Võ thuật vốn không phải là một cái “nghề” mà là cái “nghiệp”. Ở các nước phát triển, nhiều võ sĩ đạt được danh tiếng lẫn tiền bạc nhờ võ thuật. Còn ở Việt Nam thì sao?
Ở những nước phát triển, muốn trở thành võ sĩ bạn cần đầu tư một số vốn nhất định để đủ sức trang trải trong thời gian đầu tập luyện và cần một công việc bên ngoài sàn đấu. Điển hình như huyền thoại quyền Anh Manny Pacquiao cũng từng làm nhiều công việc khác để nuôi nghiệp võ.

Trung bình những võ sĩ chuyên nghiệp sẽ phải chi khoảng 10% cho HLV, từ 2-3% cho đội ngũ y tế, từ 10-50% cho nhà quản lý tùy theo hợp đồng theo tổng số tiền thu về sau trận đấu.
Ở các nước phát triển như Mỹ, những trường hợp này cũng không hiếm. Cựu vô địch quyền Anh thế giới - Carl Froch từng chia sẻ rằng: “Bạn cần tự lập một khoản tiền nho nhỏ ở ngoài sàn đấu, hiếm có võ sĩ nào tiếp tục thi đấu ngoài 30 tuổi và chỉ có 3% tay đấm đủ tiền chi trả cho sinh hoạt đời sống sau khi giải nghệ”.
Ở Việt Nam, võ sĩ không được định hướng rõ ràng về con đường họ sẽ đi, tất cả đều thi đấu bởi đam mê và nhiệt huyết với võ thuật. Khi lớn tuổi, họ phải chịu đựng những di chứng để lại từ những trận thi đấu và khó khăn trong việc tìm kiếm công việc khác. Ở nước ta hiếm có giải đấu chuyên nghiệp tổ chức thường xuyên mà thù lao cao như Giải Let’s Viet – Number 1. Ngoài sự đầu tư kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, chất lượng chuyên môn, Ban tổ chức còn chú trọng đến giải thưởng nhằm khích lệ và giúp đỡ một phần nào đó cho các võ sĩ, mỗi trận đấu VĐV thắng được thưởng 3.500.000đ, thua nhận 1.500.000đ. Nếu võ sĩ giành chiến thắng trong trận chung kết sẽ được thưởng 25.000.000đ, thua được 6.000.000đ. Một số giải toàn thành, toàn quốc hay Cúp các CLB cũng được tổ chức hàng năm nhưng thưởng lại không được bao nhiêu.
Dù giải thưởng trên không đáng là bao, nhưng đó lại là một nguồn động lực không nhỏ cho những người muốn theo nghiệp võ, giúp họ tiếp tục “sống vui” với cái nghề đầy mạo hiểm và gian truân này. Mong rằng trong tương lai sắp tới, võ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục thăng hoa với những giải đối kháng tầm cỡ như các nước trong khu vực và quốc tế.
D.P