Khi mà Renaud Lavillenie (Pháp, HCV Olympic London 2012, HCB Olympic Rio de Janaeiro 2016, 3 lần vô địch Giải điền kinh trong nhà thế giới, cựu kỷ lục gia thế giới nhảy sào trong nhà) phải thi đấu trong tình trạng chấn thương mắt cá, và cuối cùng chỉ có thể vượt qua mức xà 5m70, khi Sam Kendricks (Mỹ, HCV nhảy sào ở Giải điền kinh vô địch thế giới ngoài trời tại Doha 2019) rút lui bất ngờ vì mắc Covid-19, và khi mà Thiago Braz (Brazil, Đương kim vô địch Olympic) chỉ còn là chiến bóng mờ, cuối cùng chỉ vượt qua mức xà 5m87, “bầu trời” ngay phía trên SVĐ Quốc gia Tokyo trở thành nơi tung hoành của riêng mình Mondo…
Duplantis dù chưa từng giành ngôi vô địch ở bất kỳ giải đấu đẳng cấp quốc tế nào (thành tích cao nhất của anh đến trước Olympic Tokyo 2020 là tấm HCV ở Giải điền kinh vô địch châu Âu tại Berlin hồi năm 2018), nhưng với bản lĩnh Đương kim kỷ lục gia thế giới, đã dễ dàng bay qua các mức xà đăng ký, mỗi mức xà đúng 1 lần bay lượn. Theo thứ tự nhanh dần đều và cao dần đều, đó là: 5m55, 5m80, 5m92, 5m97. Trong mỗi lần nhảy, Duplantis đều tạo ra cảm giác cực kỳ an toàn, khiến những người hâm mộ anh hoàn toàn yên tâm, và cứ mỗi lần “bay lên”, anh vượt qua thanh xà với một khoảng cách đâu đó cả 10cm.
Ở mức xà 5m97, khi tất cả những VĐV ganh đua còn lại đều đã bất lực dừng bước, tấm HCV nội dung nhảy sào nam ở Olympic Tokyo chỉ còn là cuộc đấu tranh giữa Mondo và Christopher Nilsen (Mỹ, người trước đó chưa từng vượt qua mức xà 5m97 này). Sự khác biệt, hay phân cao thấp, đã được hàng triệu, triệu khán giả nhìn thấy rất rõ qua truyền hình. Trong một nỗ lực rất dũng cảm, nhưng hoàn toàn vô vọng, Nielsen nâng mức xà lên 6m02, cả 3 lần thử, anh đều không thể vượt qua nổi “cột mốc này”. Ngược lại, Duplantis chỉ cần một lần nhảy duy nhất, nhẹ nhàng, thanh thoát, và đẳng cấp, như chim phượng hoàng tung bay.
Với mức xà 6m02, Duplantis đã trở thành Nhà vô địch Olympic mới nội dung nhảy sào nam của môn điền kinh. Nhưng anh này không định dừng lại ở mức xà “vô hồn” đó. Mondo, sau khi đã tham vấn HLV của mình ngồi trên khán đài, quyết định nâng thẳng mức xà lên cột mốc mới là: 6m19, với tham vọng phá cả KLTG của chính bản thân (thành tích 6m18 mà anh thiết lập tại giải đấu ở Glasgow - Scotland, hồi năm ngoái). Cả 3 nỗ lực của Duplantis, rất tiếc đều không thành công, trong đó có một lần, anh đã vượt qua, nhưng kém may mắn khi để ngực va vào thanh xà và… thất bại. Sao cũng được, Duplantis đã giành lấy HCV!
Năm nay mới 21 tuổi (Duplantis sinh ngày 10-11-1999), bầu trời phía trước mặt, ngay trên đầu của Mondo là rất trong xanh. “Sinh ra là để bay lượn”, đó là tên một bộ phim tài liệu đang quay nói về anh, một “siêu nhân đúng nghĩa” trong thể thao của thế giới. Ngoài các môn thể thao ở trên không như nhảy dù, dù lượn, hang lượn, nhảy Bungee, đa phần là các môn thể thao không thuộc Olympic và xuất phát điểm thi đấu từ một cao độ ở trên không, có ai trình diễn hay bay lượn trên tầm cao như vậy, từ một điểm xuất phát trên mặt đất, như là Duplantis? Anh sẽ còn bay cao hơn, chạy xa hơn, với những nỗ lực tuyệt vời này.
“Đa phần tôi không nhớ mấy các lần nhảy sào của mình. Tôi chỉ nhớ khi tôi giống như là: “Đó là Kỷ lục thế giới, nó diễn ra ngay ở đây!”. Sẽ còn tuyệt vời hơn nếu lập được KLTG. Nhưng HCV thì cũng tốt thôi. Theo một cách nào đó, tôi thật sự thưởng thức trải nghiệm này. Nhưng chết tiệt thật, tôi lại vui vì nó đã kết thúc. Những cảm giác áp lực khi đến với một giải đấu nơi mọi người đều xem bạn là ứng viên hàng đầu, giờ đây chỉ còn là: “A, tôi đã có thể thư giãn rồi!”. Tôi không chỉ thư giãn, tôi sẽ vui vầy với những khoảnh khắc này, đơn giản chỉ vì tôi đã thành công. Tôi đã làm được. Giờ đây, tôi chính là nhà vô địch của Olympic”.