Kết thúc SEA Games 32: Sức mạnh của lòng tự hào và nội lực

Lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã giành ngôi đầu toàn đoàn khi đại hội diễn ra bên ngoài lãnh thổ. Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp, TTVN xếp trên đoàn Thái Lan, quốc gia luôn duy trì vị thế số 1 suốt 3 thập niên gần nhất.
Bóng rổ nữ Việt Nam giành huy chương vàng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bóng rổ nữ Việt Nam giành huy chương vàng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thành công ngoài mong đợi

Dù đây là kỳ SEA Games tổ chức bên ngoài lãnh thổ mà Việt Nam cử đoàn vận động viên (VĐV) đông đảo nhất tham dự, nhưng số lượng vẫn kém xa các đoàn Thái Lan, Campuchia, Philippines hay Malaysia. Tuy vậy, TTVN vẫn giành HCV ở hầu hết những môn đăng ký tham gia tranh tài. Trong đó, có thể kể đến các cuộc chinh phục đỉnh cao bất ngờ ở những môn chúng ta không có thế mạnh như golf hay bóng rổ, cũng như các môn và nội dung mà nước chủ nhà Campuchia đưa vào mang tính đặc thù như cờ “Ốc” hay võ Khmer. Có thể nói, ngoài SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà, thì đây là kỳ SEA Games mà TTVN phô diễn sức mạnh vừa toàn diện, vừa chuyên sâu.

Đặt mục tiêu chỉ từ 90-120 HCV và cố gắng tranh chấp ngôi đầu với đoàn Thái Lan, nhưng đến ngày thi đấu áp chót, TTVN đã vượt chỉ tiêu đề ra và giành lấy vị trí số 1. Tính trung bình, cứ 3 VĐV sang Campuchia thì chúng ta có được 1 tấm huy chương, cứ 9 VĐV thì có 1 HCV. Con số này phản ảnh đúng những tính toán rất chi tiết của các nhà quản lý khi gút danh sách tham dự đại hội trong thời điểm mà nước chủ nhà chưa công bố việc miễn phí ăn, ở cho các VĐV.

Chiến thắng của TTVN còn ý nghĩa hơn khi chúng ta vẫn duy trì vị thế hàng đầu ở nhóm môn Olympic, vốn chiếm 60% tỷ trọng huy chương ở các kỳ SEA Games. Tiêu biểu là ở các nội dung bơi và điền kinh, dù không có một số gương mặt ưu tú như Nguyễn Thị Ánh Viên ở môn bơi, TTVN vẫn đủ sức cạnh tranh với các đoàn mạnh nhất ở các môn này như Singapore (bơi lội) và Thái Lan (điền kinh). Trong khi đó, ở các môn đấu kiếm, cử tạ, vật và một số môn võ có trong chương trình thi đấu Olympic, Asiad…, các VĐV Việt Nam đều có phong độ tốt, cứ vào chung kết là thắng HCV.

Hướng đến kỳ SEA Games theo tiêu chuẩn mới

Việc cử đoàn VĐV đông nhất nhưng vẫn chỉ về nhì bảng tổng sắp sẽ khiến cho thể thao Thái Lan quyết tâm hơn ở kỳ SEA Games 33 diễn ra vào năm 2025 mà họ là nước đăng cai. Đó là kỳ đại hội đầu tiên dự kiến diễn ra theo những tiêu chuẩn mới của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á với đa số môn thi đấu nằm trong quy chuẩn của Olympic và Asiad, chỉ có 2 môn mang tính đặc thù quốc gia được chọn. Không chiếm ưu thế trước TTVN trên “sân trung lập”, thể thao Thái Lan sẽ phải nỗ lực rất nhiều để lấy lại vị trí đứng đầu toàn đoàn trong khi vẫn bảo đảm những tiêu chuẩn mới của SEA Games.

Điền kinh Việt Nam giành 12 HCV tại SEA Games 32

Điền kinh Việt Nam giành 12 HCV tại SEA Games 32

Ở phía ngược lại, thành công tại SEA Games 32 cũng tạo ra một thách thức vừa to lớn, vừa thú vị đối với TTVN trong quá trình chuẩn bị cho đại hội 2 năm sau. Đó sẽ là cuộc đua tranh thực sự hấp dẫn, có giá trị tiến bộ cho nền thể thao khu vực. Cũng vì vậy, sau khi khẳng định vị thế của mình, TTVN chắc chắn cũng hướng đến cách tiếp cận mới trong khâu đầu tư và đào tạo VĐV cho kỳ SEA Games kế tiếp, nhất là khi số lượng các kỷ lục SEA Games mà VĐV Việt Nam có được trên đất Campuchia không nhiều; ở một số môn thi đấu chủ lực, đã có những huyền thoại khó duy trì được thành tích trong thời gian tới.

Tuy nhiên, từ những khoảnh khắc đầy nghị lực của nữ hoàng điền kinh Nguyễn Thị Oanh, cú nước rút “không thể tin nổi” của các kình ngư Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên trên đường đua xanh, chiến thắng lịch sử của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam ở kỳ thứ 4 liên tiếp, người hâm mộ tin tưởng vào chiến lược của TTVN hiện tại. Chúng ta vẫn đang giữ được dòng chảy tài năng một cách đều đặn, ngọn lửa cống hiến vẫn được tiếp nối với sự khao khát chinh phục đỉnh cao của các VĐV Việt Nam.

Những điều nuối tiếc

Bóng chuyền nữ Việt Nam có lần thứ 11 vào trận chung kết với Thái Lan và vẫn chưa thể đổi màu tấm HCB trước một đối thủ vốn ở đẳng cấp châu Á; U22 Việt Nam dừng bước tại bán kết khi nhận bàn thua oan nghiệt ở phút bù giờ trước Indonesia; hay một số nội dung cự ly ngắn, nhảy xa, nhảy cao ở điền kinh không thể giành chiến thắng sau cùng… là những nuối tiếc lớn nhất tại SEA Games 32 của Đoàn TTVN. Tuy nhiên, thất bại sẽ là động lực cho các VĐV lẫn nhà quản lý nâng tầm trình độ khi đây là những môn chúng ta đặt mục tiêu vươn đến tầm châu lục.

Nguồn động viên từ người Việt tại Campuchia

Trong buổi gặp gỡ với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia cùng một số doanh nghiệp hôm 16-5, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt - Trưởng Đoàn TTVN tại SEA Games 32, gửi lời cảm ơn cộng đồng người Việt tại Campuchia đã luôn ủng hộ, khích lệ các VĐV cả trong thời gian tập luyện và thi đấu, tạo nên bầu không khí thân thuộc, gắn bó như đang ở quê hương.

YẾN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục