Ngôi sao châu Phi
Tên tuổi của Aruna bắt đầu vượt ra khỏi cương giới của Lục địa đen khi anh lọt vào vòng 8 tay vợt mạnh nhất ở kỳ Thế vận hội mùa Hè 2016 tại Brazil. Ở giải đấu năm đó, Aruna loại tay vợt người Slovakia gốc Trung Quốc - anh Wang Yang, với điểm số thắng là 11-7, 7-11, 11-7, 11-9 và 11-6, để giành vé vào vòng 16 tay vợt với tỷ số thắng chung cuộc là 4-1…
Ở vòng 32 tay vợt, anh đã thắng áp đảo với tỷ số 4-0 trước tay vợt người Đài Bắc - Trung Hoa, anh Chuang Chih-Yuan, điểm số thắng cụ thể trong 4 ván đấu lần lượt là 11-6, 12-10, 11-6 và 11-7. Đây là một chiến thắng “danh trấn thiên hạ” vì Chuang từng là nhà vô địch đôi nam thế giới 2013 (giải VĐTG diễn ra tại Paris), là tay vợt “số má” ở Asian Games.
Ở vòng 16 tay vợt, Quadri còn giành được chiến thắng rực rỡ hơn khi đánh bại Timo Boll (Đức) khét tiếng thế giới với tỷ số chung cuộc 4-2 (12-10, 12-10, 11-5, 3-11, 5-11 và 11-9). Boll đã từng cùng các đồng đội tuyển Đức giành vị trí Á quân đồng đội nam ở kỳ giải Olympic Beijing 2008, và tuyển Đức của họ đương nhiên chỉ chịu thua mỗi đội chủ nhà Trung Quốc.
Tuy vậy, “phát hiện mới” mang tên Quadri đã “chịu không nổi nhiệt” khi đối mặt với tay vợt huyền thoại của làng bóng bàn Trung Quốc nói riêng và làng bóng bàn thế giới nói riêng - Ma Long. Ma Long, người sau đó giành HCV đơn và đồng đội nam ở Olympic 2016, đã “hủy diệt” Quadri sau 4 ván đấu với điểm số áp đảo hoàn toàn: 11-4, 11-2, 11-6, 11-7.
Đã 5 năm trôi qua, Quadri đang tập luyện và thi đấu rất nỗ lực, với mong muốn mang đến kỳ Thế vận hội tại Nhật Bản một bất ngờ khác nữa. Ở Giải Bóng bàn quốc tế Bundeslia tại Đức, Quadri đã chơi ấn tượng ngay ở mùa ra mắt đầu tiên khi thắng 15/25 trận đấu. Trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bóng bàn quốc tế (ITTF), anh xếp hạng 22, và là số 1 của châu Phi.
Quadri hào hứng cho biết trước kinh nghiệm “xương máu” mà mình đã trải qua, rằng để bước lên bục nhận huy chương, anh thậm chí còn phải cố gắng nhiều hơn nữa: “Tôi rất hạnh phúc khi được chơi bóng ở giải đấu hiện đại như là Bundesliga, một trong những giải League số 1 của châu Âu. Tôi nghĩ, kinh nghiệm ở Bundesliga sẽ tạo ra khác biệt ở Olympic!”.
Khởi đầu từ… nền bê tông
Ở Oyo, một thành phố cổ xưa từng là Đế đô của Vương triều Oyo, nơi có khá nhiều khu nhà cao tầng giản dị, là nơi mà tay vợt có biệt danh Rocky Aruna hay Quadri Balboa (anh là người rất mê nhân vật hư cấu Rocky Balboa, một quyền thủ khét tiếng trong loạt phim cùng tên của siêu tài tử điện ảnh nổi tiếng Hollywood - Sylvester Stallon, nên biệt danh của anh đặt theo tên nhân vật này) sinh ra, do không có sân tập đàng hoàng, đám trẻ mê thể thao - và đặc biệt là bóng bàn phải vẽ lên các nền bê tông những đường kẻ xiên vẹo để hình thành một sân đấu. Sau đó, chúng dùng các tấm amiăng hoặc là gỗ dẹt để độn lên để làm mặt bàn thi đấu môn bóng bàn…
Không có tiền dư dả, chúng sử dụng những khoản tiền “còm”, vốn thu được nhờ việc chạy công lặt vặt khắp đầu đường, xó chợ, để mua những quả bóng bàn nhỏ xíu, tròn xoe nhưng nảy tưng tưng đầy ma thuật. Và thế là, trên khắp đường phố của thành phố Oyo, người ta có thể nghe thấy tiếng “ping ping” của hàng ngàn quả bóng bàn đang nảy trên nền bê tông.
