Những trái tim nhỏ trong trận đấu lớn

1.
Những trái tim nhỏ trong trận đấu lớn

1. Trong loạt trận đầu tiên của vòng bảng Champions League mùa này, có lẽ cuộc đụng độ giữa Real Madrid và Manchester City trên sân Bernabeu là trận đấu được chờ đợi nhất. Trước hết đây là một trong hai cặp đấu của “bảng tử thần”. Như chúng ta đã biết, tiền thân của cúp Champions League là Cúp C1 (cúp các đội vô địch quốc gia) trước đây, bên cạnh Cúp C2 (cúp các đội đoạt cúp quốc gia) và Cúp C3 (cúp hội chợ - dành cho những đội mạnh nhưng không ở trong 2 trường hợp trên).

Theo sự phân chia đó, ở Cúp C1 chỉ có các đội vô địch quốc gia được tham dự. Nhưng từ khi Cúp C1 đổi thành cúp Champions League ở mùa bóng 1992-1993, đối tượng tham dự cúp này lần lượt được mở rộng. Ngoài đội vô địch quốc gia, các đội xếp từ hạng nhì trở xuống vẫn được tham dự. Số đội tham dự của mỗi quốc gia nhiều hay ít do UEFA phân bổ căn cứ vào thành tích của các câu lạc bộ ở các giải đấu châu lục trước đó. Hiện nay, Tây Ban Nha, Anh là những quốc gia có nhiều suất tham dự Champions League nhất (4  đội) dựa theo tiêu chí trên.

Thực tế này cho thấy khi bắt thăm chia bảng, trường hợp 4 đội vô địch của 4 quốc gia khác nhau rơi vào chung một bảng có xác suất rất thấp. Vì vậy, việc 4 đội vô địch Real Madrid (giải Tây Ban Nha), Manchester City (giải Anh), Ajax Amsterdam (giải Hà Lan) và Borussia Dortmund (giải Đức) ngẫu nhiên dồn vô bảng D là điều hiếm có. Đội vô địch quốc gia đã là đội mạnh nhất quốc gia đó rồi, đằng này lại là những đội vô địch của 4 nền bóng đá danh tiếng hạng nhất châu Âu khiến bảng D tự nhiên thành “bảng chết chóc”.

2. Tất nhiên trong “bảng chết chóc” này,trận thư hùng giữa hai nhà vô địch Đức và Hà Lan cũng rất đáng xem. Nhưng cuộc tỷ thí Real Madrid - Manchester City lại càng đáng xem hơn. Real Madrid với 500 triệu EUR, Manchester City với 550 triệu EUR, trong 3 năm qua đây là 2 đội chi bạo tay nhất trên thị trường chuyển nhượng. Không phải tự nhiên nhiều người gọi đó là trận đấu “1 tỷ EUR”. Tiền nào của đó: “Dải ngân hà” đời mới nhất dưới triều đại Perez quy tụ cả một chòm sao: Ronaldo, Kaka, Higuain, Benzema, Sergio Ramos, Xabi Alonso, Casillas, Ozil, Modric...

Manchester City dưới “kỷ nguyên Ảrập” cũng không chịu kém. Chiếc thảm bay của các nhà tỷ phú Trung Đông chở cái két sắt to đùng lượn lòng vòng khắp châu lục để đem về những Aguero, Balotelli, Tevez, David Silva, Yaya Toure, Joe Hart, Nasri, Barry, Maicon... Nếu có ai gọi trận đụng độ Real Madrid - Manchester City khuya thứ ba vừa rồi là “cuộc chiến giữa các vì sao” là đó không phải là nói cho vui!
 

3. “Cuộc chiến giữa các vì sao” còn đáng chờ đợi ở chỗ: Real Madrid là một tên tuổi truyền thống, có bề dày lịch sử đáng nể, đã đoạt tổng cộng 9 chức vô địch Cúp C1 lẫn Champions League, được tôn vinh là câu lạc bộ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Trong khi đó, Manchester City trong suốt lịch sử 132 năm của mình chỉ đoạt được mỗi chiếc Cúp C2 nhỏ xíu vào năm 1970. Ở giải trong nước, trước khi đoạt chức vô địch quốc gia mùa rồi, họ cũng chỉ mới vô địch có vỏn vẹn 2 lần và lần gần nhất cách đây đã 44 năm.

