Hai chuyến xuất ngoại

Đây không phải là lần xuất ngoại đầu tiên của Công Vinh, bởi anh đã từng sang thi đấu tại giải nhà nghề Bồ Đào Nha. Vì vậy, lần xuất ngoại này của tiền đạo số 1 Việt Nam không gây chú ý nhiều nhưng là một bước khởi đầu mới xuất phát từ chủ trương thu hút cầu thủ Đông Nam Á đến thi đấu của LĐBĐ Nhật Bản.

Theo kế hoạch, Công Vinh sẽ sang thi đấu cho CLB hạng nhì Nhật Bản là Consadole Sapporo với mức lương khoảng 7.000 USD/tháng. Bản hợp đồng được xem là lịch sử này có lẽ không có giá trị nhiều về mặt chuyên môn bởi Công Vinh không còn ở đỉnh cao phong độ, nhưng hứa hẹn mở ra một trang mới cho bóng đá Việt Nam trong giao lưu và học hỏi kinh nghiệm với một cường quốc bóng đá châu Á. Consadole Sapporo đặt bút ký với Công Vinh chắc chắn không phải tìm một hảo thủ giúp họ thăng hạng mà điều họ cần là hoạt động của CLB sẽ xuất hiện nhiều trên báo chí Việt Nam.

Thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với hàng triệu người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt rồi sẽ có tên Consadole Sapporo. Nhưng với Công Vinh và bóng đá Việt Nam, được tiếp cận với môi trường bóng đá chuyên nghiệp lại là một cơ hội lớn. Ở châu Á, Nhật Bản là quốc gia thành công nhất trong xây dựng mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Trong một thời gian ngắn, từ một nền bóng đá “nhỏ bé” đã trở thành cường quốc khu vực. Vì vậy, chơi bóng ở môi trường đấy đáng giá hơn nhiều so với con số 7.000 USD mà Công Vinh nhận được mỗi tháng.

Theo dự kiến, “running man” Vũ Xuân Tiến sẽ sang Anh theo lời mời của HLV Arsene Wenger vào đầu tháng 8-2013 để dự khán một trận đấu của Arsenal. Đây là lần đầu tiên Vũ Xuân Tiến xuất ngoại xem bóng đá theo lời mời chính thức của một CLB nổi tiếng trên thế giới, chính vì vậy sự kiện này cũng được xem là một dấu ấn trong giao lưu bóng đá. Thật ra, mối quan hệ giữa CLB Arsenal và bóng đá Việt Nam đã được thiết lập nhiều năm nay, khi lần đầu tiên bóng đá Việt Nam xuất hiện trên sân bóng huyền thoại Emirates bằng biển quảng cáo của Hoàng Anh Gia Lai.

Cùng thời điểm đó, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG ra đời và đến nay lứa cầu thủ được đào tạo đầu tiên của học viện này đã chuẩn bị ra lò. Nhưng khi dàn cầu thủ ngôi sao của Arsenal đặt chân đến SVĐ Mỹ Đình thì sức hút của họ đối với người hâm mộ Việt Nam mới bộc lộ rõ ràng hơn.

“Running man” ra đời trong bối cảnh đó và bỗng chốc nổi tiếng đến mức nhiều người phải suy luận rằng đây liệu có phải là chiêu PR ngoạn mục của thầy trò Wenger? Thôi thì cũng có thể là chiêu PR, nhưng công bằng mà nói qua sự kiện này, bóng đá và người hâm mộ Việt Nam được rất nhiều khi thế giới chứng kiến và có cái nhìn thiện cảm hơn với một nền bóng đá có hơn 10 năm chuyên nghiệp mà vẫn còn rất đỗi nghiệp dư! Bởi dù cho tuyển Việt Nam có vô địch SEA Games hay AFF Cup hàng chục lần đi nữa thì cũng không thể xuất hiện một cách dồn dập trên báo chí Anh và nhiều nước như sự kiện “running man” vừa rồi.

Hai chuyến đi, hai mục đích khác nhau của Lê Công Vinh và Vũ Xuân Tiến, nhưng có một điểm chung là cơ hội để bóng đá Việt Nam hội nhập sâu hơn với các nền bóng đá phát triển.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục