Chật vật tìm kiếm HCV
Olympic tại Nhật Bản sẽ khép lại ngày 8-8 tuy nhiên trong ngày áp chót 7-8, VĐV thuộc các quốc gia ở Đông Nam Á đã kết thúc thi đấu, hết khả năng gia tăng HCV. Thể thao Philippines không tăng thêm thành tích do VĐV boxing Carlo Paalam thua trận chung kết 52kg nam ở chiều 7-8. Số HCV của thể thao Đông Nam Á tại Olympic Tokyo 2020 đã giành được nhờ Thái Lan (1 chiếc, taekwondo nữ), Indonesia (1, cầu lông đôi nữ), Philippines (1, cử tạ nữ).
Năm năm trước, thể thao Đông Nam Á nói chung nhận sự đánh giá rất cao của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) do lần đầu có VĐV giành HCV bơi lội (tuyển thủ Joseph Schooling - Singapore) - một môn vô rất khó đạt thành tích Olympic. Thế nhưng tại Tokyo, bơi lội Singapore nói riêng và thể thao Đông Nam Á nói chung (trong đó có Việt Nam) không đạt được kết quả ấn tượng tại đường đua xanh.
Cùng việc số quốc gia giành huy chương giảm từ 6 (tại Olympic 2016) xuống còn 4 (Việt Nam và Singapore không có huy chương tại Olympic 2020) thì hẳn nhiên chuyên môn bị tụt lại đã dễ thấy.
Số liệu thống kê cho thấy, nền thể thao Đông Nam Á chưa khi nào vượt quá 5 HCV và thường trực chỉ đạt tổng 2-3 HCV tại nhiều kỳ Olympic. Các lần Olympic năm 1992, 1996, 2000 thành tích tổng là 2 HCV mỗi kỳ. Olympic năm 2004, kết quả là 4 HCV còn năm 2008, là 3 chiếc. Olympic 2012 là kỳ thất bại nhất do không quốc gia nào tại Đông Nam Á giành được HCV. Ở Olympic 2016 tại Brazil, lần đầu các quốc gia ở Đông Nam Á đạt tổng 5 HCV và 1 tấm trong đó thuộc về thể thao Việt Nam (bắn súng - Hoàng Xuân Vinh).
Gần 30 năm trải qua các lần tham gia Olympic từ năm 1992 đến 2021, thể thao Việt Nam còn thua kết quả trước các nền thể thao ở ASEAN gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. Khi chúng ta dự Olympic bằng vé mời và với ý nghĩa học hỏi thì ở Olympic năm 1992 (tại Tây Ban Nha) và 1996 (tại Mỹ), VĐV Olympic của Indonesia, Thái Lan đã giành được HCV trong khi Malaysia và Philippines có huy chương.
Olympic năm 2000 (tại Australia) là lần đầu chúng ta giành huy chương (HCB taekwondo) nhưng khi đó, những nền thể thao nói trên đã vượt hơn con số 1 về tổng huy chương để vượt lên giành 3, 4 tấm các loại. Sau 3 kỳ Olympic các năm 2008, 2012, 2016 đã có kết quả huy chương thì chúng ta trở lại việc tay trắng tại Tokyo lần này.
Với đấu trường châu lục là Asian Games, trong 5 kỳ gần nhất, Việt Nam có giành HCV nhưng thường trực trong nhóm chỉ ở châu Á thế nên nỗi đau đáu làm sao vươn lên giành HCV ở môn thuộc Olympic vẫn rất khó giải.
Asian Games 2002, Việt Nam giành 4 HCV gồm 1 thể hình, 1 billiards, 2 karate. Đại hội năm 2006, Việt Nam tự tin giành 3 HCV và 2 trong số đó thuộc cầu mây. Năm 2010, 2014 chúng ta cùng chỉ đạt được 1 HCV. Asian Games 2018 gần nhất, thành tích khả quan với 5 HCV, và 3 kết quả cao nhất trong số đó thuộc điền kinh (2), đua thuyền rowing (1).
Tuy nhiên, tính riêng Asian Games 2018, kết quả của Việt Nam vẫn bị đối thủ khu vực bỏ xa khi Thái Lan (giành 11 HCV), Indonesia (31 HCV), Malaysia (7 HCV). Olympic, Asian Games là hai đại hội thể thao thực chất nhất và kết quả huy chương phản ánh trình độ VĐV, nền thể thao trong tổng thể phát triển chung của châu lục.
Thậm chí, chúng ta rất tự tin vào một số tuyển thủ của bơi lội, bắn súng, cử tạ đạt kết quả cao tại Olympic nhưng chưa một lần họ đứng lên bục nhận HCV tại Asian Games.
"VĐV Việt Nam so với đối thủ thế giới kém hơn nhiều mặt. VĐV chúng ta bị hạn chế về thể hình, thấp hơn, người mỏng hơn và yếu hơn. Tâm lý thi đấu của VĐV kém hơn đối thủ" Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Olymipc Tokyo 2020 - ông Trần Đức Phấn từng trả lời truyền thông sau Olympic tại Nhật Bản. |