Lionel Messi- Mắc kẹt giữa hai thế giới

1.
Lionel Messi- Mắc kẹt giữa hai thế giới

1. Bên cạnh World Cup, các châu lục đều có giải vô địch bóng đá riêng của mình.

Asian Cup của châu Á, African Nation’s Cup của châu Phi, Nations Cup của châu Đại Dương, Gold Cup của Bắc Mỹ, Euro Cup của châu Âu và Copa America của Nam Mỹ. Xét đẳng cấp và thực lực, hai giải đấu có trình độ cao nhất là Copa America của Nam Mỹ và Euro Cup của châu Âu.

Về mặt con người, giải châu Âu quy tụ những ngôi sao sáng như Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Xavi, Iniesta, Benzema, Ozil, David Villa, Torres, Berbatov, Gerrard... Giải Nam Mỹ cũng tập hợp những tên tuổi lừng lẫy: Messi, Robinho, Neymar, Mascherano, Higuain, Tevez, Alves, Sanchez... Về mặt đội tuyển, châu Âu có các nhà vô địch thế giới Ý, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Nam Mỹ có Brazil, Argentina và Uruguay. Nói chung, về thành tích và uy tín, bóng đá châu Âu và Nam Mỹ ở một tầm khác hẳn so với phần còn lại của thế giới.

Thế nhưng, ở giải đấu cấp châu lục, ai cũng công nhận Euro Cup mới là giải đấu số một hành tinh. Về tính hấp dẫn, Euro Cup bỏ rơi Copa America ở một khoảng cách rất xa. Các fan bóng đá toàn cầu nói chung, và tín đồ túc cầu giáo Việt Nam nói riêng, hầu như chẳng mặn mà gì với các cuộc tranh tài ở cúp Nam Mỹ 2011 đang được trực tiếp hằng ngày trên tivi. Tại sao?

Một Messi “lực bất tòng tâm” trong trận đấu gặp Colombia hôm 6-7. Ảnh: N.E.T.

Một Messi “lực bất tòng tâm” trong trận đấu gặp Colombia hôm 6-7. Ảnh: N.E.T.

2. Điều có thể chỉ ra đầu tiên là giải châu Âu đa dạng hơn về chiến thuật, phong phú hơn về sắc màu văn hóa và khác biệt hơn về khí chất từng dân tộc. Hà Lan gặp Đức, Anh gặp Nga, Ý gặp Pháp... là sự trình diễn những khác biệt, thậm chí những đối chọi về bản sắc thông qua nghệ thuật nhồi bóng. Khán giả thích thú chờ xem “Cơn lốc màu da cam” có sẽ cuốn phăng được “Các pháo thủ sông Rhin”, “Chú gấu” Nga sẽ làm được gì trước “những chú sư tử” Anh hay tiếng gáy của “những chú gà trống” Pháp có làm rách được “những chiếc áo màu thiên thanh” của tuyển Ý. Đó là chưa kể những đặc thù riêng rất dễ nhận thấy của tuyển Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ai-len, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ...

Những nét khác biệt như vậy, hầu như không thể bắt gặp ở giải bóng đá Nam Mỹ, hoặc nếu có cũng rất nhạt nhòa. Có thể đó là vấn đề của lịch sử: khác với một châu Âu biến động và đa văn hóa, các quốc gia Nam Mỹ trên đại thể lại khá tương đồng về nhiều mặt. Xem các trận đấu ở Copa America, có cảm giác các đội thi đấu với chính mình trong gương. Khi Tây Ban Nha lên ngôi ở Euro Cup 2008, rõ ràng đó là chiến thắng của một trường phái, thậm chí một triết thuyết. Còn một đội vô địch cúp Nam Mỹ, đó đơn giản chỉ là chiến thắng của... kẻ mạnh!

3. Châu Âu là chiếc nôi của khoa học kỹ thuật. Bóng đá châu Âu sinh ra và hít thở trong môi trường lý tính và giàu thực nghiệm. Ngay ở đội tuyển chơi bóng mềm mại, uyển chuyển và đẹp mắt nhất thế giới hiện nay là Tây Ban Nha thì ta vẫn nhận biết lối chơi đậm kỹ thuật đó được xây dựng trên nền tảng khoa học. (Bồ Đào Nha cũng chơi thiên về kỹ thuật, thậm chí được xưng tụng là “Brazil ở châu Âu” nhưng cũng như Brazil, họ chơi ít khoa học hơn và nhiều bản năng hơn. Và vì bản năng chơi bóng của họ không phải là thứ bản năng siêu việt như các thiên tài Nam Mỹ, họ không thể dùng “bản năng” bù đắp cho “lý trí” để đặt chân lên đỉnh cao như Brazil thứ thiệt từng làm).

Chính tính khoa học, óc khám phá, chinh phục, nhu cầu tìm tòi, phát kiến không ngừng nghỉ về phương diện chiến thuật đã giúp châu Âu khắc phục và hạn chế những thua thiệt về phẩm chất kỹ thuật so với các nhà nghệ sĩ Nam Mỹ để dần dần vượt lên. Lần lượt với Ý và Tây Ban Nha, châu Âu liên tiếp giành được hai chức vô địch World Cup gần nhất là một dẫn chứng. Trong lịch sử hơn 100 năm của môn bóng đá, những cuộc cách tân nổi tiếng về chiến thuật cũng đều đến từ châu Âu. “Tiqui-taca”, lối nhồi bóng hoa mỹ và hiệu quả nhất thế giới hiện nay, như chúng ta đã biết: đóng “mác” Tây Ban Nha. 

4. Lionel Messi rời Barcelona để về khoác áo đội tuyển Argentina ở cúp Nam Mỹ 2011 rất giống chú cá nước mặn bỗng đột ngột về sống trong nước ngọt. Ở môi trường xa lạ đó, chú cá không thích nghi được, không bơi được (chưa nói là bơi nhanh), thậm chí không thở được. Không bàn chuyện hay hay dở, đẹp mắt hay xấu xí, chỉ xét về mặt vận hành lối chơi, chúng ta thấy rõ Barcelona khoa học, hợp lý, kết dính bao nhiêu thì đội tuyển Argentina lúng túng, rối rắm, rời rạc và cạn kiệt ý tưởng bấy nhiêu.

Nếu Argentina kỳ này không thể lên ngôi vô địch ở Copa America tổ chức trên sân nhà, người bị dân Argentina đưa lên “giàn thiêu” không chỉ có HLV Batista. Cả Messi nữa - anh không phải là HLV, không chịu trách nhiệm về lối chơi hỗn độn của đội tuyển nhưng anh mắc cái tội tày đình là... đương kim cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới mà không đưa được đội tuyển lên chức vô địch châu lục thì phải ra... pháp trường! - Người Argentina nghĩ thế. Còn Messi, thiên tài đang mắc kẹt giữa hai thế giới - anh đang nghĩ gì?

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục