Thể dục thể thao đúng là tốt cho sức khỏe. Nhưng thuốc bổ hay thuốc độc theo Paracelsus chỉ khác nhau ở liều lượng. Chuyên gia ở Đại học Thể dục Cologne, Đức, nơi nổi tiếng với nước hoa 4711, thậm chí cảnh báo về tình trạng huyết áp thấp cũng như rối loạn nội tiết tố dưới dạng trễ kinh ở nữ vận động viên và rối loạn cương dương ở cánh đàn ông vì nạn nhân quá hăng với chuyện thể thao đến độ tự gây trục trặc trên trục thần kinh - nội tiết. Tình trạng này càng nhanh chân hơn nữa nếu thể thao thay vì là cách xả xú bắp lại trở thành một loại áp lực ghê hơn công việc, chẳng hạn vì vận động viên quá ham chuyện ăn thua, cá độ và nhất là khi đã bị chấn thương nhưng vẫn ngày nào “không ra sân không về”. Chuyện gì cũng có lý do. Người lạm dụng thể dục thể thao khó khỏe vì:
1- Vận động khi vượt quá ranh giới giải trí chẳng khác nào stress. Tuyến thượng thận khi đó phải làm việc tối đa. Hậu quả là sinh tố C hao hụt rất nhanh khiến gia chủ dễ cảm cúm nếu mắc mưa sau buổi tập;

2- Cũng vì tuyến thượng thận tăng năng suất nên cơ thể khó tránh thiếu Kẽm và sinh tố B5. Vận động viên quá độ vì thế dễ rụng tóc, viêm da, gãy móng tay và nếu vướng vết thương ngoài da thì lâu lành;
3- Sa sút trí nhớ do kích ứng thần kinh quá dồn dập trong khi gia chủ quên bổ sung các sinh tố có công năng bảo vệ cấu trúc của tế bào thần kinh như sinh tố B6, B7, B12 và Acid Folic;
4- Mất ngủ do thiếu Canxi, Manhê vì gia chủ xài hết sạch 2 khoáng tố do chơi thể thao quá trễ vào buỗi tối. Fan của thể thao buổi tối có thể không khó ngủ lúc đầu nhưng bị đánh thức giữa đêm vì chuột rút rồi trăn trở đến sáng. Khỏi nói thêm cũng thừa hiểu nạn nhân mệt mỏi thế nào khi chào ngày mới.
5- Chọn môn nào cũng thế, vận động viên phải co duỗi bắp thịt. Sinh tố B1 vì thế đứng đầu trên danh sách mặt hàng thiếu hụt. Kẹt chính ở điểm chất đường trong thực phẩm không được thoái biến để cung cấp năng lượng nếu thiếu sinh tố này. Cơ quan nhạy cảm nhất với chuyện hết xăng khi cần rồ ga lại là não bộ. Đó là lý do tại sao nhiều người vì quá ham thể thao khó tập trung trong công việc.

6- Nhiều vận động viên ghi nhận một nghịch lý là tuy còn rất trẻ, bề ngoài coi rất khỏe nhưng tóc lại ngoe nguẩy ra đi không lời từ giã. Không có gì khó hiểu. Lớp chất keo gắn chặt sợi tóc vào da đầu muốn có cấu trúc bền vững cần có B5. Sinh tố này lại bị tiêu hao rất nhanh trong tình huống stress. Hói đầu vì càng chơi càng thua là chuyện bình thường.
7- Còn gì khổ hơn ngứa ngáy ngoài da nhưng dùng thuốc chống dị ứng cứ như không? Nạn nhân không ngờ là do hao hụt cặp bài trùng sinh tố C và khoáng tố Canxi vì tuyến thượng thận phải xài nhiều 2 chất này khi làm việc ngoài giờ trước kích ứng do khác biệt nhiệt độ ở thao trường và trên đường về nhà, nhất là trên xe máy lạnh;
8- Chuyện phòng the, nam cũng như nữ, trục trặc là do thiếu nội tiết tố là đúng nhưng chưa chính xác. Gần phân nửa trường hợp “trên bảo dưới không nghe” là do thiếu Kẽm. Thiếu khoáng tố này, gia chủ hết pin giữa đường. Người chơi thể thao quá lố bao giờ cũng sạch nguồn dự trữ Kẽm sớm. Chơi sao cho vui là chính. Chơi đến cực thân chẳng có gì lạ nếu người vui là… thầy thuốc!
Góc tư vấn của bác sĩ Lương Lễ Hoàng