Có thể nói, “sự vô dụng” của Karim Benzema đã khiến Pháp không có một thế trận có lợi trước tuyển Hungary. Ở nửa đầu hiệp 1, khi tuyển Pháp còn chiếm ưu thế và lên bóng rất trôi chảy, tiền đạo này, từ những pha phối hợp đều bắt nguồn từ Kylian Mbappe, lại không thể ghi bàn, với một tình huống dứt điểm trúng thủ môn đối phương là Peter Gulacsi và một tình huống khác rất cẩu thả “vẩy bóng” bằng má ngoài chân phải khiến bóng đi chệch khung thành rất rõ, dù đã ở vị trí đối mặt với Gulacsi.
Khi “Chiếc xe F1” (như lời anh này miêu tả, so sánh với… năng lực của Olivier Giroud, một chiếc “Go Kart chậm chạp) không thể thành công, tuyển Pháp dần rơi vào bế tắc. Những nỗ lực dứt điểm khác của Mbappe, rồi của Antoine Griezmann, cũng vì thế “chịu dớp”, hoặc không chính xác, hoặc không thể vượt qua được sự xuất sắc của thủ môn Gulacsi.
Ở phía ngược lại, người Hung càng đá càng hay. Dù họ đã sớm không còn ngôi sao Adam Szalai ở trên sân (anh này bị dính chấn thương và buộc phải thay ra ở phút thứ 26), vẫn còn đó một Roland Sallai cực kỳ linh hoạt và dũng mạnh, liên tục tạo ra hàng loạt pha sóng gió và khiến Pavard cùng các hậu vệ Pháp phải liên tục phạm lỗi để ngăn ngừa.
Nhưng rồi điều gì đến cũng phải đến. Phút thứ 45+2, Sallai phối hợp bật tường 1-2 cùng Attlia Fiola (tên rất giống với “Ông tổ Attlia the Hun” từng là niềm tự hào của người du mục Hungary trong giai đoạn châu Âu phong kiến từ năm 434 đến 453), tiền vệ số 5 “mang bóng” lao lên đầy dũng mãnh ở bên biên trái, vượt qua Pavard, qua cả trung vệ Raphael Varane và dứt điểm vào góc hẹp đánh bại thủ môn Hugo Llores. 1-0 cho Hungary.
Kết quả tạm thời này, khiến người ta nhớ đến 2 khoảnh khắc “kiêu hùng” trong quá khứ xa xưa của “các tiền bối bóng đá Hungary”, khi họ đánh bại những đội bóng từng vô địch thế giới. Ở kỳ World Cup 1954, Hungary của những Pukas (được dùng để đặt tên cho SVĐ Hungary và Pháp đang tranh tài), Kocsics đánh bại Uruguay (vô địch World Cup 1938) với tỷ số 4-2 ở bán kết. Còn ở kỳ World Cup 1966 trên đất Anh, Hungary của những Farkas, Bene đánh bại Brazil (khi đó còn đang là ĐKVĐ World Cup, có cả Pele nhưng chấn thương không thể ra sân) với tỷ số 3-1 ở lượt trận thứ 2 vòng đấu bảng.
Đương nhiên, do là một Đương kim vô địch, tuyển Pháp không thể khoanh tay đứng nhìn. HLV Didier Dschamps tung vào sân một số gương mặt mới, trong đó có Ousmane Dembele, tạo ra sự khác biệt đáng kể. Có Dembele, các pha lên bóng nơi biên phải của tuyển Pháp trở nên thông thoáng. Phút thứ 66, Lloris phát bóng dài sang biên phải, nơi có cả Dembele lẫn Mbape đang băng xuống. Mbappe nhanh nhẹn vượt qua 2 hậu vệ Hungary, chuyền bóng vào giữa.
Dù 1 trung vệ Hungary đã thò chân can thiệp, bóng lại nảy đến vị trí Griezmann đang đứng và anh này tung chân dứt điểm, dễ dàng gỡ hòa 1-1. Dù bị hụt mất lợi thế dẫn bàn, tuyển Hungary vẫn chơi bóng rất tự tin và Sallai tiếp tục trở thành ngòi nổ mỗi khi tăng tốc, gây ra không ít sóng gió cho hàng hậu vệ của tuyển Pháp.
Với hy vọng phá thế cân bằng, Deschamps tiếp tục tung Giroud vào sân thay cho Benzema. Anh này không tỏ ra “vô dụng” như đàn em, khi có pha bật tường mồi bóng để Mbappe lao và dứt điểm “cực gắt”, nhưng thủ môn Gulacsi đã hóa giải tình huống bóng này. Ở những phút cuối cùng, tuyển Pháp dồn lên tấn công với hy vọng “nối gót” tuyển Bồ Đào Nha, đánh sụm đối thủ ở những phút cuối. Tuy vậy, Hungary vẫn đứng vững. 1-1 là kết quả mang lại hy vọng cho tuyển Hungary, dù họ phải đấu tranh tìm đường sống trong “Bảng đấu Tử thần”.