Quả thực, so với gã khổng lồ Goliath ở sân Bernabeu, Manchester City rất giống chú tí hon David. Nhưng chú tí hon đó, chỉ nhỏ bé về tên tuổi, nghèo nàn về thành tích và trống rỗng trong phòng truyền thống, còn thực lực và tham vọng hiện nay không hề nhỏ bé chút nào. Tập đoàn Abu Dhabi United bơm tiền, hiển nhiên đã bơm cả nội lực để thầy trò Mancini từ một chú bé không biết võ công đã trở thành một người có nội lực sung mãn của một cao thủ đã tu tập 100 năm.

Vẻ căng thẳng của HLV Mancini.

Vẻ căng thẳng của HLV Mancini.

Cú tung chưởng đầu tiên, thầy trò Mancini đã hất văng đại cao thủ Manchester United ra khỏi ngai vàng để trở thành tân vương của nước Anh. Nhưng nước Anh chỉ là một đảo quốc biệt lập khỏi giang hồ rộng lớn. Tham vọng của Manchester City là trở thành “đệ nhất cao thủ” của châu Âu. Năm ngoái họ đã đơn thân độc mã vào lục địa khiêu chiến và bị đánh văng ra khỏi Champions League một cách bẽ bàng ngay từ vòng đấu bảng. Vì thế cuộc trường chinh năm nay không chỉ để tiến chiếm ngôi vô địch và còn để báo thù. Và đại cao thủ mà họ chạm trán ngay khi vừa bước chân vào giang hồ là tượng đài Real.

4. Đánh bại Real Madrid, câu lạc bộ vĩ đại nhất thế kỷ 20, đương kim vô địch Tây Ban Nha ngay tại thánh địa Bernabeu: quả thực không chiêu PR nào hiệu quả hơn cho thương hiệu Manchester City bằng chiến công hiển hách đó. Chính vì lý do này, cộng với tất cả những phân tích trên đây khiến trận đụng độ giữa hai thế lực mới - cũ này vào khuya ngày thứ ba vừa rồi trở thành trận đấu không thể bỏ qua với người yêu quả bóng tròn. Quả nhiên, sự lật ngược thế trận của Real Marid khi bị Manchester City 2 lần dẫn trước để đi đến chiến thắng 3-2 là một cuộc rượt đuổi vô cùng ngoạn mục.

Thực ra trận đấu chỉ thực sự hấp dẫn từ phút 68 khi Dzeko bất ngờ sút tung lưới thủ môn Casillas, mở màn cho một cuộc rượt đuổi với 4 bàn thắng tiếp theo. Trước khi xảy ra sự kiện ở phút 68, Manchester City đã vào trận với thái độ bạc nhược đáng kinh ngạc. Họ thi đấu trước Real với trái tim run rẩy và những đôi chân nặng như đeo chì. Cái cách bố trí đến 3 tiền vệ phòng ngự cho thấy Mancini đã sợ hãi thầy trò Mourinho như thế nào.

Nhưng vấn đề không nằm ở chiến thuật: các học trò của Mancini đã chơi thiếu quả cảm. Phòng ngự nhưng không áp sát, cũng không tốc độ. Họ chỉ có mỗi một thứ: sự hoảng loạn. Hoảng loạn từ chuyền bóng, dẫn bóng đến cả phá bóng. Cả đội chỉ có Yaya Toure là chơi không biết sợ, và anh là cầu thủ nguy hiểm nhất bên phía Manchester City. Các học trò của Mancini yếu bóng vía đến mức đã 2 lần vượt lên trước vẫn không biết cách bảo toàn tỷ số, ngay cả khi trận đấu chỉ còn có 4 phút phù du. Họ kém cỏi đến mức thường xuyên để lộ những khoảng trống mênh mông trước vùng cấm địa cho các cầu thủ Real mặc sức bắn phá trong suốt 90 phút.

Tất nhiên, thua trên sân khách với tỷ số sát nút không phải là thảm họa, nhưng nếu thầy trò Mancini xách kiếm ra giang hồ mà không trang bị trái tim quả cảm của Spartacus trong lồng ngực thì có lẽ đến cuối mùa họ cũng chỉ biết ngước cổ ngắm chiếc vương miện vô địch châu Âu lơ lửng trên cao rồi ngượng ngùng chép miệng “Nho hãy còn xanh, ta không thèm!” như trong ngụ ngôn Aesop!

chu đình ngạn

Tin cùng chuyên mục