ vị trí nào khác, vì trên đường đi vào trung tâm quần vợt, con đường bọc ngay phía sau lưng sân Rizal Memorial (nơi đang tổ chức môn bóng đá) cho đến lúc vào tới trung tâm, chúng tôi ngỡ ngàng chứng kiến cảnh rất nhiều công nhân đang cố gắng hoàn tất những công đoạn xây dựng cuối cùng (sơn tường, dựng băng rôn..). Ngay trong khu trung tâm quần vợt, các công nhân đi lại như mắc cửi, còn nhiều hơn cả các VĐV và cánh báo chí.
Khi thấy đồng nghiệp bên báo Người Lao Động lia máy ảnh bị nhân viên an ninh nữ (từng ngăn cản phóng viên Dũng Phương ghi hình khung cảnh ngổn ngang cũng tại sân đấu này hôm 22-11), vội vàng chạy ra yêu cầu cho xem lại hình ảnh vừa mới chụp, và khuyến cáo “xóa ngay lập tức” những hình ảnh nhạy cảm.
Ở khu trung tâm quần vợt, cánh phóng viên Việt Nam cũng không thể ghi, chụp hình ở những địa điểm ngoài quy định. “Các anh thông cảm, hiện khu vực này vẫn được chuẩn bị, ngày mai sẽ được chụp hình thoải mái”, một nhân viên an ninh nói. Để phòng ngừa, mỗi khi thấy một phóng viên Việt Nam lấy máy ảnh ra, lập tức có một nhân viên an ninh kèm cặp sát sao và dè chừng xem liệu “phóng viên” này có lia máy ảnh “chụp những chỗ không nên không”?
Từ ngày 22-11 đến tận hôm 30-11, đã 8 ngày trôi qua, khung cảnh vẫn ngổn ngang và câu khẩu hiệu “No photo” vẫn văng vẳng bên tai các phóng viên tác nghiệp Việt Nam tại sân Rizal…