12 trận cầu đã qua, Thanh Hóa chỉ mới thủng lưới 7 bàn, tạm ít nhất giải đấu. Trong đó, có 5 trận giữ trắng lưới, một trong những kỷ lục tại giải. Đó là điều bất ngờ với giới mộ điệu. Bởi những cầu thủ chơi phòng ngự mà HLV Petrovic sở hữu thuộc diện bình bình, nổi lắm có Trịnh Văn Lợi từng được HLV Park Hang-seo triệu tập lên đội tuyển Việt Nam (tháng 8-2020). Còn thủ môn Trần Bửu Ngọc dạn dày kinh nghiệm, nhưng vẫn sắm vai “kép phụ” cho đồng lứa Nguyễn Thanh Diệp hay cặp trung vệ Lục Xuân Hưng và Đinh Tiến Thành vẫn đang tìm lại chính mình.
Đặt lên bàn cân, hàng thủ của Thanh Hóa khó sánh với những người chơi cùng vị trí ở Hà Nội FC như Duy Mạnh, Văn Hậu, Việt Anh, Thành Chung ... - vốn được xem đội tuyển Việt Nam “thu nhỏ”. Giá trị đội hình của Thanh Hóa còn thấp hơn so với SLNA và HAGL. Ấy vậy, tốp 3 đội đầu bảng hiện tại lại để thủng lưới nhiều hơn Thanh Hóa 1 bàn. Thậm chí, số bàn thua của đội bóng xứ Thanh còn ít hơn gấp đôi so với Topenland Bình Định - đội đua vô địch. Con số biết nói ấy minh chứng về sự chắc chắn và đậm tính kỷ luật do HLV Petrovic xây dựng cho CLB.
Dân trong nghề có câu cửa miệng rằng: “Muốn nghĩ đến chiến thắng, trước tiên không được phép để thủng lưới”. Tất nhiên, chơi phòng ngự lúc nào cũng dễ hơn tấn công. Nhưng 3 vòng đấu vừa qua, HLV Petrovic lại không có lực mạnh nhất, khi lần lượt các trụ cột Henriqur, Pinto, Minh Tùng, Đình Tùng... thay nhau vào viện kiểm tra chấn thương. Áp lực dành cho hàng thủ lớn hơn, nhưng họ đã vượt qua khó khăn để kiếm 7 điểm, dù đối đầu với nhà vô địch Viettel FC, ứng viên SLNA và đối thủ “đồng cân” Hà Tĩnh.
Một lợi thế khác của Thanh Hóa là các cầu thủ bản địa gần trọn đội hình, tức đã chơi với nhau nhiều năm để đủ hiểu ý. Rộng hơn, tốp 5 đội có hàng thủ tốt nhất (Thanh Hóa, Hà Nội FC, SLNA HAGL và Viettel FC) toàn xài “cây nhà lá vườn”. Nếu hệ thống phòng ngự giữ vững chỉ số ổn định như thời gian qua, cộng thêm các trụ cột trở lại sau chấn thương, thì việc Thanh Hóa xếp một vị trí cao trong tương lai sẽ không bất ngờ.