8 năm vì một lòng tin

Sự trở lại đội tuyển quốc gia của ngôi sao một thời Phạm Văn Quyến được đón nhận một cách dè dặt. 5 năm đã trôi qua, kể từ sau khi nhúng chàm tại SEA Games 1995, lòng tin vào Quyến “béo” chưa thể trở lại trọn vẹn. Có rất nhiều lý do để nghi ngại…
8 năm vì một lòng tin

Sự trở lại đội tuyển quốc gia của ngôi sao một thời Phạm Văn Quyến được đón nhận một cách dè dặt. 5 năm đã trôi qua, kể từ sau khi nhúng chàm tại SEA Games 1995, lòng tin vào Quyến “béo” chưa thể trở lại trọn vẹn. Có rất nhiều lý do để nghi ngại…

Thật ra, chuyện Quyến trở lại không quan trọng, điều làm nhiều người băn khoăn chính là ông Calisto. Dẫu biết vị chuyên gia này chỉ đánh giá cầu thủ bằng chuyên môn, vẫn thường trao cơ hội cho rất nhiều cầu thủ khác từng lỡ lầm như Việt Thắng, Như Thành, Sỹ Mạnh… nhưng ở trường hợp của Quyến, có ít nhất một sự khác biệt, hiện tại thật khó để nói rằng Quyến đang có phong độ tốt. Mùa bóng V-League vừa qua, Quyến chơi ít, bình thường và dường như vẫn… khó bảo lắm.

Điều đó làm tôi nhớ cách đây 8 năm, trên sân tập ở Jakarta trong khuôn khổ Tiger Cup, ông Calisto (lúc đó lần đầu tiên cầm quân đội tuyển) đã nói với tôi về Quyến như thế này: “Ở Việt Nam, chưa chắc 10 năm nữa sản sinh ra một cầu thủ có khả năng xoay chuyển thế trận chỉ bằng một nỗ lực cá nhân như Văn Quyến. Tôi tin cậu ấy là không thể thay thế trong tương lai…”.

Tại Tiger Cup 2002, Quyến là tuyển thủ quốc gia trẻ nhất và được ông Calisto triệu tập cũng chỉ là “để dành” cho mai sau vì cả giải anh chỉ được đá có một trận trong vai trò dự bị. Nhưng sau đó, đến năm 2003, Quyến tỏa sáng đúng như những gì Calisto nhìn thấy. Cho đến vụ tiêu cực 2005. Ngôi sao chưa kịp rực rỡ ấy đã tắt lịm.

Thầy trò Calisto - Văn Quyến tại Tiger Cup 2002.

Thầy trò Calisto - Văn Quyến tại Tiger Cup 2002.

Một người như Calisto chắc chắn biết triệu tập Quyến lúc này là một cuộc phiêu lưu, rủi ro hơn bất cứ lựa chọn nào khác mà ông đã từng. Calisto dư sức biết phong độ của Quyến chưa đủ chất lượng cho đội tuyển.

Vì thế, tôi tin rằng, ông chọn Quyến bằng cái nhìn của cách đây 8 năm. Đấy là một thứ niềm tin mãnh liệt không dễ tìm thấy đại trà. 8 năm đã qua, có hơn 4 năm Quyến chẳng thi đấu, vậy mà Calisto vẫn chấp nhận anh một cách tử tế như lúc ban đầu.

Dưới bàn tay của Calisto, những Việt Thắng, Như Thành đã tỏa sáng trở lại, thậm chí còn tuyệt vời hơn thời điểm trước khi họ “nhúng chàm”.

Chưa biết Văn Quyến có thể tìm lại được sự xuất sắc mà 10 năm qua bóng đá Việt Nam vẫn chưa có ai thay thế hay không. Nhưng điều đó có gì quan trọng đâu. Lòng tin của ông Calisto cho Quyến một cơ hội. Bất kỳ ai, dù lỡ lầm đến mức nào, cũng cần phải có một cơ hội để họ làm lại.

Ngẫm cho cùng, ngờ vực thì bao giờ cũng dễ, giữ được niềm tin mới khó.

***

Từ lòng tin 8 năm của Calisto, chợt nghĩ đến một vấn đề: tại sao một người ngoại quốc như ông ấy lại tin Quyến, dù chỉ quan sát trên góc độ chuyên môn?

Hỏi như vậy để thấy rằng, một trong những yếu tố khiến Văn Quyến sa ngã, khiến bóng đá Việt Nam mất đi một tài năng lớn đó là vì những người quanh Quyến thiếu niềm tin vào anh. Ông Calisto coi Quyến là “không thể thay thế” nhưng ông không dùng Quyến tại Tiger Cup 2002 vì ông sẵn sàng kiên nhẫn chờ Quyến “lớn”. Sau đó, thay vì kiên nhẫn với Quyến, người ta để cho tài năng trẻ này thoải mái phát triển, tung hô Quyến lên tận mây xanh sau thành công ở SEA Games 2003. Không ai giúp Quyến hiểu được tương lai và nhanh chóng tiền đạo xứ Nghệ chìm sâu trong sự hào nhoáng và tự chôn vùi sự nghiệp của mình.

Thành ra, với tôi, nếu người ta tin Quyến thì nên để cho anh có thời gian tỏa sáng một cách vừa phải thay vì “bắt” Quyến thăng hoa ở tuổi đôi mươi. Để rồi, đến bây giờ phải cậy nhờ lòng tin của Calisto mới hy vọng tìm lại một số 10 tài hoa cho bóng đá Việt Nam

TÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục