Anh ta đáp ứng mọi yêu cầu đối với một tiền vệ hiện đại, và mức giá 55 triệu bảng Anh của anh ta thực ra vẫn rẻ trong thời buổi hiện nay. Những cầu thủ như thế rất hiếm khi gặp được!
Có điều, đến bao giờ De Bruyne phát huy được mọi tinh hoa của anh ta một cách liên tục ổn định thì vẫn là một sự đợi chờ.
De Bruyne tròn 26 tuổi cách đây vài ngày, tức là bắt đầu sang tuổi 27. Anh đã thi đấu cho Man.City được 2 mùa bóng. Trong đó đáng nhớ nhất là gì? Ở mùa giải thứ nhất dưới quyền cựu HLV Pellegrini, đó là... ca chấn thương đầu gối vào tháng 1-2016, khiến anh nghỉ thi đấu hơn 2 tháng. Đó là bàn thắng quyết định rất đẹp mắt ở trận Champions League với PSG, giúp Man.City vào đến bán kết. Tức là có... đắm chìm và cũng có những khoảnh khắc nổi bật.
Mùa thứ nhì dưới quyền đương kim HLV Guardiola thì khá hơn một chút. Guardiola khởi đầu bằng việc xếp đặt De Bruyne vào giữa đội hình 4-3-3, thi đấu bên cạnh David Silva. Mong muốn quá rõ ràng: Guardiola muốn tập trung khai thác 2 bộ óc có trình độ tư duy thi đấu tốt nhất của Man.City. Và những tháng đầu tiên đúng là tốt thật. De Bruyne giúp Man.City hạ gục Man.United ngay tại Old Trafford. Anh còn ghi một bàn sút phạt, kiến tạo một bàn cho Man.City đánh bại Barca 3-1 trong trận Champions League trên sân nhà Etihad Stadium.
Lúc bấy giờ, De Bruyne rõ ràng là cầu thủ hay nhất ở Anh và Man.City cũng đang toát lên những thần thái của một nhà vô địch tương lai. Cái khí sắc ấy đã được duy trì đến hết hiệp một của trận Premier League với Chelsea vào đầu tháng 12-2016, hiệp đấu mà De Bruyne chơi cực tốt, Man.City áp đảo toàn diện và tỷ số là 1-0. Tiếc thay, hình như bước ngoặt của cả Man.City nói chung và De Bruyne nói riêng cũng chính là hiệp đấu ấy. Đầu hiệp nhì, một cơ hội thênh thang đến với De Bruyne thì anh lại sút dội xà. Man.City thua ngược 1-3. Chelsea sau đó giành chức vô địch Premier League. Man.City chỉ về hạng 3 chung cuộc.
Nếu cú sút dội xà ngang ấy thành bàn, liệu kết cục có khác không? Tất nhiên rất khó mà trả lời cho đúng, nhưng thực tế vẫn cho thấy De Bruyne xuống dần kể từ trận thua Chelsea. Guardiola chuyển anh ra khỏi khu trung tâm hàng tiền vệ, thử nghiệm anh từ hành lang bên này sang bên kia. Đó là thời kỳ Guardiola loay hoay tìm công thức tốt nhất, tìm cách dồn quân vào tuyến giữa nhiều hơn. Đã có lần De Bruyne còn bị bố trí như một hậu vệ cánh trái - lần ấy chính là trận thua muối mặt 2-4 trên sân Leicester.
Thế đấy, mùa thứ nhì của De Bruyne cũng giống như mùa thứ nhất, tức là cũng lại có đắm chìm và có nổi bật. Có thể nổi bật nhiều hơn, nhưng đắm chìm cũng nhiều hơn. Và khổ nỗi là những thái cực ấy xảy ra rất không đúng lúc. De Bruyne chơi cực hay khi Man.City bóp vụn West Ham ngay trên sân khách, anh cũng rất xuất sắc khi thắng 3-0 tại Southampton hồi giữa tháng 4, nhưng đó lại là những trận... không cần phải quá xuất sắc như vậy.
Cần nhất là trận Champions League quyết định với Monaco, trận bán kết Cúp FA với Arsenal thì De Bruyne lại thi đấu trầy trật. Tương tự, trong 3 vòng đấu Premier League cực kỳ quan trọng với Liverpool, Arsenal và Chelsea thì De Bruyne và đồng đội chỉ lấy được đúng 2 điểm mà thôi.
Bởi vậy, càng về đến cuối mùa bóng vừa rồi, giới truyền thông càng hướng về một tuyển thủ Bỉ khác. Đó là Eden Hazard. Không phải De Bruyne của Man.City mà chính con át chủ bài của Chelsea mới đúng là cầu thủ tấn công hay nhất khi kết thúc chiến dịch 2016-2017. Về tuổi đời, Hazard chỉ hơn De Bruyne có 6 tháng nhưng về nghề thì Hazard lại hơn xa cái khoản biết phát huy tài nghệ đúng lúc, đúng chỗ và duy trì điều đó một cách lâu dài. De Bruyne không hề kém tài năng, nhưng anh chưa chứng tỏ được nó như Hazard. Mùa thứ 3 khoác áo Man.City sẽ là mùa bóng mà De Bruyne phải cho thấy anh ở cùng một đẳng như Hazard...