Bóng đá Việt – Thái

Những nghịch lý... có lý

Kỳ sau: Bóng đá Việt Nam – Giải quốc gia hay, nhưng đội tuyển chơi kém. 

Khi đặt câu hỏi với bất kỳ cầu thủ nào của Thái Lan đang thi đấu tại Việt Nam rằng: “Bạn so sánh giữa Thai League và V-League?”, câu trả lời gần như là một: “V-League sôi động hơn, hấp dẫn hơn. Tất nhiên là V-League hơn hẳn T-League”.

Rồi khi hỏi thêm: “Thu nhập của bạn khi đá tại T-League và V-League ra sao?”, thì câu trả lời cũng không khác nhau: “V-League thu nhập cao hơn hẳn, đãi ngộ tốt, nhiều loại tiền thưởng”. Đó là một trong những lý do chính để bóng đá Việt Nam thu hút nhân tài người Thái sang “phục vụ”.

Người viết có hơn chục lần sang Thái Lan, lưu lại đây có lúc một tuần, có khi gần một tháng, có dịp thâm nhập sâu vào thế giới bóng đá của nước này nhờ sự giúp đỡ của những người bạn trong tập đoàn đa truyền thông Siam Sports. Và từ đó tôi rút ra được một kết luận giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan tồn tại “những nghịch lý... có lý”.

Bóng đá Thái Lan: Giải nội không hấp dẫn, nhưng đội tuyển luôn thắng

Tôi có hai lần dự khán các trận đấu tại T-League, những trận đấu thuộc vào loại đinh của bóng đá Thái Lan, với sự có mặt của các đội hàng đầu như Port Authorithy of Thailand (PAT), Airforce Royal, Thai Farmer Bank, Osotspa ... Trên sân chỉ lèo tèo vài trăm khán giả, mà một số là các cổ động viên nhí được trả tiền để đi xem đá banh (?). Trình độ chơi bóng của cầu thủ Thái Lan thuộc vào loại khá giỏi, nhưng trận đấu không hào hứng vì thiếu “lực đẩy” của ngoại binh.

Có lần Kiatisak giải thích: “Câu lạc bộ ở Thái Lan nghèo lắm. Họ không có tiền trả cho cầu thủ ngoại đâu. Đội nào có cầu thủ ngoại quốc cũng chỉ vào loại trung bình, chấp nhận lương thấp”. Không chỉ có cầu thủ Thái Lan, mà ngay cả các ngoại binh đang chơi bóng ở T-League cũng ngóng sang Việt Nam, dò thông tin, móc nối để có dịp sang thử việc tại nơi mà họ gọi là “miền đất hứa ở Đông Nam Á”.

Ngay cả thị trường Singapore, Malaysia hay Indonesia hiện nay cũng không còn hấp dẫn cầu thủ ngoại bằng Việt Nam. Tất nhiên, vấn đề chính vẫn là vì mức lương cao đã kích thích họ. Vậy lương cầu thủ Thái Lan sang Việt Nam chơi bóng là bao nhiêu. Trước đây, danh thủ Kiatisak đứng đầu bảng với 10.000 USD/ tháng, chưa kể các khoản thưởng và ưu đãi khác.

Nay Thonglao cũng có mức lương xấp xỉ, còn các cầu thủ Thái Lan khác chơi bóng tại Việt Nam cũng nhận lương trung bình từ 3.000 USD đến 4.000 USD/ tháng. Người viết từng giới thiệu thủ môn Kittisak chơi cho đội chơi ở hạng Nhất là Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn với mức lương tập sự (2 tháng) đã là 800 USD, còn ký hợp đồng chính thức cũng hơn 1.000 USD/ tháng. Nay, mức lương của thủ môn tài ba này có thể còn cao hơn.

Giải đấu nội không hấp dẫn, nhưng tại sao đội tuyển Thái Lan luôn thắng đội tuyển Việt Nam? Một nghịch lý, nhưng không khó trả lời, nếu bạn có dịp thăm trại huấn luyện cầu thủ trẻ của Thái Lan. Tôi có dịp thăm Trung tâm huấn luyện bóng đá trẻ của công ty dụng cụ thể thao Grand Sports. Tính kỷ luật, ngăn nắp như nhà binh của các đội U11, U13, U15, U17 Thái Lan cho tôi ấn tượng rất tốt về cách giáo dục của các ông thầy dạy bóng đá ở Thái Lan. Họ xếp hàng ngay ngắn, đứng nghiêm nghe chỉ đạo của HLV (chứ không có cảnh ngó nghiêng, cười đùa, “đánh trống lảng” hay ra vẻ bất cần nghe của nhiều đội bóng trẻ tại Việt Nam).

Với những hạt giống như thế thì trái quả của nó sẽ ngon và dễ “xuất khẩu”. Đến khi cần gom về chơi cho đội tuyển thì đó sẽ là một tập thể mạnh, như vậy việc đánh bại tuyển Việt Nam là đương nhiên.

Kỳ sau: Bóng đá Việt Nam – Giải quốc gia hay, nhưng đội tuyển chơi kém. 
 

LINH GIAO

Tin cùng chuyên mục