Có rất nhiều thời điểm trong trận đấu với Morocco, các cầu thủ tuyến sau của Tây Ban Nha cứ chuyền bóng qua lại với nhau lên cả trăm lần. Chẳng có lần nào bóng được phất hoặc tỉa nhanh lên trên. Các cầu thủ Morocco thì cứ nhất quán là “để mặt cho họ chuyền”. Vậy là Tây Ban Nha thực hiện đến 1019 đường chuyền nhưng chỉ tung được một cú sút đi đúng hướng khung thành. Thậm chí trong hiệp một, họ chỉ có đúng 1 cú sút, thống kê tệ hại nhất tính từ năm 1966.
Kiểm soát bóng bằng cách chuyền liên tục cho nhau là một nghệ thuật lôi kéo đối phương. Nếu được thực hiện ở bên dưới, là để “dụ” đối thủ lao lên, còn khi thực hiện ở 1/3 sân bên kia, là để xé nát hàng phòng ngự. Vấn đề của Tây Ban Nha là cứ chuyền ngang cho nhau, không lên cũng chẳng xuống. Đặt mình vào gâm lý của cầu thủ Morocco thử xem: nó vô hại như vậy, thì cứ để cho họ chuyền vì nói cho cùng, chính Morocco mới là đội sợ thua. Thế nên, việc giữ bóng ở giữa sân như của Tây Ban Nha chính là đã giúp Morocco xóa đi mọi rủi ro thua trận. Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của HLV Jose Mourinho: “Đối thủ cứ đi mà giữ quả bóng, thậm chí họ mang luôn về nhà cũng được. Còn đội bóng của tôi sẽ giữ lại 3 điểm”.
Tây Ban Nha từng thực hiện nhiều đường chuyền hơn thế trong trận thua Nhật Bản. Có nhiều ý kiến cho rằng họ cố tình thua để tránh Croatia và quan trọng hơn là tránh nhánh đấu khó với sự góp mặt của Brazil - ứng cử viên số một cho chức vô địch. Nhưng đến trận với Morocco thì đã rõ, Tây Ban Nha thua vì họ không có phương án nào để giành chiến thắng cả. Sự bế tắc đó kéo dài đến loạt sút luân lưu, nơi mà họ vẫn thường là kẻ thất bại. Biến trước mình có thể thua luân lưu, vậy mà vẫn không thể tấn công trực diện đối thủ, thì là bế tắc chứ còn gì. Nói cách khác, Tây Ban Nha chẳng làm gì trong trận đấu với Morocco cả, ngoài việc chuyền bóng cho nhau.
Chúng ta nói nhiều về việc Tây Ban Nha thiếu chân sút, điều này không mới và đó không phải là vấn đề của chiến thuật. Suốt chiều dài lịch sử, kể cả khi đăng quang World Cup 2010, thì chẳng có tiền đạo nào mang quốc tịch Tây Ban Nha vươn đến tầm vóc siêu sao cả. Cái cách chơi bóng của Tây Ban Nha có thể xuất phát từ việc họ thiếu mũi nhọn, nhưng cũng có thể vì tư duy đó mà họ chẳng thể có tiền đạo giỏi. Bởi đơn giản, nếu bên dưới cứ chuyền bóng qua lại thì tiền đạo bên trên cũng đánh mất cảm giác săn bàn. Thi thoảng bóng mới đến chân, đâu thể cứ sút một cái là thành bàn. Thực tế cho thấy, Morata cũng là “số 9” thực thụ duy nhất của La Roja trên đất Qatar. Đã không có tiền đạo giỏi, lại chỉ có một vị trí duy nhất như thế, thì chuyện hệ thống phòng ngự khu vực 2 tầng của Morocco kiềm tỏa dễ dàng cũng là dễ hiểu.
Bóng đá nói cho cùng vẫn chỉ là một trò chơi. Có khoa học hay toan tính đến mấy, thì vẫn luôn trân trọng những khoảng khắc lóe sáng của từng cá nhân. Khi cả đội tuyển Tây Ban Nha đều không ai đủ can đảm cầm bóng xộc vào vùng cấm địa, phá bỏ những rào cản về chiến thuật, phiêu lưu bằng chính cảm xúc của mình, thì cái gọi là đẳng cấp hay trình độ vượt trội so với Nhật Bản hay Morocco chỉ còn là ảo ảnh.