Tự hào thể thao TPHCM!

Đoàn thể thao Việt Nam nói chung, cũng như thể thao TPHCM nói riêng vẫn còn một ngày thi đấu chính thức (16-5) tại SEA Games 32, nhưng có thể khẳng định, thể thao Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công vượt xa kỳ vọng.
Các HLV, VĐV TPHCM đã có nhiều đóng góp vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các HLV, VĐV TPHCM đã có nhiều đóng góp vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trước khi bước vào SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam được dự đoán sẽ khó khăn trong việc bảo vệ ngôi vị nhất toàn đoàn trên bảng tổng sắp huy chương. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thành tích 124 HCV, 100 HCB, 98 HCĐ (tính đến ngày thi đấu áp chót 15-5), có thể khẳng định, thể thao Việt Nam đã có một kỳ SEA Games vượt xa kỳ vọng.

Đối với thể thao TPHCM, các HLV, VĐV đã đóng góp 28 HCV, 24 HCB, 14 HCĐ vào thành tích chung của đoàn Việt Nam, được xem là một chiến tích thật sự tuyệt vời khi vượt chỉ tiêu đề ra 18 HCV. Sở dĩ đặt mục tiêu như vậy vì kỳ đại hội lần này, số môn và số lượng thành viên giảm đáng kể. Nếu như ở SEA Games 31, đoàn Việt Nam tham dự với hơn 1.300 thành viên ở 40 môn, trong đó thể thao TPHCM đóng góp 339 thành viên ở 38 môn. Còn đại hội lần này, chỉ có 179 thành viên đến từ TPHCM dự tranh ở 27 môn, trong tổng số hơn 1.000 thành viên ở 36 môn của đoàn thể thao Việt Nam.

Có những giấc mơ dài nửa thế kỷ…

40 năm trước, ý tưởng lập đội bóng đá nữ được nhen nhóm tại thành phố mang tên Bác và đến năm 1990, đội bóng đá nữ quận 1 chính thức được thành lập. Tại SEA Games 1997, bóng đá nữ Việt Nam với nòng cốt là các tuyển thủ TPHCM đã giành HCĐ đầu tiên trong lịch sử. Đến nay, trong trận chung kết SEA Games 32, các cầu thủ thành phố gồm: Trần Thị Kim Thanh, Trần Thị Thu, Trần Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Thị Thùy Trang, chưa kể đội trưởng Huỳnh Như (hiện đang được Lank FC mượn) đều vào sân thi đấu, góp công lớn giành chiếc HCV thứ 8 oai hùng của bóng đá nữ tại các kỳ SEA Games.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành HCV SEA Games thứ 4 liên tiếp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành HCV SEA Games thứ 4 liên tiếp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thập niên 80, thành phố đã du nhập và phát triển môn Aerobics Gymnastic. Sau đó là khoảng thời gian dài tự phát triển và mở rộng phong trào đến cả nước bằng cách tổ chức quảng bá, huấn luyện, tổ chức giải vô địch cấp thành phố và quốc gia. Thậm chí, có lúc chỉ có 3 tỉnh/thành tham dự giải vô địch quốc gia bởi độ khó của môn thể thao này. Nhưng với sự kiên trì, đến nay gần 40 năm cũng hái quả ngọt. Từ chức vô địch thế giới trong 5 năm trở lại đây, cho đến chiến thắng trọn 5 bộ huy chương tại SEA Games 32, trong đó các VĐV TPHCM góp phần vào 3 HCV.

Aerobic TPHCM đóng góp nhiều gương mặt chủ lực cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Aerobic TPHCM đóng góp nhiều gương mặt chủ lực cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Những năm 90, khi billiards còn bị xem là môn ngoài lề xã hội, chủ yếu chơi để đánh độ, cờ bạc trá hình thì chú Tư Ngữ, người con ưu tú của thể thao TPHCM, đã đứng ra đề nghị tổ chức giải vô địch thành phố đầu tiên nhằm mục đích đưa môn thể thao này trở về với tính nghệ thuật như tinh thần vốn có của nó. Với vô vàn sự nghi ngờ và đa phần phản bác, chú Tư đã cầm theo tấm hình kinh điển Bác Hồ đang tập luyện billiards cùng với những lý lẽ sắc bén để thuyết phục các cấp thời đó trong một cuộc họp quyết định có nên tổ chức không. Và kết quả billiards không những trở thành môn thể thao chính thống, mà còn là môn thể thao chủ lực của TPHCM lẫn Việt Nam ở cấp độ thế giới trong những năm qua. Tại SEA Games 32, 2 đại diện của TPHCM là Nguyễn Trần Thanh Tự và Lê Thị Ngọc Huệ đã giành chức vô địch carom 3 băng nam và 1 băng nữ.

