Mặc dù phiên đấu giá dành cho các đơn vị muốn sở hữu bản quyền truyền hình giải bóng đá Thái Lan vẫn chưa chính thức mở, nhưng FAT (Liên đoàn bóng đá Thái Lan) vừa cho hay hợp đồng giữa họ và Kênh truyền hình True Vision sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Vì vậy, có ít nhất 2 công ty được FAT cân nhắc sẽ ngồi vào bàn đàm phán về tương lai của Thai-League trong vòng 8 năm tới (kể từ năm 2021), ước tính giá trị bản hợp đồng sắp ký sẽ chạm đến con số thật sự mơ ước đối với làng bóng đá Đông Nam Á.
True Vision nếu muốn tái ký, dĩ nhiên buộc phải tuân thủ quy định của phiên đấu giá sắp đến, mà theo nhận định của giới quan sát, rất khó để kênh truyền hình này có thể đánh bại được 2 đối thủ (1 doanh nghiệp trong nước và 1 doanh nghiệp nước ngoài) đang chạy đua để giành bản quyền Thai-League.
Như vậy, nếu FAT đạt được thoả thuận mới, mỗi năm Thai-League sẽ nhận được 50 triệu USD tiền bán bản quyền truyền hình, hưởng lợi nhiều nhất dĩ nhiên là 16 CLB đang chơi ở hạng đấu cao nhất của Thái Lan. Rõ ràng, đây là khoản thu khổng lồ ở làng bóng đá Đông Nam Á, nơi vốn dĩ bị xếp vào diện “vùng trũng” của bóng đá thế giới.
Theo miêu tả của báo chí châu Á, Thai-League đang “lột xác” để trở thành giải đấu có sức hút số 1 khu vực, đồng thời rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong khoảng 10 năm tới, nhờ vào chất lượng và độ “phủ sóng” rộng khắp mà những nhà điều hành bóng đá Thái Lan đang làm rất tốt.
Theo thống kê đến cuối năm 2019, Thai-League dẫn đầu Đông Nam Á, xếp hạng 4 ở vùng Đông Á (sau các giải của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng thời đứng trên cả giải vô địch Australia). Giải vô địch Philippines và V-League của Việt Nam xếp các thứ hạng 2 và 3 tại Đông Nam Á, đứng hạng 6 và 7 vùng Đông Á.
Trong tốp 10 CLB đắt giá nhất Đông Nam Á, các đội bóng Thai-League chiếm đến 7 vị trí, với tổng số tiền lên đến gần 45 triệu euro. Chỉ có 2 CLB của Indonesia và 1 CLB của Malaysia chen chân được vào tốp 10 này, trong khi các giải V-League của Việt Nam và giải vô địch Philippines không có đại diện nào.
Sự kiện Thai-League sẽ đạt đến con số đáng mơ ước về bản quyền truyền hình chắc chắn khiến giới làm nghề ở Đông Nam Á phải suy ngẫm. Ở Việt Nam, mỗi năm nhờ V-League, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chỉ thu về vỏn vẹn vài tỷ đồng từ đối tác Next Media. Các kênh truyền hình phát sóng trực tiếp các trận đấu V-League phải trả cho đối tác và nhà tài trợ của VPF bằng hình thức quảng cáo.