- Thêm lần nữa, lại nghe mấy doanh nghiệp du lịch than vãn lễ 30-4 và 1-5 gần tới mà thấy xìu xìu thế nào đó.
- Lễ năm nay nghỉ dài ngày, tiện cho việc du lịch ở Phú Quốc, Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt… Nhưng oái ăm là kinh tế khó khăn, nhiều gia đình chọn giải pháp về quê ở mấy tỉnh lân cận để sum họp gia đình cho chắc.
- Các công ty du lịch chắc méo mặt. Chẳng bù cách đây chừng 5-7 năm, ngành này nổi lên như ngành “hót”, khách quốc tế đến ồ ạt, ngược lại dân mình cũng xuất ngoại tận châu Âu du hí hà rầm.
- Nói chuyện châu Âu lại nhớ bóng đá xứ này làm ăn ngon quá!
- Ai cũng than thở, nghĩ sao nói bóng đá châu Âu khấm khá?
- Ít ra nằm ở khía cạnh bán sân vẫn có khối tiền?
- Bán sân gì???
- Một trong những cách kiếm tiền quen thuộc của bóng đá thế giới là bán tên sân của các CLB và thu về khoản tiền lớn.
- Bóng đá chuyên nghiệp phải gắn với tiền.
- Tháng 10-2004, Át-sê-nồ ký hợp đồng 15 năm với hãng Fly Emirates trị giá 100 triệu bảng. Vậy là mỗi năm Át-sê-nồ bỏ túi 7 triệu bảng. Tháng 11-2012, Fly Emirates tiếp tục ký hợp có giá trị 150 triệu bảng và giữ tên sân này tới tận năm 2028.
- Nhiều tiền quá ha?
- Nhưng trường hợp của Át-sê-nồ còn thua Man-xi. Đội này kiếm tới 400 triệu bảng trong vòng 10 năm nhờ bản hợp đồng với hãng Etihad, và sân City of Manchester được đổi thành sân Etihad.
- Ghê thiệt?
- Các đội nhỏ cũng không từ chối cơ hội. Như CLB Bolton (sân Reebok), Stoke (Britannia), Wigan (DW) và Swansea (Liberty). Ở Bundesliga, 14/18 sân đã bán tên, trong đó nổi bật nhất là Bayern Munich với sân đấu giờ mang tên Allianz, tập đoàn bảo hiểm của Đức. Hợp đồng có thời hạn đến tận năm 2041, với tổng giá trị là 180 triệu EUR. Theo thông tin, sân Bét-na-beo sẽ đổi thành Abu Dhabi Stadium, với bản hợp đồng có thời hạn 20 năm và khoản tiền lên 300 triệu bảng.
- Sao ở mình không làm như nước ngoài?
- Thôi đi, Vi-lít ngày càng đi xuống, nền bóng đá chậm phát triển, hạ tầng tệ hại, việc kinh doanh ngoài bóng đá bằng 0 thì doanh nghiệp mua sân bóng về… làm thuốc à?
![]() |
HAI SÀI GÒN