Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang:

Phấn đấu giành 30 suất dự Olympic 2012

Phấn đấu giành 30 suất dự Olympic 2012

Hiện tại, thể thao Việt Nam mới có kình ngư Hoàng Quý Phước đạt chuẩn dự Olympic 2012. Theo tính toán của Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, nếu có lộ trình hợp lý, chúng ta sẽ có khoảng 30 suất dự Olympic. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Vĩnh Giang (ảnh).

* Phóng viên: Ông nghĩ gì về triển vọng của kình ngư này tại Olympic?

* Ông Hoàng Vĩnh Giang: Chúng ta đã từng có Hữu Việt tham dự Olympic Athen 2004 khi mới 16 tuổi nhưng vượt chuẩn B Olympic ở môn bơi lội thì mới chỉ có Phước làm được. Việc Hoàng Quý Phước giành vé đầu tiên dự Olympic London 2012 là một thông tin tốt cho thể thao Việt Nam trên lộ trình tiến vào Olympic. Điều này chứng tỏ tiềm năng dồi dào của VĐV Việt Nam.

* Sau Quý Phước, khả năng sẽ có thêm VĐV nào của bơi lội có vé qua vòng loại?

* Chúng ta còn đặt hy vọng vào nhà vô địch SEA Games Nguyễn Hữu Việt, nhưng VĐV này phải được quan tâm đúng mức.

* Vậy còn cơ hội tham dự Olympic của các VĐV Việt Nam?

* Tôi lạc quan về số lượng 30 VĐV vượt qua vòng loại Olympic. Chính xác là theo tính toán của tôi, sẽ có khoảng 26 VĐV. Tổng cục TDTT đã đăng ký chỉ tiêu giành 20 suất tới Olympic London 2012 bằng vé chính thức, nhưng trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, số lượng này được nâng lên thành 30 VĐV. Đó là sự điều chỉnh đúng đắn.

Thành công của Quý Phước khi anh giành suất dự Olympic bằng cửa chính thức góp phần khẳng định sự đầu tư đúng đắn, có hiệu quả của Đà Nẵng với VĐV tài năng. Nó cũng thể hiện chủ trương đúng đắn của ngành thể thao là khuyến khích các địa phương đầu tư cho VĐV, không chỉ đem lại thành tích cho chính địa phương đó mà sâu rộng hơn là cho cả ngành thể thao.

* Có một thực tế hiện nay là các VĐV thường có thành tích cao khi tập luyện ở địa phương chứ không phải ở ĐTQG. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

* Việc nhiều VĐV lên tuyển nhưng thành tích giậm chân tại chỗ trong một thời gian dài là thực tế mà nhiều người trong ngành cũng không thể phủ nhận. Lẽ ra ở đội tuyển các VĐV phải được đối xử công bằng tuy nhiên có tình trạng nhiều HLV chỉ chú trọng cho VĐV “ruột” của họ còn các VĐV khác thì bỏ mặc.

* Như vậy, ngành thể thao đã nghĩ tới chuyện giao hết kinh phí để các địa phương đầu tư, chăm lo cho các VĐV của họ?

* Ủy ban Olympic đề xuất với Tổng cục TDTT về việc để các VĐV ĐTQG được tập ở địa phương. Nếu ở địa phương mà VĐV tăng thành tích tốt thì nhiều đội tuyển không cần tập trung dài ngày nữa. Việc tập huấn nước ngoài nếu tổng cục có kinh phí thì cũng sẽ giao cho địa phương. Như vậy sẽ hiệu quả hơn nhiều. Quan trọng nhất là Tổng cục TDTT đang dự thảo kế hoạch khuyến khích các địa phương chăm lo cho VĐV của mình.

Theo đó, nếu VĐV của một địa phương nào đó có thành tích ở các đấu trường Olympic hoặc Asiad, địa phương sẽ được tích điểm huy chương tại Đại hội TDTT. Huy chương vàng - bạc - đồng Olympic được tính lần lượt là 5-3-2 HCV tại Đại hội TDTT cho địa phương. Trong khi đó, đến Olympic bằng vé chính thức cũng được tính là 1 HCV cho địa phương. 

THIỆN NHÂN thực hiện

Tin cùng chuyên mục