- Hôm qua, làm việc với trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, tui thấy vị lãnh đạo thành phố nói một câu rất hay, rất sát với thực tế.
- Hay là hay sao?
- Ông hiệu trưởng than thở trường rất khó khăn, thiếu trang thiết bị để đào tạo nghệ thuật như phim trường, các phòng chức năng, phòng chuyên dụng, phòng chiếu phim đạt chuẩn...
- Nhiều trường đại học ở ta thiếu thốn đủ thứ. Một số trường trong lĩnh vực nghệ thuật khác cũng nằm trong tình cảnh tương tự kia mà?
- Lãnh đạo nhà trường còn cho biết đội ngũ các cấp, nhất là phòng, khoa, đơn vị trực thuộc mỏng, thiếu. Nhiều đơn vị không có cấp trưởng, cấp phó... Theo quy định hiện hành, trưởng khoa phải là tiến sĩ phù hợp chuyên ngành đào tạo.
- Trưởng khoa hiện không có tiến sĩ?
- Sau khi chia sẻ và có hướng chỉ đạo trường cần có cơ chế đặc thù, không thể để tình trạng thiếu trưởng khoa, phó khoa như vậy. Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng hỏi lại: “Các bộ môn khoa học cần tiến sĩ, nhưng nghệ thuật có nhất thiết cần tiến sĩ, hay từng khoa phải có một tiến sĩ? Có nhất thiết phải là tiến sĩ hát cải lương không? Thường người ta giới thiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hát cải lương, chứ không thấy ai giới thiệu ông tiến sĩ lên hát cải lương”.
- Ồ, hay quá! Chẳng nhất thiết cứ phải tiến sĩ mới làm trưởng khoa được, nhất là những trường đặc thù. Tui nghĩ quan trọng là sát thực tế cuộc sống.
- Ủng hộ quan điểm đó. Mà này, nói chuyện trên tui lại nghĩ ngay đến hôm qua, bầu Đức lại phát biểu cần cải tổ mạnh mẽ ở ban trọng tài, may ra đội ngũ cầm cân nảy mực mới sạch hơn phần nào.
- Ông nói chuyện tiến sĩ làm trưởng khoa với thay đổi ở ban trọng tài thì liên quan gì?
- Theo tui, làm trưởng ban trọng tài chẳng cần phải là người giàu kinh nghiệm thổi còi nhất và có thâm niên lâu nhất trong nghề. Quan trọng là thực tiễn, vì một điều dễ thấy là trọng tài nội không dở, ngược lại còn khá giỏi và cầu thị. Chủ yếu là bằng cách nào đưa một người bản lĩnh, ít điều tiếng nhất lên làm trưởng ban mới hay, vì đường nào cũng đã có “bộ hạ” tham mưu cho rồi.