Nếu chúng ta nhìn vào thống kê của trận đấu, thì khó mà phân biệt đâu là Nhật Bản, đâu là Croatia - đương kim á quân thế giới. Các samurai xanh hẳn nhiên có quyền tự hào với trận đấu sòng phẳng tạo ra trước đại diện châu Âu, nhưng có lẽ, Croatia chẳng quan tâm gì đến điều đó. Đó chính là thứ bản lĩnh để đội bóng châu Âu tự tin đưa trận đấu vào loạt sút luân lưu. Suốt cả 2 hiệp phụ, họ chẳng hề muốn xông lên để giải quyết. Họ tin vào khả năng chiến thắng của mình. Đó là một thứ niềm tin… kiểu Đức.
Khi HLV Zlatko Dalic quyết định rút Mateo Kovacic và Luka Modric ra, cả 2 có đôi chút ngạc nhiên nhưng vẫn tỏ thái độ tôn trọng. Vào băng ghế dự bị, cả 2 được Domagoj Vida, trung vệ vạm vỡ từng là trụ cột của Croatia tại World Cup 2018 ôm lấy. Không khó để thấy Modric và Kovacic thảng thốt pha chút lo sợ. Vida cứ thế trông giống như một người cha đang an ủi hai đứa con buồn bã vừa đánh mất thứ gì quý giá bên ngoài nhà.
Hãy để ý nhiều đến chi tiết đó. Vì nó nói rằng Croatia đang là đội bóng có tính kỷ luật vô cùng cao. Đến mức không ai có phản ứng gì dù lòng chẳng vui vẻ. Người ngoài nhìn vào có thể cám cảnh cho Modric hay Kocavic nhưng chính phẩm chất đó đã giúp cho Croatia có lần thứ 3 vào đến tứ kết, tính từ năm 1998. Đó là thứ đã tạo nên một Croatia kiên cường khủng khiếp khi đá 3 trận vòng knock-out ở World Cup 2018 đều kéo sang hiệp phụ, trong đó họ thắng 2 trận bằng đá luân lưu. Và lịch sử đang lặp lại, chắc chắn không thể là tình cờ.
Trong số 13 cầu thủ tham dự trận chung kết World Cup 2018 với Pháp, chỉ có 5 người lọt vào danh sách dự World Cup 2022. Vida ngồi dự bị, Andrej Kramaric bị thay sớm, Ivan Perisic sau đó cũng rời sân và cuối cùng là Modric. Chỉ có Dejan Lovren và Marcelo Brozovic là những cầu thủ trụ lại cho đến loạt sút luân lưu. Nói cách khác, có một sự xuyên suốt như sợi dây thép cường lực vĩnh cửu đã thấm đẫm trong tư duy chơi bóng của Croatia.
“Ý chí kiên cường của các cầu thủ phản ánh bản chất của người Croatia,” Dalic nói về các học trò. "Chúng tôi đã trải qua quá nhiều thương đau, vì thế chúng tôi không bỏ cuộc. Chúng tôi là một quốc gia nhỏ nhưng có trái tim lớn. Chúng tôi thi đấu vì những người hâm mộ và luôn hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn”. Vì lẽ đó, ông đã đặt lý trí lên trên tình cảm. Modric và Kovacic tỏ ra thấm mệt, trong khi Kramaric chơi thiếu hiệu quả. Perisic trụ được hết 90 phút chính thức, nhưng cũng khó mà đá tốt hơn. Dalic có niềm tin vào những người thay thế. Ông đưa ra những quyết định không đơn giản, nhưng chính xác tuyệt đối. Bạn cần gì nữa cho một cuộc hành trình vinh quang?
Cứ mỗi lần nói về tính kiên cường, Đức sẽ là hình mẫu. Nhưng bây giờ, tinh thần Đức ấy đang mặc áo…ca-rô. Đúng như vậy, Croatia đang là một phiên bản hoàn hảo của thứ phẩm chất không biết đầu hàng khi trái bóng chưa dừng lại. Croatia chơi không hay, chẳng có gì để so sánh thế hệ này lẫn năm 2018 có cái gì đó giống với thời của Davor Suker năm 1998. Nhưng chẳng lẽ chúng ta đòi hỏi gì hơn ở một quốc gia chỉ có hơn 4,5 triệu dân nhưng vẫn đang sản sinh ra các cầu thủ giỏi.
Mario Pasalic (27 tuổi) và Lovro Majer (24 tuổi) không phải lúc nào cũng có tên trong đội hình xuất phát của Atalanta và Rennes. Nikola Vlasic (25 tuổi) thất bại ở West Ham, Everton và hiện đang lưu lạc tại Torino. Marko Livaja (29 tuổi) đã trở lại Croatia để khoác áo Hajduk Split. Vậy nhưng khi vào thay những ngôi sao lớn, họ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ba trong số bốn người vào thay đã bước lên để thực hiện các quả phạt đền.
“Đừng đánh giá thấp người Croatia, chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc,” Dalic nói. "Chúng tôi luôn tin tưởng vào điều lớn lao. Và Chúa luôn ở bên chúng tôi”. Hãy nhớ lời của Dalic hỡi các cầu thủ Brazil, đối thủ tiếp theo của Croatia. Vì chẳng có đội bóng nào khiến Brazil phải lo lắng ngoài người Đức.