Tứ đại danh bộ của người Mỹ

Ít nhất thì, cuối cùng người Mỹ cũng đã tìm ra thứ để mà tự hào. Lần đầu tiên kể từ năm 2003 cho đến nay, khu “thành trì” phồn hoa đô hội Flushing Meadows mới lại có dịp chứng kiến quá nhiều tay vợt nam người Mỹ lọt đến vòng 4 tại US Open đến như vậy.
Tứ đại danh bộ của người Mỹ

Ít nhất thì, cuối cùng người Mỹ cũng đã tìm ra thứ để mà tự hào. Lần đầu tiên kể từ năm 2003 cho đến nay, khu “thành trì” phồn hoa đô hội Flushing Meadows mới lại có dịp chứng kiến quá nhiều tay vợt nam người Mỹ lọt đến vòng 4 tại US Open đến như vậy.

Đầu tiên là “ngọn đại kỳ” Mardy Fish, sau đó đến phiên “cựu vương” Andy Roddick, “sát thủ giao bóng” John Isner và cuối cùng là “tiểu tướng” Donald Young. Những thành tích “săn bắt cao thủ” của “tứ đại danh bộ” này đang khiến người Mỹ náo nức và nếu người Mỹ náo nức, điều đó có nghĩa là, US Open 2011 sẽ còn sôi động hơn nữa.

  • “Ngọn đại kỳ” Mardy Fish

Nếu duy trì được phong độ ổn định và trạng thái tâm lý thoải mái giống như hiện nay (sau khi đã thắng 18/21 trận đấu kể từ khi Tour đấu mùa hè Bắc Mỹ khởi tranh), Mardy Fish có nhiều khả năng vượt qua tay vợt người Pháp Jo-Wilfried Tsonga ở trận đấu thuộc lượt trận vòng 4 đầu tiên tại US Open năm nay. Anh đã từng hạ Rafael Nadal và khiến Novak Djokovic phải toát mồ hôi trong nửa sau mùa giải 2011, anh đang gánh vác “ngọn cờ cha ông” của quần vợt Mỹ trên vai, anh là “ngọn đại kỳ” – thay thế vào vị trí của Andy Roddick. Fish hiện là tấm gương để những người Mỹ khác hướng vào…

  • “Cựu vương” Andy Roddick

Từ vị thế một tay vợt không chắc có thể tham dự US Open trong năm nay, Andy Roddick tiến dần đến vị trí của “một người Mỹ trầm lặng” – khi mà mọi sự chú ý đều được đổ dồn vào Mardy Fish. Nhưng Roddick rất biết cách “nhào nặn” dư luận, với chiến thắng dễ dàng trước Julien Bennetteau với điểm số 6/1, 6/4, 7/6 (7-5) ở vòng 3, Roddick đã không còn… “trầm lặng”, và bắt đầu khiến báo giới tái tập trung vào mình. Xét cho cùng, anh vẫn là cựu vô địch US Open, là một tay vợt có đẳng cấp, hẳn anh không dễ sa sút đến vậy, đặc biệt, tại Grand Slam trên sân nhà, Roddick có nhiều ưu thế!

  • “Sát thủ giao bóng” John Isner

Trong trận thắng người đồng hương Alexandre Bogomolov 7/6 (11-9), 6/4, 6/4 ở vòng 3, Isner đã tung ra đến 17 cú giao bóng thắng điểm trực tiếp và đạt tỷ lệ giao bóng 1 thành công ở mức ấn tượng là 85%. Tính tới khi lọt đến vòng 4, Isner đang sở hữu 51 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp, tạm xếp thứ 3 ở US Open 2011 - chỉ thua Ivo Karlovic (74 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp) và Gilles Muller (65 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp). Vấn đề là, Isner chỉ còn một đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Muller, vì Karlovic đã bị loại.

John Isner

John Isner

Trong khi Muller gặp… Nadal, Isner chỉ phải gặp Gilles Simon (Pháp). Khả năng Muller bị loại ở đây là rất cao, trong khi Isner hoàn toàn có thể lọt tiếp vào vòng sau và nâng cao thành tích của mình. Chưa bao giờ lọt đến tứ kết Grand Slam trên sân nhà, Isner đang muốn “lật trang” lịch sử và nếu thành công, anh sẽ càng khiến người Mỹ thêm tự hào…

  • “Tiểu tướng” Donald Young

Khi Donald Young rời khỏi sân Trung tâm Athur Ashe sau chiến thắng 7/5, 6/4, 6/3 trước Juan Ignacio Chela (Argentina), một huyền thoại của quần vợt Mỹ - ông Jim Courier - đã vỗ tay và hét to lời động viên: “Này, Donald. Tiến lên chàng trai. Hãy giữ cái phong cách hấp dẫn này!”. Đây chính là lần đầu tiên chàng trai 22 tuổi lọt đến vòng 4 US Open (hay cũng là một Grand Slam bất kỳ) trong sự nghiệp của mình. Trước đó, thành tích tốt nhất của Young là lọt đến vòng 3 US Open 2007. Chiến thắng của Young trước Chela ở vòng 3, nhưng đặc biệt là chiến thắng của anh trước hạt giống người Thụy Sĩ Stanislas Wawrinka - sau 5 ván đấu kịch tính - ở vòng 2 - khiến người Mỹ nức lòng. Đối với họ, nếu Fish lọt đến vòng 4 là chuyện nghiễm nhiên, Roddick lọt đến vòng 4 là chuyện “trả nợ ân tình”, Isner lọt đến vòng 4 là chuyện bình thường, thì Young lọt đến vòng 4 là… chuyện lạ!