Sự đơn giản của môn bóng bàn tại Oyo, thế là đã cạnh tranh cực kỳ quyết liệt với sự phổ biến của môn bóng đá tại Nigeria, trong trái tim thơ trẻ của Quadri. Nhưng gia đình cậu chỉ muốn cậu tập trung đi học và nếu chẳng may Quadri héo lánh đi chơi, đi tập luyện, khi về đến nhà, cậu nhóc sẽ hãi hùng khi nhìn thấy hình ảnh bố mình, to lớn và chống gậy, đang đứng chờ ngay trước cửa nhà.
Tuy vậy, tài năng là thứ không thể giấu diếm, và tài năng đánh bóng bàn trên nền… bê bóng của Quadri, đã đánh động đến HLV Oluwole Abolarin, ông thầy nổi tiếng ở Trung tâm đào tạo bóng bàn Oyo. “May mắn là, ông ấy nhìn thấy tôi trên đường phố, ông ấy đưa tôi đến Hội trường trung tâm. Tôi nghĩ, ông ấy đã nhận ra chút tài năng trong tôi”, Quardi kể lại…
Thành công cấp quốc tế
Kể từ đó trở đi, Quadri trở thành “Cậu bé áp phích”, vì thường xuyên xuất hiện trên các băng rôn, áp phích, quảng bá các giải bóng bàn thanh thiếu niên ở Nigeria. Danh tiếng của Quadri bắt đầu nổi như cồn, thậm chí có thể so sánh với những cầu thủ bóng đá nổi bật nhất của đất nước châu Phi này. Thành công, không chỉ gói gọn trong lãnh thồ Nigeria, hiển hiện.
Năm 2017, Aruna Balboa trở thành tay vợt châu Phi đầu tiên đăng quang ở một giải đấu thuộc hệ thống ITTF nằm… bên ngoài châu Phi, khi anh đánh bại tay vợt kỳ cựu người Nhật Bản - Kaii Yoshida, ở giải đấu mang tên ITTF Challenge Polish Open (Czestochowa - Ba Lan). Trong cùng 1 năm, anh đăng quang ngôi vô địch ở ITTF African Cup khi giành chiến thắng trước tay vợt người Ai Cập là Omas Assar. Quadri sớm trở thành “Tay vợt bóng bàn số 1 châu Phi”.
Sau đó, đến năm 2018, Quadri giành tấm HCB bóng bàn đơn nam tại kỳ Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung diễn ra tại Gold Coast (Australia), thua Gao Ning (người Gingapore nhưng là gốc Trung Quốc) trong trận đấu chung kết với điểm số kịch tính là 7-11, 8-11, 11-5, 11-3, 9-11 và 5-11. Tiếp theo đó, anh lại đăng quang danh hiệu ở ITTF Challenge Nigeria Open tại Lagos, rồi anh tiếp tục bảo vệ thành công ngôi vô địch ở giải đấu này năm sau, năm 2019.
