Tuyển Arnis Việt Nam giờ mới có gậy để tập

Đội tuyển Arnis (võ gậy) Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 32 đã được tài trợ 50 bộ gậy là trang bị chuyên môn dành cho tập luyện hướng tới thi đấu giải này…
Tuyển thủ võ gậy Việt Nam đã được tài trợ gậy để tập luyện. Ảnh: TCTDTT
Tuyển thủ võ gậy Việt Nam đã được tài trợ gậy để tập luyện. Ảnh: TCTDTT

Các thành viên của đội tuyển Arnis Việt Nam (tuyển võ gậy) đã được tập trung từ đầu năm nay và chuẩn bị chuyên môn để hướng tới đấu trường SEA Games 32. Với đặc thù chuyên biệt, môn võ cần có những trang bị về gậy và giáp phục nên các thành viên đội tuyển quốc gia luôn kỳ vọng được trang bị đầy đủ nhất trang thiết bị để tập luyện, qua đó chuẩn bị tốt nhất chuyên môn.

Ngày 24-2 tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, đội tuyển võ gậy Việt Nam đã được gói tài trợ nhận 50 bộ gậy để tập. Thật tréo ngoe, tới bây giờ, là đội tuyển quốc gia nhưng các thành viên mới được gậy để tập thật sự. “Chúng tôi phải dùng ống nhựa để thay thế các gậy đúng chuyên môn của võ Arnis trong tập luyện. Nói chính xác hơn, đội không có gậy để tập vì thế nhiều võ sĩ gặp chấn thương, vết thương không đáng có. Bây giờ, đội đã được tài trợ 50 bộ gậy (mỗi bộ gồm 2 gậy) để tập luyện đúng chuyên môn”, HLV trưởng Nguyễn Thái Linh của đội võ gậy Việt Nam chia sẻ.

Về bản chất, nhà quản lý là Tổng cục TDTT cùng đơn vị quản lý trực tiếp các đội tuyển thể thao thành tích cao là các Trung tâm HLTTQG không thể không biết sự bất cấp ở câu chuyện VĐV tập mà thiếu đồ tập như vậy. Tuy nhiên, để có được trang thiết bị tập luyện, tất cả phải mua sắm hoặc thuê mượn và theo quy định cụ thể ở Thông tư 05/2021/TT-BVHTTDL ban hành ngày 25-6-2021 về Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho VĐV, HLV đội tuyển quốc gia.

Tuyển thủ vui mừng khi đã được nhận gậy đúng với tiêu chuẩn chứ không phải dùng ống nhựa nữa. Ảnh: TCTDTT

Tuyển thủ vui mừng khi đã được nhận gậy đúng với tiêu chuẩn chứ không phải dùng ống nhựa nữa. Ảnh: TCTDTT

Tất cả trang thiết bị mà ngành thể thao muốn mua sắm chuẩn bị cho các đội tuyển quốc gia phục vụ thi đấu các giải trong năm đều phải theo Thông tư đã quy định này. Ngặt một nỗi trong 52 đề mục về các quy định được phép sắm sửa, trang bị cho 52 môn thể thao, môn võ gậy lại không có trong danh mục.

Chính thế, nhà quản lý không thể có phương cách để trang bị dụng cụ cho VĐV. Dĩ nhiên, nói điều này cũng không hoàn toàn đúng bởi thể thao Việt Nam đã biết tới với Arnis (võ gậy) là môn truyền thống của Philippines và bắt đầu được đưa vào thi đấu tại SEA Games 23-2005. Thuở sơ khai, chúng ta từng có đội tuyển võ gậy dự SEA Games 16 và từng có đội tuyển dự giải vô địch thế giới võ gậy năm 2005. Cách đây 4 năm, đội võ gậy Việt Nam đã dự SEA Games 30-2019 tại Philippines và giành 4 tấm HCV. Nghĩa là, môn võ có đã có đội tuyển quốc gia vì thế, Thông tư về quy định trang thiết bị cần được cập nhật có tên để những người làm môn này được trang bị trang thiết bị đúng tiêu chuẩn.

Như chia sẻ của HLV Nguyễn Thái Linh, võ gậy mà không có gậy thì sao gọi là võ gậy. Cũng theo Thông tư 05/2021/TT-BVHTTDL trong quy định về cung cấp vật dụng cho một số đội tuyển đã gặp những sự bất cập đáng kể bởi từng đội tuyển thể thao thành tích cao có đặc thù riêng và việc trang bị cần có sự phù hợp đúng với thực tế. Đơn cử, một tuyển thủ đội tuyển bóng bàn, mỗi năm được cấp bóng tập 2 lần và mỗi lần là 40 quả. Tính về chuyên môn, con số 40 là quá ít cho VĐV đỉnh cao tập luyện bởi để hoàn thiện nhất, con số ấy phải tính bằng trăm quả trở lên…

Năm nay, đội tuyển võ gậy Arnis có đặt mục tiêu huy chương tại SEA Games 32. Ảnh: TCTDTT

Năm nay, đội tuyển võ gậy Arnis có đặt mục tiêu huy chương tại SEA Games 32. Ảnh: TCTDTT

Trước mắt, khi đã được tài trợ 50 bộ gậy mới này, đội tuyển Arnis Việt Nam đã tự tin hơn để bước vào tập luyện với các trang thiết bị phù hợp tiêu chuẩn nhất. Trong sự chuẩn bị cho SEA Games 32 lần này, nhiều võ sĩ môn pencak silat được chuyển sang tập Arnis để tranh tài tranh huy chương.

Tin cùng chuyên mục