Donald Young

Donald Young

Mới cách đây vài tháng, Young là tâm điểm của sự chỉ trích thì giờ đây, anh đã là một người anh hùng. Hồi tháng 4 năm nay, trong một phát ngôn cẩu thả trên Twitter, Young đã… chỉ trích USTA vì họ không hỗ trợ anh trong việc vận động cho anh một suất wild-card đến Roland Garros. Dù sau đó Young vội vã xóa đi chỉ trích của mình, anh vẫn bị Patrick McEnroe (cựu HLV trưởng đội tuyển Mỹ ở Davis Cup, Giám đốc chương trình đào tạo các tay vợt trẻ của USTA) chửi cho tan nát, mãi đến khi Young chính thức lên báo nói lời xin lỗi, mọi chuyện mới lắng xuống. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến chiến thắng của Young trước Wawrinka, ông McEnroe đã bình luận trên Twitter: “Hôm nay, Young đã trở thành một người đàn ông trong môn quần vợt”. Chính anh cũng thừa nhận: “Bạn luôn có nhiều khoảnh khắc thăng trầm, giờ đây, tôi hy vọng có các khoảnh khắc thăng hoa…”.

Cùng với Fish, Roddick và Isner, Young trở thành một phần của “tứ đại danh bộ”, những người sẵn sàng săn lùng và “bắt giữ” các đối thủ đáng ngại để mang lại cho người Mỹ một kỳ US Open thật sự có ý nghĩa. Đã từ lâu lắm rồi, người Mỹ không được cười nhiều như thế này. Và cũng đã từ lâu lắm rồi, người Mỹ không có nhiều kỳ vọng như thế này. Đương nhiên, nếu dự báo tin tức kiểu như Fish sẽ đăng quang ngôi vô địch thì hơi quá, nhưng với sự trưởng thành của Young, và sự chắc chắn của Isner thì… ổn thôi! 

 Các kết quả đáng chú ý trong ngày thi đấu thứ 7

Rafael Nadal (Tây Ban Nha) – David Nalbandian (Argentina) 7/6 (7-5), 6/1, 7/5
Andy Murray (Anh) – Feliciano Lopez (Tây Ban Nha) 6/1, 6/4, 6/2
Gilles Simon (Pháp) – Juan Martin del Potro (Argentina) 4/6, 7/6 (7-5), 6/2, 7/6 (7-3)
Gilles Muller (Luxembourg) – Igor Kunitsyn (Nga) 6/1, 6/4, 6/1

ĐỖ HOÀNG

Giải đơn nữ Kerber - hạng 92, lọt đến tứ kết

Ở giải đơn nữ, Angelique Kerber (Đức, hạng 92 WTA) đang là một bất ngờ thú vị. Đánh bại Monica Niculescu (Rumani, hạng 68 WTA) 6/4, 6/3, Kerber đã giành quyền lọt vào vòng tứ kết Grand Slam và cũng là US Open đầu tiên trong sự nghiệp (thành tích chung của cô là chưa bao giờ vượt qua vòng 3 tại các kỳ Grand Slam).

Trước đó, cô gái 23 tuổi người Đức này cũng đã lật đổ hạt giống số 12 người Balan là Agnieszka Radwanska ở vòng 2 với chiến thắng 6/3, 4/6 và 6/3. Dù không có thứ hạng cao như những đồng hương nổi danh khác – như là Andrea Petkovic, Julia Goerges hay Sabine Lisicki, Kerber lại đang khiến người Đức cảm thấy rất tự hào ở kỳ US Open lần này. Tay vợt chưa bao giờ đứng cao hơn hạng 45 thế giới này là 1 trong 3 người Đức lọt đến vòng 4 (lần đầu tiên kể từ năm 1987, quần vợt nữ Đức mới có 3 đại diện ở vòng 4), và trong khi Lisicki đã bị hạt giống số 2 người Nga Vera Zvonareva loại bỏ, còn số phận của Petkovic vẫn chưa được quyết định, thì Kerber lại chính là người đầu tiên giành quyền lọt đến vòng đấu tứ kết ở tại Flushing Meadows…

Trong khi đó, 2 ngày sau khi thắng Nadia Petrova bằng trận đấu dài nhất trong lịch sử US Open kể từ khi loạt tie-break được áp dụng ở đây (từ năm 1970), tay vợt nữ “cơ bắp” người Australia – Samantha Stosur – lại trải qua một… kỷ lục mới, ván đấu thứ 2 trong trận đấu vòng 4 giữa cô với một tay vợt người Nga khác là Maria Kirilenko, ván đấu phải phân định thắng thua bằng loạt tie-break, đã trở thành loạt tie-break dài nhất trong lịch sử Grand Slam. Tuy Stosur thua trong loạt tie-break này với điểm số 15-17, cô vẫn giành được thắng lợi trong cả trận. Stosur thắng Krilenko 6/2, 6/7 (15-17), 6/3.

 Các kết quả đáng chú ý khác

lavia Pennetta (Italia) – Shuai Peng (Trung Quốc 6/4, 7/6 (8-6)
Vera Zvonareva (Nga) – Sabine Lisicki (Đức) 6/2, 6/3

TIỂU SIÊU

Tin cùng chuyên mục