Euro 1992, Đan Mạch - Kẻ thế vai vĩ đại

Bóng đá là môn thể thao chứa đựng quá nhiều bất ngờ, không theo một quy luật nào. Không phải cứ đội bóng được đánh giá là mạnh hơn, đồng nghĩa với việc chắc chắn vô địch trước đội bóng lép vế khác, 90 phút trong bóng đá là điều không thể khẳng định trước. Trong lịch sử các kỳ EURO, Đan Mạch là đội bóng tiên phong chứng minh cho quan niệm trên là đúng. EURO 1992, người ta sẽ không bao giờ quên cái cách “Những chú lính chì” đánh bại “Cỗ xe tăng Đức” hùng mạnh để lên ngôi vô địch một cách không thể bất ngờ hơn, bởi lẽ từ đầu họ chỉ là kẻ thế vai cho Nam Tư và không được đánh giá cao.

Bóng đá là môn thể thao chứa đựng quá nhiều bất ngờ, không theo một quy luật nào. Không phải cứ đội bóng được đánh giá là mạnh hơn, đồng nghĩa với việc chắc chắn vô địch trước đội bóng lép vế khác, 90 phút trong bóng đá là điều không thể khẳng định trước. Trong lịch sử các kỳ EURO, Đan Mạch là đội bóng tiên phong chứng minh cho quan niệm trên là đúng. EURO 1992, người ta sẽ không bao giờ quên cái cách “Những chú lính chì” đánh bại “Cỗ xe tăng Đức” hùng mạnh để lên ngôi vô địch một cách không thể bất ngờ hơn, bởi lẽ từ đầu họ chỉ là kẻ thế vai cho Nam Tư và không được đánh giá cao.

Các cầu thủ của tuyển Đan Mạch vui mừng sau chiến thắng trước tuyển Đức ở chung kết

“Định mệnh” gọi tên

Đan Mạch là quốc gia có nền bóng đá khá phát triển ở những năm đầu của thế kỷ XX với những chiếc HCV tại Olympic các năm 1908 và 1912. Do đường lối xây dựng không hiệu quả, Đan Mạch mất hút thành tích cho đến EURO 1984, giải đấu lớn đầu tiên ở châu lục mà Đan Mạch mới có cơ hội góp mặt, lần trở lại của “Những chú lính chì” đã gây ấn tượng khi xuất sắc lọt vào tới bán kết. Bước vào vòng 1/8 ở World Cup 1986 cũng là một thành công của Đan Mạch. Nhưng 2 năm sau đó, Đan Mạch lại đi vào lối mòn khi nội bộ xảy ra những bất ổn, HLV Sepp Piontek được thay thế bằng trợ lý Richard Moller Nielsen sau 11 năm dẫn dắt tuyển Đan Mạch.

Không đồng thuận với những chiến thuật của HLV mới, đội hình vốn đã không có được chất lượng tốt nhất, nay lại mất đi sự phục vụ của hai anh em tài năng nhà Laudrup (sau đó chỉ người em Brian trở lại đội tham dự EURO 1992), cũng như 2 cầu thủ Jan Molby và Jan Heintze “lắm tài nhiều tật” đã bị loại do thói vô kỷ luật. Bất ổn kéo dài đến EURO 1992, Đan Mạch của HLV Moller Nielsen không có một sự chuẩn bị tốt nào ở vòng loại, xếp thứ 2 sau Nam Tư và bị loại. Nhưng may mắn đã đến khi VCK EURO 1992 còn gần 10 ngày nữa bắt đầu thì Đan Mạch được gọi thay thế Nam Tư (bị loại do nội chiến xảy ra) thi đấu.

Lên ngôi xứng đáng

Bằng chiến thuật phòng ngự tiêu cực, phản công chớp nhoáng, tuyển Đan Mạch 1992 thực sự gây khó chịu với các đội bóng khác, họ chỉ thua mỗi đội chủ nhà Thụy Điển 1-0 ở vòng bảng. Lần lượt vượt qua các “siêu cường” khác, cầm hòa Anh 0-0 và đánh bại Pháp 2-1 để vào bán kết, tiếp đó cầm hòa 2-2 trong cả trận đấu, để rồi đánh bại một đương kim vô địch Hà Lan vô cùng mạnh trên chấm phạt đền bước thẳng vào vòng chung kết lần đầu.

Trận chung kết EURO 1992 vô cùng hấp dẫn, đa phần đều nghĩ Đức sẽ là đội giành chiến thắng cao hơn bởi từ đầu vòng bảng, họ đã thể hiện sức mạnh đáng sợ của mình như thế nào. Và thế trận của trận chung kết cũng chứng mình điều đó, Đức là đội cầm bóng nhiều hơn và có liên tiếp có những pha tấn công nguy hiểm, uy hiếp khung thành của thủ môn Peter Schmeichel. Những cầu thủ Đức như: Riedle, Stefan Reuter và Guido Buchwald hẳn sẽ không bao giờ quên những cản phá điên rồ của thủ thành người Đan Mạch, khi họ đã liên tục có những pha “bắn phá” nguy hiểm.

Chịu áp lực trước Đức, nhưng hàng thủ của Đan Mạch liên tục có những pha xoạc bóng, phá bóng chính xác làm “nản lòng” đối thủ. Ít cơ hội tấn công, nhưng tận dụng những pha phản công “sắc như dao cạo”, khi có bóng, các cầu thủ Đan Mạch dốc bóng hết cỡ và tận dụng thành công khi ghi 2 bàn, đánh bại tuyển Đức 2-0, một kết quả gây chấn động làng túc cầu.

“Kẻ đóng thế” Đan Mạch đã giành chức vô địch đầu tiên trong lịch sử trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Nhưng không thể nói ở EURO 1992, Đan Mạch thi đấu thành công chủ yếu do may mắn, “Những chú lính chì” đã thể hiện mình là một tập thể gắn kết, thi đấu như những chiến binh đúng với ý đồ của HLV Nielsen. Chức vô địch không thể đẹp và xứng đáng hơn khi những “ông lớn” như Anh, Pháp, Hà Lan và Đức đều phải ôm hận trước “những kẻ lạ từ đầu đến” ung dung lấy cúp vốn dĩ phải thuộc về họ. Đan Mạch đã chứng minh trong bóng đá, không phải cứ là đội mạnh hơn sẽ luôn giành phần thắng.

VŨ HIẾU

Tin cùng chuyên mục