Trở thành kỳ vọng lớn
Kể từ khi bóng bàn trở thành một trong những môn thi đấu chính thức ở đấu trường Olympic, từ Olymlic Seoul 1988 (ở kỳ giải năm đó, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn còn đang tranh đấu sòng phẳng, mỗi bên giành được 2 HCV, nhưng HCV đơn nam đã thuộc về Yoo Nam-Kyu của chủ nhà Hàn Quốc), Nigeria luôn có đại diện tham dự giải đấu. Có thể nói là, Nigeria có một nền bóng bàn mạnh mẽ, dù nếu so sánh với Trung Quôc hay châu Á, vẫn còn kém rất xa…
Ở lần tham dự Olympic đầu tiên, bóng bàn Nigeria cử đi 4 nhân vật là Atanda Musa, Bose Kaffo, Monday Merotohun và Segun Toriola. Tất cả đều bị loại ngay từ vòng đấu bảng ở nội dung đơn nam và đôi nam. Nhưng kể từ khi Quadri xuất hiện, hy vọng đã bắt đầu trỗi dậy, nhất là khi tay vợt sinh ngay đúng năm bóng bàn “hội nhập” Olympic, giành được vị trí thuộc tốp 8 ở Olympic hồi 5 năm về trước. Ở Olympic Tokyo, người ta kỳ vọng anh sẽ có huy chương.
Chủ tịch Liên đoàn bóng bàn Nigeria - ông Ishaku Tikon, hào hứng chia sẻ: “Sẽ là một niềm vui rất lớn lao dành cho chúng tôi, với tư cách là một quốc gia, là Lục địa châu Phi, nếu như Aruna giành được một huy chương ở kỳ Olympic lần này. Thế vận hội không phải là trò chơi của trẻ con. Đó là công việc nghiêm túc, và mục tiêu chúng tôi là giành lấy huy chương”.
Lúc này, ngay cả dịch Covid-19 cũng không thể ngáng đường, thậm chí trì hoãn đường tiến lên của Quadri. Anh hiện dành ra ít nhất là 2 tiếng rưỡi mỗi ngày để tập luyện tại Lisbon (Bồ Đào Nha), nơi anh sống cùng gia đình. Không giống như ở Rio hồi 5 năm về trước, nơi các VĐV của Nigeria phải vật lộn tìm nhà tài trợ để được thi đấu ở Thế vận hội, theo Quadri, anh hiện được chính phủ Nigeria hỗ trợ rất nhiều về mặt tài chính và cả những vấn đề khác nữa.
“Tôi đã chơi 2 giải đấu ở Trung Quốc, tôi đã chơi ở Doha và tôi cũng đã có trại huấn luyện tại CLB Quần vợt Saarbrucken (Đức). Tôi đã nhận được sự hỗ trợ chưa từng có từ Bộ trưởng Thể thao Nigeria để có thể tham dự các giải đấu này, đến trải nghiệm và tập luyện ở các nơi này. Đây chính là sự chuẩn bị tốt nhất mà tôi từng có trước những giải đấu lớn lao!”.
Nhưng để giành huy chương (không phải là HCV, chỉ là huy chương mà thôi), Quadri sẽ phải đơn độc đấu lại cả một thế lực Trung Quốc khổng lồ và hùng mạnh. Ở Rio de Janeiro 2016, họ đoạt cả HCV lẫn HCB (Zhang Jike thua Ma Long trong trận đấu chung kết đơn nam “toàn Trung Quốc”). Ở trận chung kết tại London hồi năm 2012, họ cũng có trận chung kết đơn nam “toàn Trung Quốc” và Zang Jike đã đánh bại Wang Hao. Nếu Quadri gặp bất kỳ tay vợt Trung Quốc nào ở trên, anh đều có nguy cơ bị loại sớm. Nếu gặp từ bán kết, có lẽ sẽ may mắn hơn.
“Bóng bàn là môn thể thao số 1 ở Trung Quốc. Họ đầu tư rất nhiều tiền vào thể thao, đặc biệt là vào môn bóng bàn. Họ có những HLV hàng đầu thế giới huấn luyện các VĐV bóng bàn, những người rất hiểu môn đấu này. Nhưng tôi nghĩ rằng, vẫn có thể tạo ra bất ngờ ở Olympic Tokyo 2020. Mục tiêu của tôi là thắng một huy chương, tôi hy vọng mình sẽ may mắn!”.