Từ trận thua bất ngờ của Olympic Việt Nam trước Turkmenistan - Trách nhiệm của ai?

Ông Calisto không muốn sang Quảng Châu?
Từ trận thua bất ngờ của Olympic Việt Nam trước Turkmenistan - Trách nhiệm của ai?

Người bị sốc nặng nhất sau trận thua choáng váng trên chính là ông Calisto. Ông nói thẳng ở buổi họp báo rằng đó là thất bại tệ hại nhất ở một đội bóng mà ông dẫn dắt. Rõ ràng, đấy không phải là một trận thua bình thường.

Cú “té ngã” nặng nề của Việt Nam đã dấy lên nhiều nghi ngờ về nội tình đội bóng. Ảnh: Hoàng Châu

Cú “té ngã” nặng nề của Việt Nam đã dấy lên nhiều nghi ngờ về nội tình đội bóng. Ảnh: Hoàng Châu

Ông Calisto không muốn sang Quảng Châu?

Có nhiều lý do để tin rằng việc ông thầy người Bồ Đào Nha đột nhiên xuất hiện tại Quảng Châu là việc chẳng đặng đừng. Thứ nhất: Lúc ông đưa ra quyết định không đi Quảng Châu để giải quyết những vấn đề nổi cộm ở tuyển Việt Nam sau VFF Cup, rõ ràng ông đã nhận được sự ủng hộ và chia sẻ nhiệt tình từ nhiều phía. Hơn nữa, không có ông, đội Olympic Việt Nam vẫn khởi đầu suôn sẻ, cho thấy công việc của ông tại Việt Nam xứng đáng được ưu tiên hơn. Thứ hai, ông Calisto rất tin tưởng HLV Phan Thanh Hùng khi giao phó toàn bộ quá trình tập luyện cho người trợ lý này. Ngay ở Cúp TPHCM vừa qua, dù có mặt nhưng ông không hề tham gia chỉ đạo ở các trận đấu. Bất kỳ ai quen biết Calisto đều khẳng định ông là người chẳng muốn tranh công với ai, thậm chí khi trợ lý mình thất bại, ông còn sẵn sàng nhận mọi trách nhiệm. Tính cách bộc trực, thẳng thắn ấy nhiều lần gây bất lợi cho chính ông.

Vì vậy, chúng tôi không ngạc nhiên khi Olympic Việt Nam giành thắng lợi trận đầu, ông Calisto vẫn kiên quyết tuyên bố không đi Quảng Châu. Vậy mà mọi thứ lại đổi chiều chỉ sau 1 đêm và sự có mặt của ông lại cùng lúc với thất bại khó tin trước Turkmenistan. Lẽ tự nhiên, dư luận ngay lập tức có cái nhìn ác cảm về Calisto.

Nhưng theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu thì có vẻ như ông Calisto buộc phải sang Quảng Châu. Nếu để ý sẽ thấy người tham dự buổi họp báo sau trận thắng Bahrain lại là trưởng đoàn Dương Vũ Lâm chứ không phải ông Phan Thanh Hùng, người mang chức danh trợ lý HLV. Danh sách đoàn bóng đá Olympic Việt Nam có tên ông Calisto làm HLV trưởng và đã có yêu cầu ông nhất thiết phải có mặt. Nguyên nhân xuất phát lời yêu cầu đó có thể từ bản hợp đồng giữa ông và VFF với trách nhiệm ở 2 đội tuyển quốc gia.

Kể từ khi tập trung đội Olympic Việt Nam hồi tháng 9 đến nay, ông Calisto chỉ “đứng lớp” không quá 2 tuần lễ, chủ yếu là ra giáo án huấn luyện cho ông Phan Thanh Hùng thực hiện. Xét đơn thuần về công việc, chẳng có lý do gì để phàn nàn bởi đội Olympic Việt Nam vận hành khá tốt. Thế nhưng, những người “thuê” ông lại cho rằng khó mà trả đủ lương nếu như suốt cả năm, chẳng thấy ông làm việc với đội Olympic Việt Nam. Bên cạnh đó, chính dư luận cũng đánh giá công việc của ông Hùng cao hơn trách nhiệm của thầy Tô. Đấy là lý do mà ông Calisto phải lập tức bay sang Quảng Châu khi mà cơ hội vào vòng 2 của Olympic Việt Nam đang rộng mở.

Trận thua khó lý giải

Một người khôn ngoan và giỏi về tâm lý như ông Calisto chắc chắn hiểu rằng việc ông chỉ đạo ở trận đấu với Turkmenistan chỉ có hại chứ không có lợi trên mọi mặt. Thậm chí, ông có thể sang Quảng Châu nhưng vẫn để ông Hùng chỉ đạo. Đằng này, thầy Tô bị xem là đã “giành việc” của người trợ lý của mình. Đấy mới là vấn đề.

Không khó để thấy rằng Olympic Việt Nam đã chơi thứ bóng đá “tự sát” trong trận đấu mà họ không nhất thiết phải thắng cho bằng được. Mặc cho ông Calisto chỉ đạo, các cầu thủ cứ ào ào tấn công đối phương như thể họ mạnh hơn Turkmenistan nhiều lần. Bên dưới, hàng phòng thủ đá như những cầu thủ nghiệp dư và để thua bàn dễ đến mức chẳng làm họ tự ái nghề nghiệp. Ông Calisto nhìn thấy tất cả nhưng ông cũng thảng thốt không hiểu vì sao.

Dân trong giới bóng đá đều có chung nhận định: dường như đây là trận đấu mà Olympic Việt Nam muốn thua. Chỉ có như vậy mới vứt bỏ mọi ưu thế về tâm lý mà họ có trước đối thủ để lao vào thế trận đôi công vốn nắm chắc phần thất bại. Một cựu cầu thủ khẳng định, hình như các cầu thủ cố tình đá như thế để ủng hộ thầy Hùng và phản đối sự xuất hiện của thầy Tô, một tâm lý rất thường xuất hiện trong bóng đá đối với những đội bóng đã tập luyện lâu với một người mà lại chịu sự chỉ đạo của người khác.

Chưa có bằng chứng nào để kết luận những ngờ vực trên. Tuy nhiên, có nhiều điều không bình thường hiển hiện khá rõ ràng: ông Calisto thay đổi quyết định đột ngột, ông Phan Thanh Hùng không dự họp báo sau trận đấu, cầu thủ không tuân thủ đấu pháp và chơi sa sút khó hiểu. Nếu tất cả những điều bất thường trên chỉ xuất phát từ những ràng buộc của bản hợp đồng với 2 đội tuyển của ông Calisto ký với VFF thì thật là đáng tiếc.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục