Trong 5 lần vô địch World Cup trước đây, Brazil luôn sở hữu một đội hình toàn diện. Lần gần nhất, năm 2002, gần như hoàn hảo từ công đến thủ, chưa kể đến bộ ba huyền thoại Ronaldo-Ronaldinho-Rivaldo. Năm 1994 cũng thế, dưới có thủ thành Taffael, trên có Romario và Bebeto, giữa có Dunga. Trong bóng đá hiện đại, sự cân bằng đội hình là yếu tố mang tính sống còn. Người ta không thể pressing tầm cao nếu bên dưới không biết phòng ngự chủ động, thiếu một thủ môn xuất sắc. Vậy liệu Brazil đã có được sự toàn diện hay chưa.
Trong loạt trận giao hữu trước khi đến Qatar, phần lớn những chiến thắng của Brazil đều được thực hiện ngay trong hiệp một. Rất dễ dàng. Nhưng khi vào giải, cả 3 trận vòng bảng họ không thể ghi bàn trong hiệp đầu tiên, rồi đến vòng 1/8 lại giải quyết Hàn Quốc trong 45 phút đầu tiên. Điều này nói lên gì? Chẳng có gì cả. Hồi trận giao hữu tại Seoul trước đó, họ thắng Hàn Quốc 5-1, cũng ngay từ hiệp đầu. Kết luận duy nhất đó là Hàn Quốc không học được bài học từ thất bại.
Và vì vậy, việc Brazil thị uy sức mạnh trước Hàn Quốc có lẽ chỉ là câu chuyện về những con số, chưa nói được nhiều điều về sức mạnh Brazil. Chính trận đấu với Croatia ở tứ kết tới đây mới là câu trả lời, vì Croatia là đội đang bất bại, mới chỉ thủng lưới 2 bàn sau 4 trận và sự lì lợm thì miễn chê. Cấu trúc đội hình của Croatia có sự bền chặt của một khối thép, xuyên phá được nó, chẳng hề đơn giản.
Sau trận thắng Hàn Quốc, Sofascore đã chấm Raphinha 7.8 điểm - cao nhất trận, dù anh không có bất cứ bàn thắng nào. Tuy vậy, ảnh hưởng của anh trong mọi đường tấn công của Brazil là không phải bàn cãi. Tiền đạo của Barca thực hiện đến 4 key pass và tạo ra 2 cơ hội ăn bàn cho các đồng đội. Số 11 cũng tích cực tham gia phòng ngự nhằm đoạt lại quyền kiểm soát bóng với 3 pha đánh chặn cùng 3 pha tắc bóng. Cầu thủ được đánh giá cao thứ hai, là Casemiro - ông chủ nơi tuyến giữa. Nguồn thể lực dồi dào đã giúp tiền vệ mỏ neo của Brazil có mặt ở các điểm nóng để thực hiện các pha tranh chấp. Lớp pressing cường độ cao mà Hàn Quốc triển khai vấp phải thử thách với khả năng điều tiết và xử lý bóng ở đẳng cấp cao của cựu cầu thủ Real Madrid. Chính Casemiro là người định đoạt trận đấu trước Thụy Sỹ với cú vô lê khiến thủ thành Yann Sommer bó tay. Bàn thắng đó diễn ra trong 10 phút cuối, giúp Brazil sớm giành vé đi tiếp. Nhưng nếu Casemiro không thực hiện điều đó, liệu Brazil có thể nhảy múa ở trận đấu với Hàn Quốc hay không?
Chuyện Brazil giỏi về tấn công, có nhiều người như Neymar, Vinicius hay Richarlison … thì không có gì đáng nói, câu hỏi muôn thuở đối với Selecao là chất thép ở phía sau. Bởi đối thủ lớn nhất mà Brazil phải vượt qua để vô địch thông thường là một đội đến từ châu Âu, nơi chơi thứ bóng đá khoa học, toan tính và luôn tập trung cho hệ thống giữa sân. Hãy nhớ rằng, tại World Cup 2002, Gilverto Silva là ông chủ giữa sân, phía sau anh là cặp trung vệ lực lưỡng Lucio-Roque. Trong con mắt giới chuyên môn, chính Gilberto mới là cầu thủ quan trọng nhất của Brazil trong chiến dịch năm đó, ngang với huyền thoại Dunga của năm 1994. Còn bây giờ? Tầm vóc của Casemiro liệu đã đủ để so sánh hay chưa? Câu trả lời là chưa.
Nên đừng vội tán dương Selecao khi đây chỉ mới là điểm khởi đầu. Tầm cỡ một đội như Brazil, vòng tứ kết mới là lúc phải chơi cho đúng chất. Hãy nhớ rằng, từ năm 2002 đến nay, Brazil đều thất bại ở vòng đấu knock-out khi gặp đại diện đến từ châu Âu. Lần lượt là Pháp (2006), Hà Lan (2010), Đức (2014), Bỉ (2018). Ngoại trừ năm 2014, ba kỳ World Cup kia Brazil đều dừng chân ở tứ kết. Thật ra, hồi năm 2014, họ vào đến bán kết là nhờ chỉ đá với 2 đội Nam Mỹ (Chilê, Colombia) ở vòng 1/8 và tứ kết. Gặp châu Âu sớm, có khi bị loại chứ chẳng đợi đến khi bị Đức hạ nhục 1-7….