Từ sau Olympic Beijing, điền kinh Mỹ liên tục thống trị
Trong giai đoạn đầu Thế kỷ 21, từ Olympic Sydney 2000 cho đến Olympic Beijing 2008, điền kinh Mỹ luôn là “đầu tàu” giàn huy chương, đặc biệt là những tấm HCV danh giá. Thế nhưng, họ cũng chưa từng tạo ra ưu thế thống trị đáng kể.
Ở kỳ Thế vận hội tại Úc, điền kinh Mỹ thắng 7 HCV, 4 HCB và 5 HCĐ - trong đó có 2 tấm HCV rất đáng chú ý ở các cự ly chạy của nam là 100m (thuộc về Maurice Green: 9.87) - và 400m (thuộc về Michael Johnson, khi đó đang là Đương kim kỷ lục gia thế giới: 43.84). Trong khi đó, điền kinh Ethiopia xếp hạng nhì với 4 HCV. Khoảng cách 3 HCV không phải là thứ gì đó quá “ghê gớm”.
Ở kỳ Thế vận hội tại Athens - Hy Lạp, điền kinh Mỹ dù giành được 9 HCV, 11 HCB và 5 HCĐ, vẫn duy trì cách biệt 3 HCV với đoàn xếp thứ nhì, lần này là điền kinh Nga. Điền kinh Nga đã giành được 6 HCV, 7 HCB và 6 HCĐ (với tấm HCV và Kỷ lục thế giới môn nhảy sào của “Nữ hoàng một thời” Yelena Isinbayeva: 4.91).
Riêng điền kinh Mỹ vẫn có được những tấm HCV đặc biệt ở các nội dung thi đấu sở trường như cự ly chạy 100m nam - Justin Gatlin: 9.85 hay các HCV ở 2 cự ly tiếp sức nam và nữ 4x100m.
Ở kỳ Thế vận hội tại Beijing - Trung Quốc, khoảng cách HCV giữa điền kinh Mỹ và đoàn thể thao xếp thứ nhì đã bị thu ngắn xuống chỉ còn 1 HCV. Điền kinh Mỹ thắng 7 HCV, 10 HCB và 8 HCĐ, trong khi đó, điền kinh Kenya đã vươn lên mạnh mẽ với 6 HCV, 4 HCB và 6 HCĐ.
Chiến thắng của Kenya chủ yếu đến trong các cự ly trung bình (800m, 1.500m nam và nữ), rồi đường trường như là marathon, còn Mỹ đã đánh mất vị trí thống trị ở các cự ly chạy nước rút. Sự xuất hiện của Usain Bolt - thắng cú đúp HCV ở các cự ly 100m và 200m với những thành tích phá Kỷ lục thế giới 9.69 và 19.30, và của các nữ VĐV Jamaica đã khiến điền kinh Mỹ gặp phải thách thức.
Tuy nhiên, trong giai đoạn sau đó, điền kinh Mỹ đã thiết lập địa vị thống trị thật sự ở các kỳ giải Thế vận hội. Ở Olympic London 2012, dù Bolt vẫn quét sạch HCV ở các cự ly chạy nước rút, Mỹ đã tạo ra dấu ấn ở các nội dung thi đấu như là 110m, nhảy xa tam cấp, 10 môn phối hợp nam, rồi 200m, 400m, nhảy cao, nhảy sào nữ…
Điền kinh Mỹ đã kết thúc giải đấu tại Anh với tổng cộng 9 HCV, 12 HCB và 7 HCĐ. Trong đó, số HCV nhiều hơn gấp đôi so với các đoàn thể thao xếp sau là điền kinh Jamaica (4 HCV, 5 HCB và 3 HCĐ) và điền kinh Anh (4 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ).
Ở kỳ Đại hội thể thao thế giới gần đây nhất - Olympic Rio de Janeiro, điền kinh Mỹ vẫn tiếp tục thống trị 13 HCV, 10 HCB và 9 HCĐ. Số HCV cũng nhiều hơn gấp đôi so với các đoàn thể thao xếp ngay phía sau là điền kinh Jamaica: “chỉ có” 6 HCV, 6 HCB và 1 HCĐ và điền kinh Jamaica với 6 HCV, 3 HCB và 2 HCĐ.
Gặp phải thách thức ở Olympic Tokyo
Khi Bolt đã giải nghệ, tham vọng của điền kinh Mỹ ở kỳ Thế vận hội tại Nhật Bản là “vô cùng to lớn”. Tuy vậy, họ chỉ giữ được vị trí nhất toàn đoàn, còn lại đã đánh mất địa vị thống trị mà họ từng duy trì suốt 2 kỳ Thế vận hội trước.
