Bệnh ảo tưởng!

1.
Bệnh ảo tưởng!

1. Điệp khúc “thể thao Việt Nam đủ sức giành vài chục suất dự Olympic” xuất hiện từ cách đây lâu rồi, ước cũng chừng gần mười năm. Người nói thì hả hê vì sướng. Còn người nghe, mà đặc biệt là đối với dân trong nghề thể thao, điều đó rất phi thực tế.

30 suất đến London 2012, lãnh đạo Ủy ban Olympic quốc gia vừa tuyên bố như vậy. Ừ thì nói chẳng có tội vạ gì, mà cũng chẳng ai đánh thuế cả. Nhưng nói mà không trông lại bối cảnh hiện nay của thể thao Việt Nam, thì liệu có “ngoa ngôn” quá chăng?

Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Ảnh: A.P

Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Ảnh: A.P

Phải thành thực thừa nhận với nhau thế này, thể thao Việt Nam hãy còn khó khăn lắm, mới chỉ vừa chập chững bước ra đấu trường thế giới ít năm trở lại đây thôi, nên nói cứ “chắc như bắp” thế mà không làm được, có khi lại bị người khác chê thì đau lòng lắm.

Olympic London 2012 còn hơn 1 năm nữa sẽ khởi tranh, thể thao Việt Nam vẫn đang hối hả chuẩn bị lực lượng và tìm kiếm cơ hội nhận “giấy thông hành” ở các giải đấu được xem là chính thức. Đến lúc này, chắc chắn nhất là suất của Nguyễn Tiến Minh ở môn cầu lông, suất bơi lội của kình ngư trẻ Hoàng Quý Phước. Như vậy mới chỉ có 2. Gần 1 năm nữa để chạy đua giành thêm khoảng 28 suất nữa liệu có kịp?

Từ đầu năm đến giờ, rất nhiều VĐV được coi là đặc biệt đã xuất ngoại để tìm kiếm cơ hội đến với ngày hội lớn, nhưng ngoài 2 suất kể trên, thể thao Việt Nam vẫn chưa đón nhận tín hiệu gì mới. Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện (điền kinh), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Hữu Việt (bơi lội), Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh (bóng bàn), các xạ thủ môn bắn súng, rowing, canoeing… vẫn đang “cày ải” hết mình để hướng đến mục tiêu cụ thể hóa giấc mơ Olympic.

Nhưng càng ngẫm càng thấy tội nghiệp cho chính lực lượng VĐV của chúng ta. Nai lưng trên sân tập, ăn thì lúc no, lúc đói, mục tiêu thì lúc xa khi gần, nhưng luôn phải gánh vác cái trách nhiệm hão huyền mà nhiều nhà quản lý thể thao nghĩ ra. Tất cả các VĐV Việt Nam đều giàu tham vọng, đều mong được nhiều lần góp mặt ở các cuộc tranh tài lớn để được nở nụ cười trên bục chiến thắng.

Thế nhưng, những người trong cuộc ấy - tức các VĐV - thừa hiểu sức, tài của mình đến đâu khi tranh tài với bạn bè thế giới, đặc biệt là đối với những VĐV ở các môn thuộc hệ thống Olympic.

Có lẽ, hiếm VĐV dám khẳng định chắc chắn rằng mình thừa khả năng đến đấu trường Olympic qua cửa chính. Càng không có chuyện VĐV đồng thuận với kiểu tuyên bố đậm chất “hô khẩu hiệu” của ai đó về cơ may của chính họ trước “bức tường” Olympic luôn cao vời vợi và khó với đến.

Lý do thứ nhất, số đông họ chưa hề được tập huấn đến nơi đến chốn cho những đấu trường cao cấp như thế. Thứ nhì, họ quá quen với kiểu cách “nói nhiều, làm ít” ở làng thể thao lâu nay rồi. Thành ra, tất cả những tuyên bố chắc nịch như trên đối với họ là rất viển vông.

2. Giả sử thể thao Việt Nam kéo đến London 2012 với lực lượng hùng hậu (đối với chính khả năng của chúng ta thôi) như những gì mà ai đó đã khẳng định, thì sao? Quá tuyệt vời! Thậm chí đấy có thể ví như cú đột phá lịch sử và khiến không chỉ bạn bè trong khu vực Đông Nam Á, mà cả châu Á lẫn thế giới đều phải ngưỡng mộ.

Vậy nhưng, trước khi chứng minh giả thiết ấy là có cơ sở, thể thao Việt Nam cũng nên tự đánh giá năng lực của mình, rằng vị trí ở đâu, rằng sự chuẩn bị cho những cuộc tranh tài lớn của chúng ta đã kỹ lưỡng và đàng hoàng hay chưa.

Rất nhiều người trong làng thể thao đến giờ vẫn cứ ảo tưởng với sự cường thịnh chưa hề có thực. Chính vì luôn ảo tưởng, nên cách nói cũng tương tự như vậy, rất giống hình tượng “đứng núi này trông núi nọ” và rất khó thuyết phục được người khác.

Thể thao Việt Nam đã bỏ phí “tài nguyên” thời gian và tiền của từ lâu rồi, để thay vì đầu tư trực diện cho những môn thể thao quan trọng như điền kinh, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bơi lội, cử tạ, xe đạp, bắn súng… lại dàn trải công sức cho những môn thể thao vốn không có tên trên bản đồ thể thao thế giới.

Nói như thế nào nhỉ? Rằng chúng ta cũng nên hô hào theo khẩu hiệu mà ai đó nghĩ ra, để coi như cách tự “lên dây cót tinh thần” trước những thử thách chắc chắn không thể vượt qua?  Nếu thế thì đúng là khiên cưỡng thật!

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục