Hai đội bóng đang sở hữu trong tay 9/12 danh hiệu vô địch AFF Cup là Thái Lan và Singapore đứng đầu bảng A (AFF Cup 2020), trong khi đó, nhiều khả năng 2 đội vào bán kết tại bảng B sau lượt trận đấu hôm nay là Việt Nam và Malaysia, những nhà vô địch còn lại của giải đấu.
Các con số này cho thấy sau 25 năm tồn tại, dường như mục tiêu của AFF Cup vẫn chưa thể đạt được. Bóng đá Đông Nam Á vẫn có tính phân cực quá lớn. Một nhóm 4-5 đội mạnh, tạo khoảng cách xa so với nhóm còn lại. Những tỷ số khó tin như 7-0, 5-1, 4-0 vẫn xảy ra như ngày đầu. Hầu như không có sự tiến bộ nào ở nhóm bên dưới của làng cầu Đông Nam Á.
Chiếm đến 10% dân số thế giới, nhưng bóng đá Đông Nam Á chưa một lần dự World Cup, ngoài tấm vé vớt của Hà Lan Đông Ấn (sau này là Indonesia) hồi năm 1938. Thời huy hoàng nhất, có lẽ là vào năm 1968, khi bóng đá Miến Điện giành ngôi á quân tại Asian Cup và 4 năm sau, Thái Lan về thứ 3 cũng tại giải vô địch châu Á này.
Nhưng từ khi giải đấu này tăng lên trên 10 đội, thì chẳng còn bóng dáng làng cầu Đông Nam Á nữa. Trong khi tại vòng loại World Cup khu vực châu Á, thì cũng chỉ có 3 lần, Thái Lan (2) và Việt Nam (1) là những đại diện khu vực vào đến vòng loại cuối cùng tranh vé.
Dưới không tiến bộ, trên cũng chưa thể vươn đến đẳng cấp tốp 10 châu lục, rõ ràng bóng đá Đông Nam Á đang dần mất phương hướng. Vấn đề gây ngạc nhiên lớn nhất cho giới quan sát đó là làng cầu này có rất nhiều điều kiện để thay đổi. Đầu tiên là dân số, kế đến là niềm đam mê và vị trí quan trọng của bóng đá trong đời sống.
Đông Nam Á cũng không thiếu sức mạnh kinh tế để giúp bóng đá phát triển. Cuối cùng, điều đáng tiếc nhất là tại World Cup 2026, khi FIFA mở rộng số lượng đội từ 32 lên 48, châu Á sẽ có tối thiểu 8 suất. Nhưng cứ nhìn vào mặt bằng hiện tại ở AFF Cup 2020, thì còn lâu Đông Nam Á mới hiện thực được giấc mơ World Cup như ở các môn futsal hay bóng đá nữ.
Vấn đề có lẽ nằm ở tính cạnh tranh. AFF Cup là sân chơi duy nhất, 2 năm mới diễn ra một lần, nhưng có vẻ như phải đến vòng bán kết thì mới xuất hiện các trận đấu ngang tài ngang sức. Lấy ví dụ như tại bảng B, 2 trận đấu tưởng là hấp dẫn giữa Việt Nam và Malaysia, Indonesia thì lại diễn ra theo thế trận một chiều. Chất lượng chuyên môn không cao dù có thể sự kịch tính vẫn còn đó. Điều này không giúp cho trình độ của bóng đá Đông Nam Á tăng lên. Đấy là ở cấp độ đội tuyển, xuống đến CLB, lại càng bộc lộ ra nhiều vấn đề khi quá thiếu sân chơi. Ý tưởng về một Champions League Đông Nam Á vẫn tiến hành khá trầy trật, hệ thống chuyển nhượng trong khu vực cũng chẳng thông suốt.
Dù World Cup mở rộng số đội, nhưng vòng loại tại châu Á thì không đổi thể thức. Các tấm vé đều được quyết định ở vòng loại cuối cùng, trong khi đó các đội đến từ Đông Nam Á lại chưa đủ sức vào đến vòng loại này. Việt Nam sau những trận đấu ở vòng loại cuối cùng, ngay khi về lại AFF Cup, đã thể hiện được sự vượt trội. Vấn đề là có tung hoành ở “ao làng” thì vẫn chưa chắc đã tiến nhanh khi ra “biển lớn”.