Làng túc cầu Nam Mỹ có 2 đại diện ưu tú là Brazil và Argentina, và trong quá khứ, người ta phân biệt phong cách thi đấu giữa 2 quốc gia này nằm ở số lượng cầu thủ chơi bóng tại… Serie A (Italy). Phần lớn những huyền thoại của bóng đá Argentina đều từng nổi tiếng tại đất nước hình chiếc ủng, như Maradona, Batistuta, Veron, Zanetti… Thế nhưng, siêu sao Lionel Messi chưa từng đá tại Serie A và các cầu thủ đang chơi bóng tại đây cũng thất sủng ở World Cup 2022, tiêu biểu như Dybala và Martinez.
Điều thú vị là lối chơi mà HLV Scaloni đang vận hành lại mang đậm hơi thở của bóng đá Italy, dù các cầu thủ đá chính phần lớn không chơi bóng ở Serie A. Đó là thứ bóng đá mà 9 người làm nhiệm vụ ngăn chặn bàn thua, 2 người còn lại sẽ tìm cách ghi bàn. Thành công nằm ở khả năng chuyển đổi trạng thái từ thủ sang công chỉ bằng một đường chuyền chết người. Nhưng cái hay ở chỗ, trong tay ông Scaloni có Messi. Người đang chơi bóng ở tuổi 35 bằng hình bóng của Maradona thời trai trẻ. Năm 1986, Maradona có pha ghi bàn bằng “bàn tay của Chúa” và cú đi bóng kinh điển từ giữa sân. Năm 2022, nhiều lần Messi bật người lên không trung để đánh đầu, trong đó có tình huống dẫn đến một quả phạt đền. Messi cũng có pha đi bóng siêu đẳng trong trận bán kết trước Croatia.
Người ta tìm ra vô số điểm giống nhau giữa Argentina hiện tại và của lần cuối cùng họ vô địch World Cup 1986. Đó là một chỉ dấu cho thấy, rốt cục thì điệu tango cũng đã trỗi lên. Nó vừa kín đáo nhưng cũng vô cùng nồng nhiệt, chặt chẽ nhưng cũng có tình tiết hoang đường. Argentina của năm 2022 không hề hoàn hảo: thua Saudi Arabia ở trận đầu tiên, có một hàng phòng ngự xộc xệch, có phút giây yếu đuối như trận thắng Hà Lan ở tứ kết; nhưng một Argentina mang dáng vẻ “bụi bặm” đường phố như vậy mới đích thực là nguy hiểm.
Trận chung kết trong mơ của World Cup 2022 |
Ở phía ngược lại, rất nhiều sự chú ý dồn vào tiền đạo trẻ Mbappe, nhưng các cây viết bình luận quốc tế đều có chung nhận định, Antonie Griezmann mới là nhân vật nắm giữ bí quyết chiến thắng của Pháp.
Như Deschamp thời còn làm cầu thủ, Griezmann là người kết nối sự khác biệt về màu da và cá tính của tuyển Pháp bằng chính sự tận tụy, trung thành của mình. Ở mỗi chiến dịch thành công, từ World Cup 1998, đến Euro 2000 hay World Cup 2018, Pháp luôn có một cầu thủ đóng vai trò “người phán xử” cho một tập thể có rất nhiều tài năng cũng như sự giao thoa liên tục giữa các thế hệ. Tờ Guardian viết rằng: “Xét về giá trị với tập thể, Griezmann không kém gì Messi nếu không nói là lớn hơn. Messi đương nhiên được đồng đội tôn trọng, còn Griezmann lại tự đi tìm sự tôn trọng đó bằng phẩm chất chơi bóng và tinh thần xả thân”.
Griezmann là hình ảnh của Pháp năm 2022. Đó là sự linh hoạt về chiến thuật và yếu tố tập thể. Từng vị trí trên sân của Pháp đều có khả năng tạo đột biến, Mbappe có là ngôi sao thì mức độ đóng góp cũng tương tự lão tướng Giroud. Điều đó giúp Pháp có thể chơi bóng một cách thoải mái dù sân khấu đang bật nhạc nào.
Từ 2018 đến 2022, Pháp của Deschamp vẫn duy trì kiểu chơi kiểm soát bóng ít hơn đối phương nhưng luôn giữ thế chủ động về thế trận. Nói cho dễ hiểu, nếu Argentina nhảy điệu tango, thì Pháp cũng sẽ… nhảy theo. Có khi, Pháp chẳng còn cần phân bố người kèm Messi nếu như ngôi sao này đá quá thấp và thường xuyên… đi bộ. Bài học của Croatia đủ để Pháp biết cách không rơi vào bẫy phản công của Argentina.
Đội hình dự kiến:
mArgentina (4-4-2): Martinez - Molina, Romero, Otamendi, Acuna - Paredes, De Paul, Fernandez, Mac Allister - Messi, Alvarez
mPháp (4-3-3): Lloris - Kounde, Varane, Konate, T. Hernandez - Griezmann, Tchouameni, Rabiot - Dembele, Giroud, Mbappe
Vũ khí bí mật
Argentina và Pháp dường như vẫn còn để dành một số “vũ khí” cho riêng trận chung kết. Dybala là nhân vật như thế. Cầu thủ này chưa đóng góp được gì cho Argentina suốt từ đầu giải. Anh chỉ xuất hiện trên sân vài phút ngắn ngủi cuối trận bán kết Argentina - Croatia. Nếu Argentina bế tắc, có thể Dybala sẽ xuất hiện. Sự khó đoán của Dybala nằm ở chỗ tuyển Pháp không thể chuẩn bị sẵn phương án khóa Dybala. Việc Dybala ra sân trong vài phút cuối trận gặp Croatia rõ ràng là ý đồ của HLV Scaloni muốn tiền đạo này “làm nóng”, chuẩn bị cho trận chung kết.
Bên kia chiến tuyến, đội Pháp cũng “làm nóng” cho một tiền đạo trước trận chung kết: Kolo Muani. Đây là chân sút được bổ sung vào giờ chót, thay thế Christopher Nkunku gặp chấn thương. Kolo Muani đang khoác áo đội bóng tầm trung Eintracht Frankfurt của Đức. 8 năm trước, Mario Goetze từ băng ghế dự bị vào sân rồi ghi bàn cho tuyển Đức trong hiệp phụ, đánh bại Argentina 1-0 ở chung kết. Trong một trận đấu cân bằng, có khi kép phụ lại mang tầm quyết định.