Fox dẫn đầu trong phần lớn cuộc thi chung kết nội dung vượt chướng ngại vật nữ diễn ra vào hôm 28-7. Nhưng việc chạm vào hàng rào khiến cô bị cộng thêm 2 giây, và cán đích ở vị trí thứ 3 với tổng thời gian 106,73 giây. Nhưng thay vì thể hiện sự tiếc nuối, nữ VĐV sinh năm 1994 cảm thấy hạnh phúc khi khoác lên cổ dù chỉ tấm HCĐ, ngang bằng thành tích tại Olympic Rio de Janeiro 2016.
Tay chèo người Australia chia sẻ trên mạng xã hội: “Tôi đã trải qua tất cả các cảm xúc, và tự hào khi giành được tấm HCĐ tại Olympic Tokyo 2020. Đó không phải là đường đua hoàn hảo mà tôi theo đuổi, nhưng tôi đã thực sự chiến đấu hết mình và cống hiến bằng tất cả mọi sức lực. Tôi nghĩ bản thân thật may mắn, và biết ơn khi được đứng trên bục vinh quang để nâng niu tấm huy chương này”.
Mọi người sẽ ngạc nhiên nếu biết được chiến thắng của Jessica có công đóng góp rất lớn của chiếc bao cao su. Cụ thể, chiếc thuyền kayak của cô bị hỏng ở phần mũi trước cuộc thi chung kết. Vì không có dụng cụ để thay, đồng thời cuộc thi sắp bắt đầu nên nữ VĐV đành lấy ra trong bọc một chiếc bao cao su để bít lại phần hỏng. Carbon - vốn là nguyên liệu tạo nên bao cao su đã che đi điểm khuyết trên thuyền, và giúp Fox hoàn thành phần thi với tấm HCĐ thay vì bỏ cuộc giữa chừng.
Bao cao su của Fox sử dụng vốn được ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 phát cho mỗi VĐV để khuyến khích tình dục an toàn. Truyền thống phát bao cao su miễn phí bắt đầu từ Olympic Seoul 1988, thời điểm về nỗi lo của 2 căn bệnh thế kỷ HIV và AIDS lên đỉnh điểm.
Skynews dẫn lời ban tổ chức Olympic Tokyo 2020: "Mục đích của chúng tôi không phải là để các VĐV sử dụng bao cao su tại làng Olympic mà giúp nâng cao nhận thức bằng cách giúp họ nhận thức hơn trong việc tình dục an toàn”.