YOUNG MAKERS CHALLENGE 2017 - Nuôi dưỡng đam mê sáng tạo của giới trẻ

Từ việc hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp cận khoa học sáng chế một cách thiết thực và trực quan hơn, tổ chức phi lợi nhuận Young Makers Vietnam góp phần phát triển nguồn nhân lực khoa học- kỹ thuật của nước nhà. Năm 2017, Young Makers Vietnam phối hợp Intel Việt Nam cùng nhiều đơn vị khác tổ chức Young Makers Challenge 2017- Cuộc thi thử thách sáng tạo trẻ mùa 3, nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo, nghiên cứu khoa học- kỹ thuật của học sinh THCS và THPT, đẩy mạnh việc thực hành, ứng dụng trong giảng dạy; mang đến các em cơ hội học tập và phát triển kỹ năng cứng và mềm để có thể sáng tạo và thiết kế những dự án mẫu. Đây cũng là sân chơi cho các “nhà sáng tạo trẻ” thỏa sức thể hiện đam mê, khám phá tiềm năng bản thân…

Học sinh các trường THCS và THPT (kể cả trường quốc tế) trên địa bàn cả nước yêu thích khoa học kỹ thuật, có thể đăng ký thi theo đội (2- 3 thành viên/đội)- mỗi đội tham gia tối đa ý tưởng. Cuộc thi tập trung vào việc lập ý tưởng, thiết kế và xây dựng các sản phẩm dựa trên nền tảng Arduino. Sản phẩm được thực hiện trên bo mạch Galileo do Intel sản xuất (ban tổ chức cung cấp 1 bo Galileo/ đội).

Các đội có thể tập trung vào các lĩnh vực ban tổ chức khuyến nghị như Giao thông đô thị (an toàn giao thông, điều khiển tín hiệu giao thông, nạp năng lượng cho thiết bị giao thông,…); Môi trường (cảnh báo và thiết bị lọc không khí, nước ô nhiễm…); Nông nghiệp (kiểm soát độ ẩm, nước, không khí,…); Nhà thông minh; Chăm sóc sức khỏe… Tiêu chí chấm giải dựa trên: tính sáng tạo của dự án, tính hiệu quả và ứng dụng của sản phẩm, tính tối ưu của sản phẩm, tính khả thi của dự án, kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp của đội thi, độ hoàn thiện của sản phẩm.

Cuộc thi có 4 vòng. Theo đó, vòng đơn trực tuyến gồm 2 giai đoạn: Đăng ký thông tin các thành viên của đội và tên dự án (13-2 đến 27-2); Nộp bản thuyết trình về dự án theo yêu cầu của ban tổ chức (tên ý tưởng, lĩnh vực dự án, lý do dự án ra đời, hướng giải quyết vấn đề, mô tả sản phẩm, nền tảng kỹ thuật của dự án, tính khả thi và tối ưu của dự án (27-2 đến 6-3). Kết quả vòng đơn dự kiến được thông báo vào ngày 13-3, với 100 đội vào vòng tiếp theo. Ở Vòng thuyết trình ý tưởng (19-3), diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, các đội sẽ trình bày ý tưởng và trả lời chất vấn trước hội đồng giám khảo.

50 đội được chọn vào vòng sau sẽ được phát bo mạch Intel Galileo để thiết kế và xây dựng sản phẩm. Trong 3 tháng tiếp theo, các đội tham gia 4 buổi huấn luyện kỹ năng cứng, kỹ năng mềm (26-3, 2-4, 9-4, 16-4) và 2 buổi làm việc nhóm (23-4 và 14-5), với việc được ban cố vấn chương trình giải đáp thắc mắc cũng như hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm. Ban tổ chức cũng sẽ hỗ trợ các đội tiếp cận không gian làm việc đầy đủ dụng cụ cần thiết, giúp hoàn thành sản phẩm. Ở Vòng bán kết (21-5), các đội có sản phẩm hoàn thiện sẽ thuyết trình và trả lời câu hỏi chất vấn của hội đồng giám khảo về sản phẩm. Ở Vòng chung kết xếp hạng (4-6) tại TPHCM, 10 đội tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để thuyết trình và trả lời câu hỏi chất vấn từ hội đồng giám khảo để chọn các giải: Nhất, Nhì, Ba. Các đội được chọn ngoài TPHCM sẽ được đài thọ chi phí đi lại và ở.

Một điểm mới trong cuộc thi năm nay là Giải cá nhân xuất sắc nhất, được chọn sau quá trình thi đấu- diễn ra song song với Vòng chung kết xếp hạng. Ban tổ chức còn có thêm 1 giải cho Nữ sinh xuất sắc nhất nếu học sinh thắng giải Cá nhân xuất sắc nhất là nam. Cơ cấu giải thưởng: 1 giải Nhất dành cho nhóm (20 triệu đồng), 2 giải Nhì dành cho nhóm (10 triệu đồng/ giải), 3 giải Ba dành cho nhóm (5 triệu đồng/ giải), 1 giải Cá nhân xuất sắc nhất (chuyến đi Trải nghiệm thung lũng Silicon, bang California, Mỹ, trị giá 6.000 USD, trong 10 ngày do Học viện Trải nghiệm Sáng tạo Utopia tổ chức), 1 giải Nữ sinh xuất sắc nhất (10 triệu đồng).

Các đội có thể đăng ký dự thi trực tuyến tại Website www.youngmakers.vn. Đồng thời liên hệ trực tiếp qua Email info@youngmakers.vn hoặc Fanpage https://www.facebook.com/youngmakersvietnam để biết thêm chi tiết. 

LONG THƯỢNG

Tin cùng chuyên mục