Giải bơi lội VĐTG Thượng Hải 2011

Không có tái chiến Phelps - Cavic

Màn trình diễn tệ hại
Không có tái chiến Phelps - Cavic

Màn trình diễn tệ hại

Cuộc “tái chiến” rất được chờ đợi giữa “viên đạn Baltimore” Michael Phelps và kình ngư nổi danh người Serbia Mirolad Cavic ở cự ly 100 mét bướm đã không thể xuất hiện tại Thượng Hải. Sáng hôm qua (29-7), trong khi Michael Phelps giành quyền vào vòng đấu bán kết với thành tích nhanh thứ 5 - 51 giây 95, Cavic lại thi đấu rất chật vật và chỉ hoàn tất vòng đua của mình với thời gian tệ hại 52 giây 67. Với thành tích này, Cavic tuột xuống vị trí thứ 18 chung cuộc và bị loại khỏi cự ly 100 mét bướm, nơi anh từng nhiều lần tạo ra những màn cạnh tranh nghẹt thở với Phelps.

Cavic đã bị loại ở Thượng Hải.

Cavic đã bị loại ở Thượng Hải.

Đây là màn trình diễn tệ hại nhất của Cavic kể từ năm 2000 cho đến nay (ở Olympic Sydney 2000, Cavic - khi đó đại diện cho bơi lội Nam Tư cũ - thi đấu ở vòng loại cự ly 100 mét bướm và anh đã bị loại vì phạm quy). Sau đó, Cavic cũng chơi không thành công ở Olympic Athens 2004, tại bán kết cự ly 100 mét bướm, anh đã dẫn đầu ở nửa vòng hồ đầu tiên, tuy nhiên, khi lộn người đạp vào thành hồ để bơi ngược về, chiếc áo bơi của Cavis bất ngờ mở bung cổ và kéo anh chậm lại. Đó là lý do Cavic đã trở thành người bơi về đích cuối cùng với thành tích 53 giây 12. Đó cũng chính là thành tích tệ hại nhất của Cavic cho đến trước giải VĐTG tại Thượng Hải này. Trong thời gian 5, 6 năm vừa qua, cùng với Phelps, Cavic là một trong số ít những kình ngư có thể bơi ở mức xấp xỉ 50 giây, thậm chí dưới…

Phelps bàng hoàng

Chứng kiến “đại kình địch” của mình ở cự ly 100 mét bướm thất bại tan nát, Phelps không hề cảm thấy vui sướng, trái lại, anh tỏ ra rất bàng hoàng. Phelps nhận định về thất bại của Cavic: “Không có gì để nói, cũng không có gì để bình luận về chuyện đó. Tôi nghĩ tôi sẽ là người đầu tiên tận mắt chứng kiến những màn thăng trầm giàu kịch tính giữa hai chúng tôi trong nhiều lần tranh đấu. Anh ấy là kiểu người luôn hiện diện ở những vòng đua cuối cùng. Chúng tôi đã trải qua những màn tranh tài hấp dẫn trong quá khứ, và tôi tin rằng, chúng tôi sẽ còn có cuộc tranh tài khác trong tương lai!”.

Phelps - Cavic và một phần của lịch sử

Cũng giống như Ryan Lochte, Cavic đã trải qua một thời gian dài luôn phải sống dưới chiếc bóng to lớn của Phelps. Nhưng không giống như Lochte, người đã vùng vẫy thoát khỏi cái bóng “độc ác” đó, Cavic đã bỏ lỡ hồi III cuộc tranh tài với Phelps. Trước đó, Cavic từng khiến Phelps phải dốc hết sức lực ở Olympic Bắc Kinh 2008 (được xem là hồi I trong cuộc tranh tài giữa hai người) và ở giải VĐTG 2009 tại Rome (được xem là hồi II). Có lẽ, Cavic phải chờ đến Olympic Luân Đôn vào mùa hè năm sau để dựng nên hồi III của cuộc tranh tài. Trước mắt, anh đang gặm nhấm thất bại.

Ở cự ly 100 mét bướm tại Olympic Bắc Kinh 2008, Cavic đã chơi cực lỳ hứng khởi. Ở vòng loại, anh đã phá kỷ lục Olympic cho chính Phelps nắm giữ (lúc đó là 51 giây 25, xác lập ở Olympic Athens 2004) khi đạt thành tích 50 giây 76. Ở vòng đua chung kết, chính Cavic mới là người vượt lên dẫn đầu ở phần lớn cuộc tranh tài (nửa vòng hồ đầu tiên) - theo sau là kình ngư kỳ cựu người Mỹ Ian Crocker. Lúc đó, Phelps đang bơi ở vị trí thứ 7, thua Cavic khoảng 62% giây. Ở những mét cuối cùng, những tưởng Cavic sẽ là người chạm đích đầu tiên thì Phelps đột nhiên vươn lên, thực hiện thêm nửa động tác đẩy người lên phía trước và chạm thành hồ gần như cùng một lúc với Cavic. Nhưng sau đó, bảng điểm điện tử đã cho ra kết quả cuối cùng, Phelps giành HCV với thành tích 50 giây 58, phá kỷ lục Olympic ở vòng loại của Cavic, Cavic chỉ thua Phelps đúng 1% giây.

Đó cũng là chiếc HCV thứ 7 của Phelps ở Bắc Kinh, giúp anh này cân bằng thành tích thắng 7 HCV trong một kỳ Olympic của “tiền bối” Mark Spitz. Sau đó, Phelps còn thắng thêm chiếc HCV thứ 8 - cự ly 4x100 mét tiếp sức hỗn hợp cùng đội bơi Mỹ - để trở thành kẻ “độc nhất vô nhị”. Nếu không thể đánh bại Cavic ở vòng bơi chung kết cự ly 100 mét bướm một cách kịch tính, có lẽ Phelps đã không thể trở thành một tượng đài giống như bây giờ. Sau đó, chính Phelps đã thừa nhận rằng, ban đầu anh nghĩ mình đã đánh mất chiếc HCV trước sự bứt phá dũng mãnh của Cavic, cho đến khi nhìn lên bảng điểm.

Ở giải VĐTG 2009, Cavic cũng thi đấu rất hứng khởi ở vòng ngoài. Tại vòng bán kết, anh đã đạt thành tích 50 giây 01, phá KLTG do chính Phelps lập ở Indianapolis hồi đầu tháng 7 trong cùng một năm (50 giây 22). Thành tích ở bán kết của Phelps chỉ là 50 giây 48. Ở vòng bơi chung kết, Phelps lại phá KLTG của Cavic khi chạm thành hồ ở mức 49 giây 82 (và trở thành kình ngư đầu tiên ở cự ly 100 mét bướm bơi ở mức dưới 50 giây). Cavic giành HCB với thành tích 49 giây 95 (phá kỷ lục châu Âu). Như vậy là hồi II của cuộc tranh tài cũng mang lại một kịch bản như cũ: Cavic thắng trước… nhưng thua sau…

Hoàng Dương

Tin cùng chuyên mục