Cho đến khi nội dung thi đấu cuối cùng của môn điền kinh khép lại: cự ly chạy marathon dành cho nam (Eliud Kipchoge giành tấm HCV Olympic thứ 2 liên tiếp với thành tích 2:08.38), điền kinh Mỹ thắng 12 HCV, 7 HCB và 12 HCĐ. Tuy rằng họ vẫn xếp đầu trên Bảng Tổng sắp huy chương, nhưng chỉ vượt hơn điền kinh Italia vỏn vẹn 2 tấm HCV.
Những HCV mà điền kinh Mỹ giành được là ở các nội dung thi đấu: 4x400m tiếp sức, đẩy tạ nam (đây là lần hiếm hoi khi mà các VĐV điền kinh nam của Mỹ chỉ giành được 2 tấm HCV ở một kỳ Thế vận hội), 800m, 400m rào, tiếp sức 4x400m, nhảy sào, ném đĩa - đều của nữ.
Có thể nói, người Mỹ đã thất bại đau đớn ở các cự ly - nội dung thi đấu mà họ tưởng như đã giành HCV như là: 100m, 200m, 110m rào, 400m rào - đều của nam, rồi 110m và 3000m vượt chướng ngại vật - của nữ. Những biến số bất ngờ đến từ Ý, Canada, Uganda… đã tạo ra kết quả ngược với ước nguyện của người Mỹ.
Sự vươn lên mãnh liệt của điền kinh Ý
Với 5 tấm HCV, điền kinh Ý đã có màn trình diễn hay nhất trong lịch sử các kỳ Thế vận hội của mình. Trước đó, ở Olympic Rio de Janeiro 2016, họ thậm chí còn không giành nổi 1 tấm HCV nào (ở kỳ Đại hội thể thao hồi 5 năm trước, Ý giành đến 4 HCV môn… bắn súng).
Sự xuất sắc của “Vua tốc độ mới” Marcel Jacobs, người giành được đến 2 HCV trong các cự ly 100m và tiếp sức 4x100m, hay những ấn tượng đến từ Gianmarco Tamberi (nhảy cao nam), Massimo Stano (đi bộ 20km nam), Antonella Palmisano (đi bộ 20km nữ)… đã tạo ra sự khác biệt, khiến điền kinh Ý xếp vị trí thứ hai toàn đoàn một cách bất ngờ nhưng đầy hợp lý.
Jacobs là ngôi sao mới nhất, không chỉ của điền kinh Ý mà còn của điền kinh thế giới trong những ngày này. Anh là VĐV chạy nước rút thứ 3 giành được “cú đúp” HCV ở 2 cự ly 100m và tiếp sức 4x100m tại một kỳ Thế vận hội, sau Maurice Greene và Usain Bolt, chỉ tính riêng trong Thế kỷ 21. Jacobs và điền kinh Ý là biểu hiện cho thấy, chỉ cần có khát khao, chuyện gì cũng có thể xảy ra, giấc mơ hoàn toàn có khả năng trở thành sự thật.
Thi đấu dưới áp lực, dưới sự soi mói của dư luận, dưới lá cờ khiên cưỡng Ủy ban Olympic Nga (ROC), nhiều VĐV điền kinh Nga đã không còn là chính mình. Chính vì điều đó việc họ giành được 1 HCV và 1 HCB là một thành tích không thể chê trách.
Sau khi Anzhelika Sidorova giành HCB nội dung nhảy sào nữ với thành tích 4.80 (Katie Nageotte của Mỹ giành HCV với thành tích 4.90), “Mỹ nhân Nga” Mariya Lasitskene cũng đã giành tấm huy chương Olympic cuối cùng cho điền kinh ROC - tấm HCV nội dung nhảy cao nữ.
Lasitskene đã hoàn thành “Giấc mộng Vàng” ở các giải đấu đẳng cấp thế giới và quốc tế sau khi vượt qua mức xà 2.04 (Nicola McDermott chỉ vượt qua mức xà 2.02, giành HCB).
Như vậy, hiện Lasitskene đã có đủ bộ sưu tập HCV ở các hệ giải đấu như là Olympic, Giải điền kinh vô địch thế giới (cô đã 3 lần VĐTG trong các năm 2015, 2017 và 2019), Giải điền kinh trong nhà vô địch thế giới (2 lần trong các năm 2014 và 2018), Giải điền kinh vô địch châu Âu (cả trong nhà lẫn ngoài trời trong các năm 2018 và 2019). Lasitskene đã có “hạnh phúc viên mãn”.