PHÓNG VIÊN: Xin chúc mừng ông trên cương vị mới Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, góp sức nâng tầm vị thế thể thao TPHCM. Là người có thâm niên gắn bó với ngành TDTT thành phố, ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của ngành trong những năm qua?
ÔNG NGUYỄN NAM NHÂN: Nói về sự phát triển TDTT ở một địa phương thì phải xét đến tổng quan nhiều lĩnh vực khác nhau, song có 3 lĩnh vực quan trọng được quan tâm là: TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao bán chuyên, chuyên nghiệp.
Về thể thao quần chúng, TPHCM là nơi có phong trào phát triển mạnh mẽ và rộng khắp nhất nước trong nhiều năm qua. Từ phong trào thể thao học đường, đến trong lực lượng vũ trang và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Số lượng người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên cao nhất nước, điều này thể hiện rõ qua các hoạt động như chạy bộ, đạp xe hay dịch vụ thể thao như gym, yoga, võ thuật, bơi, quần vợt, golf… được tổ chức ngày càng nhiều và thu hút số lượng lớn người tham gia.
Đáng chú ý, thành phố còn có những hoạt động thể thao đặc thù mang tính lan tỏa dành cho người khuyết tật, người cao tuổi…, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho quần chúng nhân dân, xây dựng những nét đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn con người thành phố.
Lực lượng HLV, VĐV trong những năm qua đã đạt được nhiều huy chương tại các giải vô địch cấp quốc gia, Đông Nam Á, châu Á, thế giới. Trình độ thi đấu quốc tế của VĐV thuộc các môn trọng điểm ngày càng được nâng cao. Ngoài việc tổ chức và cử các lực lượng tập huấn, tham dự thi đấu các giải thể thao, ngành đã cử các VĐV trẻ tài năng tập huấn, thi đấu tại nước ngoài.
Về thể thao chuyên nghiệp, một số bộ môn như bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt… chủ động phối hợp cùng Liên đoàn thể thao thành lập CLB, chuyển giao các VĐV có trình độ chuyên môn tốt từ các tỉnh, thành và nước ngoài tham gia tập luyện, thi đấu. Môn bóng đá hoàn toàn xây dựng chuyên nghiệp bằng việc các doanh nghiệp phối hợp cùng Liên đoàn và Sở VH-TT hỗ trợ tham gia giải V-League theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp.
Tuy nhiên trong thời gian qua, ngoài sự gia tăng về tỷ lệ tập luyện thể thao thường xuyên, phong trào rộng khắp, nhưng thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân thành phố. Những bộ môn được người dân yêu thích lại không có sự phát triển vượt trội như bóng đá chuyên nghiệp nam, bóng chuyền… Cùng với đó là cơ sở vật chất tập luyện và thi đấu thể thao dành cho đỉnh cao thiếu và lạc hậu.
Ông có thể chia sẻ đâu là nhóm môn mũi nhọn và đâu là những môn thể thao tiềm năng, cần được TPHCM đầu tư phát triển nhiều hơn nữa?
Thể thao TPHCM xác định rằng, những môn thể thao mũi nhọn là những môn phải đầu tư có trọng tâm và trọng điểm, gồm 2 nhóm: môn nằm trong hệ thống Olympic như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, cầu lông, taekwondo, judo…(đây là những môn phải xây dựng lực lượng và đầu tư dài hạn, kiên trì, dù từng thời điểm có thể có thành tích “trồi sụt” do nhiều lý do khác nhau) và môn thể thao truyền thống, lâu đời mang bản sắc của thành phố như cờ vua, bóng đá nữ, aerobics, bóng ném, võ cổ truyền, vovinam, billiards, lặn…
Những môn thể thao tiềm năng là những môn nằm trong nhóm thể thao Olympic nhưng mới phát triển tại TPHCM như canoeing, rowing, bắn súng, bắn cung… Ngoài ra, còn có những môn phù hợp với đặc thù của thành phố, có sự phát triển đột phá và nằm trong các chương trình thi đấu thường xuyên ở Asiad và SEA Games như futsal, muay, thể thao điện tử, kurash, pencak silat…
Ngành thể thao TPHCM luôn tạo điều kiện cho VĐV được phát triển tài năng và đạt được thành tích tốt nhất. Chúng tôi luôn cải thiện điều kiện đảm bảo để VĐV gắn bó với thành phố không chỉ vì màu cờ sắc áo mà vì các điều kiện cụ thể, bằng những lộ trình dài hạn lẫn ngắn hạn cụ thể. Tôi cho rằng để VĐV an tâm cống hiến, có 4 điểm cần quan tâm: môi trường tập luyện và thi đấu, chế độ chính sách, cơ sở vật chất (bao gồm trang thiết bị, cơ sở tập luyện) và chế độ sau khi nghỉ thi đấu.
Hiện nay, được sự quan tâm của các cấp, ngành thể thao đã và đang thực hiện nhiều đề xuất nâng cao chế độ chính sách cho lực lượng HLV, VĐV như Nghị quyết 05 vừa qua của HĐND TP. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục đề xuất nâng cao các chế độ như bồi dưỡng ban tổ chức giải, trọng tài để cho các giải đấu chất lượng hơn, không những thu hút các VĐV tranh tài mà còn tạo ra lực lượng điều hành chính quy, chất lượng. Song song đó là chính sách thu hút tài năng của thành phố trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Về cơ sở vật chất, điều này được các cấp chính quyền thành phố thấy rõ và quan tâm, những công trình dự án thể thao thành phố đang được rà soát và đốc thúc. Mặt khác, UBND TPHCM trên cơ sở chủ trương đồng ý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép thành phố đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 10 năm 2026, đã có chỉ đạo thực hiện đề án tổng rà soát các thiết chế thể thao để cải thiện, sửa chữa đảm bảo đúng yêu cầu, đủ điều kiện tổ chức các môn thể thao tại đại hội. Đó cũng là cách để cơ sở vật chất, trang thiết bị dành cho tập luyện, thi đấu ở thành phố được bổ sung kịp thời.
Xin cảm ơn Phó Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Nam Nhân!