Phần trình diễn ấn tượng của các tuyển thủ Vovinam TPHCM tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phần trình diễn ấn tượng của các tuyển thủ Vovinam TPHCM tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Năm 1938, môn Vovinam được sáng lập tại TPHCM và đến năm 2007, Liên đoàn Vovinam Việt Nam chính thức được thành lập với nhiệm vụ phát triển môn võ dân tộc ra khắp thế giới. Đến nay, Vovinam đã lần thứ 4 đưa vào thi đấu tại SEA Games. Các võ sĩ TPHCM đã đóng góp 4/7 HCV cho đoàn Việt Nam tại SEA Games 32. Một hình ảnh đáng tự hào khi tại SEA Games 32, cùng lúc 3 vị Bộ trưởng của 3 nước Indonesia, Cambodia và Myanmar đến dự khán và ủng hộ VĐV của mình.

Cho đến những chiến tích lịch sử tại SEA Games 32

Ở môn bóng rổ 3x3 nữ, 2 cô gái thành phố Huỳnh Thị Ngoan và Nguyễn Thị Tiểu Duy, cùng với chị em sinh đôi Việt kiều họ Trương, đã làm dậy sóng nhà thi đấu Morodok khi giành HCV đầu tiên cho bóng rổ Việt Nam tại đấu trường lớn nhất khu vực. Hay đó là golf thủ 15 tuổi Lê Khánh Hưng, đoạt chức vô địch ở môn thể thao quý tộc Olympic và là VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV ở cấp độ Đông Nam Á cho môn thể thao còn non trẻ ở Việt Nam.

Lê Khánh Hưng giành HCV đầu tiên cho đội tuyển golf Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lê Khánh Hưng giành HCV đầu tiên cho đội tuyển golf Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

VĐV quyền taekwondo Châu Tuyết Vân tài năng và giàu nghị lực, đã làm nên thành tích giành HCV tại 6 kỳ SEA Games liên tiếp. Đáng chú ý là 2 tấm HCV quý giá nội dung đối kháng của 2 gương mặt trẻ Lý Hồng Phúc và Phạm Đăng Quang khi lần đầu chiến thắng tại đấu trường SEA Games. Các VĐV TPHCM đã góp phần vào cả 4 HCV của taekwondo Việt Nam tại SEA Games 32.

Võ sĩ taekwondo Lý Hồng Phúc (giáp đỏ) giành HCV đối kháng hạng 74kg nam tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Võ sĩ taekwondo Lý Hồng Phúc (giáp đỏ) giành HCV đối kháng hạng 74kg nam tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Bộ tứ” Lê Thanh Tùng, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương, Nguyễn Văn Khánh Phong ở thể dục dụng cụ góp công lớn với 3/4 HCV của đội tuyển Việt Nam. Đặc biệt, Khánh Phong xuất sắc vượt qua nhà vô địch thế giới Carlos Yulo để giành HCV ở nội dung vòng treo nam.

Đội tuyển aerobic Việt Nam giành tuyệt đối 5/5 HCV. Những chàng trai, cô gái đương kim VĐTG đến từ TPHCM: Trần Ngọc Thúy Vi, Lê Hoàng Phong, Vương Hoài Ân, Nguyễn Chế Thanh và Hoàng Gia Bảo đã đóng góp 3 HCV ở bài đôi nam nữ, nhóm 3 và nhóm 5.

Không thể quên những người thầy thầm lặng

Má Nga là cái tên thân thương mà hầu hết các VĐV bóng rổ gọi chị Đỗ Thị Nguyệt Nga (Trưởng bộ môn bóng rổ TPHCM), lãnh đội bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam. Chị là người đã chăm sóc tận tình các VĐV trong suốt thời gian thi đấu và góp phần làm nên chiến tích lịch sử của 4 cô gái. Hay đó là HLV Trương Minh Sang, người thầy trẻ tuổi tài năng và đầy tâm lý ở môn thể dục dụng cụ. Cả tuổi xuân là chiến tích lẫy lừng ở khu vực trong vai trò VĐV, và giờ đây Sang là thầy của những tuyển thủ giành HCV đầy thuyết phục ở cấp độ cao.

HLV Trương Minh Sang (phải) luôn đồng hành cùng các học trò làm nên những chiến thắng vang dội. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

HLV Trương Minh Sang (phải) luôn đồng hành cùng các học trò làm nên những chiến thắng vang dội. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

HLV Dương Xuân Trang, Trưởng bộ môn aerobic TPHCM và là HLV đội tuyển Việt Nam, đã sát cánh cùng với chuyên gia Siyana trong suốt 10 năm qua để đào tạo ra thế hệ vàng aerobic thành phố. HLV Lê Huỳnh Châu của taekwondo TPHCM, người đã vực dậy nội dung đối kháng mà gần 10 năm qua thành phố đánh mất thế mạnh của mình. Và còn nữa những người thầy: Đoàn Thị Kim Chi, Nguyễn Thị Kim Hồng (trợ lý HLV - HCV bóng đá nữ), Hoàng Quốc Bình (HLV trưởng Lặn - giành 4 HCV SEA Games 32), Trần Việt Hòa (Billiards – 2 HCV SEA Games 32)...

Tin cùng chuyên mục