Shanrit Wongpraset - “Nhà ngoại giao” khôn khéo
Ở thời điểm còn giữ cán cân 50-50 về trình độ, bóng chuyền nữ Việt Nam mặc dù sở hữu lực lượng tương đối tốt, nhưng vì điều kiện tham dự các giải đấu trong khu vực và châu Á rất ít so với Thái Lan và Philippines, nên sự tiến bộ khá chậm, đôi khi bị đánh giá là “giậm chân tại chỗ”.
Ngược lại, bóng chuyền nữ Thái Lan bước vào đầu giai đoạn quyết liệt cải tổ về nhân sự, trong đó nổi lên là sự xuất hiện của ông Shanrit Wongpraset, người được chọn ngồi vào vị trí Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Thái Lan ở thập niên 1990. Từ đó, Thái Lan hoạch định hẳn một chiến lược “tấn công” bài bản: tích cực ngoại giao để cử người tham gia các Tiểu ban chuyên môn của Liên đoàn bóng chuyền châu Á (AVC), tranh thủ sự ủng hộ của AVC xin đăng cai nhiều giải đấu từ lứa tuổi đến cấp độ đội tuyển, nhờ AVC giúp đỡ xây dựng và đào tạo lực lượng trọng tài quốc tế, HLV…
Chuyên gia Nguyễn Bá Nghị cho biết: “Chính vì phối hợp rất nhuần nhuyễn giữa đối nội và đối ngoại, nên ông Shanrit đã giúp nâng cao chất lượng cho bóng chuyền Thái Lan, thiết lập hẳn một chương trình tuyển chọn và đào tạo VĐV từ năng khiếu 13 tuổi đến các cấp độ đội tuyển, không có cách làm tuỳ hứng và “chủ nghĩa kinh nghiệm” xen vào”.
Ông Shanrit vận dụng được sự hỗ trợ trong mối quan hệ quốc tế (từ nguồn kinh phí của FIVB) để gửi HLV Thái Lan tham gia các khóa đào tạo HLV thế giới nhằm nâng cao trình độ, bên cạnh việc tạo dựng sự đoàn kết trong các Ban huấn luyện, cùng chung tay xây dựng hệ thống chuẩn từ tuyển chọn đến đào tạo VĐV trẻ và tuyển thủ quốc gia. Trên hết, các HLV được chọn cũng đồng thời được Liên đoàn tôn trọng và tạo những điều kiện tốt nhất để đạt được chiến lược đặt ra trước đó.
Rất dễ nhận thấy thành quả của cách đào tạo VĐV bài bản đã giúp nữ Thái Lan 2 lần vô địch châu Á (năm 2009 và 2013), đoạt HCB Asiad 2018, 13 lần giành HCV SEA Games trong 16 lần tham dự, mặc dù con người của họ không hẳn đã vượt trội về trình độ so với các VĐV Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phạm Thị Kim Huệ, Thanh Thuý của Việt Nam.
“VĐV của Thái Lan kém chúng ta về hình thể và lớn tuổi hơn. Nhưng xét ở góc độ một đội bóng, họ hơn đội tuyển Việt Nam về sự đồng đều kỹ-chiến thuật, thể lực và lối chơi bài bản. Phía sau những Pleumjit Thinkaow, Nootsara, Wilavan, Malika, Onuma… là liên tiếp những thế hệ VĐV kế cận được tôi luyện ở nhiều giải đấu, sân chơi quốc tế đẳng cấp, sẵn sàng thay thế bất cứ thời điểm nào. Đừng ngạc nhiên khi chứng kiến ngày càng nhiều VĐV Thái Lan thi đấu ở giải vô địch Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ hay ở châu Âu. Họ đã vươn đến một đẳng cấp khác rồi”, ông Nguyễn Bá Nghị nhấn mạnh.
Bóng chuyền Việt Nam kể từ thập niên 1990 của thế kỷ trước dựa nhiều vào quan hệ đối ngoại của một vài cá nhân là chính. Nhiều HLV và VĐV Việt Nam được cho là giỏi, trình độ chuyên môn không hề thua sút các nước trong khu vực, nhưng chỉ vì thiếu thi đấu cọ sát và chưa có cơ hội tiếp cận sự phát triển của bóng chuyền hiện đại, nên thành tích không cao. Thêm nữa, bộ máy Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) còn nhiều thiếu thốn từ tài chính đến người tâm huyết. Điều quan trọng là chúng ta không có chiến lược phát triển rõ ràng.
Tuy nhiên, từ sau SEA Games 2003, bóng chuyền Việt Nam đã có những thành tích đáng khích lệ cả ở nội dung nam lẫn nữ. Đáng lẽ ra, điều-đã-được-thấy ấy phải được nâng cấp, tiếp cận sớm hơn tới trình độ của bóng chuyền khu vực, thông qua việc xây một tổ chức Liên đoàn mạnh về con người, về tài chính, có chiến lược rõ ràng cho mỗi giai đoạn phát triển để phù hợp với khu vực, châu lục.
Tiếc một điều rằng VFV chỉ lo bảo vệ thành tích ở đấu trường SEA Games, mà quên đi trăn trở và tâm huyết còn dang dở của cố Tổng thư ký Hà Mạnh Thư, người đã đóng góp không biết mệt mỏi và đầy tâm huyết cho sự phát triển của bóng chuyền nước nhà.
Liên tiếp các nhiệm kỳ gần đây (từ 2008 đến nay), mặc dù được Tập đoàn dầu khí quốc gia và một số mạnh thường quân nữa bảo trợ tài chính, xuất hiện nhiều nhà chuyên môn giỏi, nhưng VFV vẫn “giậm chân tại chỗ” vì chính cách hoạt động cục bộ của mình. Chưa kể, tình trạng nhiều thành viên trong VFV bị cô lập, sử dụng những cá nhân yếu kém về chuyên môn tham gia điều hành đã dẫn tới tình trạng trình độ bóng chuyền Việt Nam chỉ ở cấp khu vực.
CƠ HỘI LỊCH SỬ Bỏ tham dự Giải vô địch châu Á 2019 (diễn ra vào trung tuần tháng 8), đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng mất luôn cơ hội tranh chấp tấm vé lần đầu tiên góp mặt ở đấu trường Olympic. Cơ hội này giờ đây đang nhường lại cho Hàn Quốc và Thái Lan, bởi lẽ Trung Quốc vừa đoạt vé đến Tokyo 2020 nhờ đứng đầu bảng B ở vòng loại thế giới, trong khi Nhật Bản được trao 1 suất trực tiếp do là nước đăng cai Olympic. Thái Lan tràn trề hy vọng, nhất là khi đội bóng nữ xứ chùa vàng từng có kinh nghiệm vô địch châu Á 2 lần gần đây (năm 2009 và 2013), đồng thời vẫn đang sở hữu thế hệ VĐV tốt nhất lịch sử của mình. Trong trường hợp không thể vô địch châu lục (2 ứng cử viên sáng giá là Trung Quốc và Nhật Bản), nhưng nếu xếp trên Hàn Quốc và các đối thủ còn lại (Kazakhstan, Đài Bắc-Trung Hoa, Iran, Australia, New Zealand, Hồng Công, Ấn Độ, Sri Lanka và Indonesia), Thái Lan sẽ có lần xuất hiện đầu tiên ở Olympic. |