“Ép” VFF vào thế buộc phải nhả miếng bánh V-League, các ông chủ đội bóng đã thỏa ước nguyện tạo ra sân chơi minh bạch, tự chủ, thay vì chìm trong chiếc vòng kim cô ì ạch của VFF. Chỉ có điều, cuộc đấu giữa các ông bầu và VFF chắc chắn không dừng lại ở việc vận hành giải đấu thông qua Công ty điều hành bóng đá chuyên nghiệp.
- Hết cầm đằng chuôi
Thoạt nhìn ban đầu, việc VFF buộc phải chiều theo xu thế, chấp nhận với phương án mà 28 CLB đã biểu quyết thông qua là đưa V-League thuộc quyền điều hành, tổ chức của VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) chỉ nằm ở góc độ tổ chức, thi đấu. Nhưng thực tế, chấp nhận nhả V-League cho VPF có nghĩa, VFF cũng không thể ôm lại nguồn sữa nuôi sống V-League. Trong đề án của mình, bầu Kiên nêu vấn đề số 1 xảy ra khi VPF ra đời là việc công ty này được thay thế VFF ký các hợp đồng tài trợ liên quan đến V-League.
Đương nhiên, ưu tiên của bầu Kiên đưa ra trong đề án là hoàn toàn hợp lý. VPF ra đời là công ty cổ phần, trong đó VFF đóng góp 35,5%, còn 14 CLB V-League giữ 64,5% vốn điều lệ. Tuy vậy, quan điểm của những ông bầu sáng lập VPF không phải là nhận “con cá”, ngược lại ưu tiên của họ là “chiếc cần câu”. VPF không thể tự mua việc, vừa nuôi sống mình, vừa tổ chức điều hành giải đấu mà bầu sữa lớn nhất là tài trợ lại chỉ nhận được thông qua VFF. Đấy là điều vô lý, và khi gật đầu với phương án triển khai cho ra đời VPF, VFF hiểu rằng họ phải chấp nhận nhả miếng bánh ngon nhất, béo nhất mà bấy lâu nay đã nuôi sống VFF.
Mô hình VPF quản lý, điều hành V-League thay VFF giúp các ông chủ tổ chức xã hội nghề nghiệp này trở nên nhàn nhã. Thậm chí, như gợi ý của Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, VPF sẵn sàng thuê Tổng Giám đốc từ nước ngoài với mức lương cỡ 15.000 USD/tháng. Có nghĩa độ tin cậy về sự trơn tru trong khâu điều hành, tổ chức giải hay thương hiệu V-League hứa hẹn có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Vả lại, việc VFF được trao cho 35,4% vốn đóng góp giúp VFF không bị lép vế, nhưng cũng không thể tự quyết bất kỳ điều gì. Đó là sự ràng buộc, liên kết chặt chẽ giữa VFF và các CLB trong VPF, xóa đi hoàn toàn quyền tự tung, tự tác lâu nay ở V-League của VFF.
- Chưa có hồi kết
Hơn 1 lần, bầu Kiên đã kịch liệt phản đối bản hợp đồng độc quyền thời hạn 20 năm giữa VFF và AVG về bản quyền phát sóng V-League. Cái lý của bầu Kiên đưa ra: VFF và CLB đều nhận được 50% tiền bản quyền truyền hình. Mặt khác, VFF đã ký hợp đồng 20 năm với AVG nhờ sự đồng ý của Ban chấp hành VFF, nhưng lại không được các đại diện đủ thầm quyền của CLB thông qua. Vì lẽ đó, VFF phải xem xét lại vấn đề bản quyền, đồng thời trả quyền ký hợp đồng bản quyền truyền hình về cho VPF, cũng như tỷ lệ chia tiền bản quyền giữa VFF và CLB.
Hiện tại, với việc bán bản quyền truyền hình cho AVG, VFF nhận được 6 tỷ ở mùa 2011 (mùa tới tăng lũy tiến 10%, nhận 6,6 tỷ đồng). Thu nhập này là tương đối hấp dẫn, nếu chỉ tính đến những hợp tác kiểu phụ thuộc hơn là bạn hàng của VFF với VTV hay VTC trong quá khứ. Thậm chí, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng tiết lộ, trong hợp đồng giữa VFF và AVG, một khi AVG thu được tiền quảng cáo từ các chương trình liên quan đến V-League, hạng Nhất, AVG tiếp tục phải cưa đôi thu nhập từ quảng cáo lại cho VFF.
Mấu chốt đặt ra là VFF đã chấp nhận một thời hạn hợp đồng quá dài (20 năm). Nguồn thu bây giờ là 6 tỷ/năm, và 10 năm nữa, với số lũy tiến hàng năm, bản quyền V-League có giá 12 tỷ đồng/năm. Nhưng có vẻ, VFF đã không lường đến việc, 10 năm sau V-League có thể mang hình ảnh, thương hiệu hoàn toàn khác, nhất là dưới sự quản lý của VPF. Lúc ấy, con số 12 tỷ đồng/năm có khi lại là một bản hợp đồng hớ, trong khi AVG sở hữu bản quyền truyền hình V-League đến 20 năm.
Thực tế, VPF chưa xuất đầu lộ diện, nhưng một khi công ty này xuất hiện, giữ quyền kêu gọi tài trợ, tổ chức giải và bảo vệ quyền lợi tối đa cho các CLB ở V-League, bản hợp đồng độc quyền 20 năm với AVG mà VFF đã ký chắc chắn là mục tiêu bắn phá kế tiếp. Đơn giản vì VFF đã đè lên đầu CLB, cho mình cái quyền sở hữu bản quyền V-League, trong khi 50% bản quyền vốn là sở hữu của CLB lại không có quyền được tham vấn và gật đầu đồng ý với hợp đồng ký kết của VFF. V-League đã được VFF nhả về cho các CLB thì chuyện bản quyền truyền hình trả về cho đúng chủ nhân sở hữu, đó cũng là lẽ bình thường.
VFF đã không còn cầm chuôi dao. Và món hời bản quyền truyền hình - nguồn thu lớn nhất của bóng đá chuyên nghiệp thế giới - chắc chắn là cuộc đấu cam go tiếp theo giữa các CLB V-League (đại diện là VPF) và VFF!
Yến Nhi