Tranh chấp trong làng bóng chuyền Việt Nam đã thành… thói quen?

Tưởng như đã có Quy chế chuyển nhượng VĐV của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) là sẽ thôi xảy ra tranh chấp nhưng làng bóng chuyền quốc nội kỳ nào cũng có tranh cãi, chưa bao giờ phẳng lặng chuyện đi-ở của VĐV.

CLB Ngân hàng Công thương luôn nảy sinh rắc rối trong 2 mùa bóng trở lại đây. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
CLB Ngân hàng Công thương luôn nảy sinh rắc rối trong 2 mùa bóng trở lại đây. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trường hợp giữa VĐV trẻ Vi Thị Như Quỳnh với đội bóng cũ Ngân hàng Công thương (NHCT) đang là sự vụ mới nhất và vẫn nằm ở câu chuyện đi-ở của cầu thủ. Khúc mắc chắn chắn sẽ sớm được giải quyết khi VFV đã yêu cầu các bên nộp giấy tờ liên quan để làm cán cân phân xử dù Vi Thị Như Quỳnh khẳng định mình ra đi là đúng luật còn đội bóng cũ của cô vẫn cho rằng còn quản lý cầu thủ.

Điểm lại lịch sử, không ít cầu thủ từng bị làm khó dễ hoặc thậm chí phải ra tòa hay chịu án “treo tay” chỉ vì không giải quyết được khúc mắc hợp đồng với đội bóng cũ. 

Về nam, chủ công Nguyễn Văn Hạnh là người đầu tiên của bóng chuyền nước nhà phải hầu tòa và thua kiện sau khi đội Tràng An Ninh Bình kiện CLB Đức Long Gia Lai (cũ) lấy người trái phép không trả phí chuyển đào tạo ở năm 2011. Sau nhiều lần đi lại và làm việc trên tòa, Văn Hạnh đã bị xử thua đồng thời mất 450 triệu đồng trả cho đội bóng Tràng An Ninh Bình. Hiện tại, Hạnh vẫn thi đấu và đang là tuyển thủ quốc gia đồng thời thi đấu hiệu quả tại màu áo CLB TPHCM.

Tranh chấp trong làng bóng chuyền Việt Nam đã thành… thói quen? ảnh 1 Chủ công Nguyễn Văn Hạnh từng thua kiện CLB Tràng An Ninh Bình.
Trước Văn Hạnh, cựu chủ công Nguyễn Hữu Hà (giờ là HLV trưởng đội nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội) có 2 lần vướng vào tranh chấp với CLB cũ. Lần đầu xảy ra năm 2009 và Hữu Hà đã không thể thắng tranh chấp rồi sau đó bị “treo tay” 1 năm. Đồng thời, ông Bùi Pháp (chủ đội bóng Đức Long Gia Lai (cũ)) phải trả 1,35 tỷ gọi là phí chuyển nhượng cho Tràng An Ninh Bình thì Hữu Hà mới được ra sân trở lại. Năm 2014, Hữu Hà muốn rời CLB (Đức Long Gia Lai) theo dạng hết hợp đồng nhưng rồi cựu chủ công này vẫn phải ngồi chơi xơi nước không thể thi đấu cùng bóng chuyền Biên Phòng sau đó bởi bị vướng ràng buộc trong điều khoản đã ký cùng đội bóng cũ.

Trường hợp của chủ công Đinh Thị Thúy với đội bóng cũ NHCT cũng liên quan đến việc VĐV muốn ra đi còn CLB lại quyết giữ người. Sau cùng, Thúy từng thuê luật sư để kiện VFV yêu cầu phải được cấp thẻ thi đấu theo đúng quyền lợi. Hiện cô đã thi đấu cho đội Kinh Bắc Bắc Ninh. 

Tranh chấp trong làng bóng chuyền Việt Nam đã thành… thói quen? ảnh 2 Chủ công Lê Quang Khánh (phải) từng gặp không ít rắc rối khi rời Long An để gia nhập CLB TPHCM.
Ngoài họ, một số trường hợp khác từng gặp khó dễ ở đội bóng chủ quản khi muốn ra đi như Từ Thanh Thuận (với đội bóng cũ SXKT Vĩnh Long), Lê Quang Khánh, Nguyễn Văn Sang (với đội cũ Long An), Đinh Thị Trà Giang (với đội Vietsovpetro (cũ)), Nguyễn Thị Hương (Bộ tư lệnh thông tin)...

Quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền đã được VFV ban hành từ năm 2010. Tại mục 1 của điều 12, Quy chế có ghi rõ “trường hợp VĐV đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hợp pháp mà CLB chủ quản không chấp thuận, thì sau 6 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị giải quyết vụ việc của VĐV, Liên đoàn sẽ xem xét giải quyết cho VĐV được tiếp tục thi đấu”.

Tin cùng chuyên mục