Messi chiến thắng mọi danh hiệu cá nhân, sự vĩ đại là không có gì bàn cãi. Ngay sau trận bán kết, một nhà báo nữ Argentina thay vì đặt câu hỏi, đã phải thốt lên trước Messi rằng “Anh không cần phải thắng World Cup”. Thế nhưng, ở một đất nước mà Maradona đã được tôn thờ như một vị thánh, thì chiến thắng World Cup đâu chỉ là chuyện “nghĩa vụ và quyền lợi”, mà là việc Messi buộc phải hoàn thành. Điều đó không phải để giúp anh sánh ngang với huyền thoại đồng hương, mà là để trả lại cho tâm hồn người hâm mộ Argentina sự thanh thản vốn đã không hề tồn tại suốt mấy chục năm qua.
Thế nhưng, chính Messi cũng biết, một mình anh không thể đem về chức vô địch. Hành trình 16 năm tìm kiếm danh hiệu World Cup của Lionel Messi có thành công hay không, phụ thuộc rất nhiều vào những người đã đồng hành cùng anh trên hành trình này. Chủ Nhật này, ngoài Lionel Messi, 10 cầu thủ nữa sẽ đá chính trong trận chung kết World Cup. Tuy nhiên, nếu Argentina giành chiến thắng, họ sẽ làm nền cho bức ảnh Messi đang ăn mừng. Còn một khi thất bại, nhiều khả năng họ sẽ trở thành vật tế thần.
Nhưng dường như định mệnh đã sắp đặt, khi Messi ở kỳ World Cup cuối cùng của mình, anh lại được vây quanh bởi một trong những tập thể kém danh tiếng nhất mà Messi từng thi đấu cùng tại các kỳ World Cup. Vài tháng trước, Fernandez và Alvarez là đồng đội tại River Plate, một trong số những người còn lại đến từ Brighton và Benfica, Lyon và Aston Villa. Tuy nhiên, đây là đội bóng chỉ thua 1 trong 43 trận, đã thắng Copa America và còn cách danh hiệu lớn nhất trong hoặc hơn 90 phút. Nếu giải đấu này là minh chứng cho tầm ảnh hưởng phi thường của Messi, thì nó cũng phản ánh tầm quan trọng của tập thể.
Thế hệ của Messi có nhiều tài năng nổi bật hơn để đá cặp cùng anh, như Gonzalo Higuain, Sergio Aguero và Carlos Tevez. Họ đã ghi hơn 1.000 bàn ở các giải đấu cấp CLB. Tuy nhiên, đối với các nhà cầm quân Argentina, kết hợp họ luôn là một bài toán không có lời giải. Đây chính là cái hay của HLV Scaloni. Cho dù trong tay ông vẫn có những Lautaro Martinez và Paulo Dybala đến từ các đội bóng lớn, nhưng rồi một người mất vị trí sau khi phung phí các cơ hội. Người còn lại không được sử dụng cho đến phút 74 ở trận đấu thứ sáu. Với sự trưởng thành đáng kinh ngạc của Alvarez, Scaloni đã tìm ra liều thuốc giải cho Messi.
So với năm 2010, khi Javier Mascherano đơn độc phía sau năm cầu thủ thiên về tấn công, hệ thống của Argentina ở Qatar đề cao tính an toàn. Đá trước một Croatia không giỏi tấn công, nhưng vẫn có đến 4 tiền vệ có xu hướng phòng ngự chơi rất gần nhau. Họ kiểm soát bóng rất ít, nhưng cũng giống như các đội bóng ở Serie A những năm 1980: Chín cầu thủ ngăn chặn các bàn thua, hai người còn lại cố gắng ghi bàn.
Năm 1986, Carlos Bilardo từng dùng đội hình 3-5-Maradona-1. Bây giờ, Scaloni chọn hệ thống 4-4-Messi-1. Nghĩa là thay vì các cầu thủ sẽ chờ Messi tạo ra cơ hội, bây giờ thì tất cả sẽ vận hành xoay quanh Messi, tạo cho anh không gian thoải mái nhất và đặt “ngôi sao hi vọng” vào sự tỏa sáng của một thiên tài. Vấn đề nằm ở chỗ, 10 cầu thủ còn lại chấp nhận làm điều đó, vì cái chung.
Bởi bài học lịch sử là quá rõ ràng. Chức vô địch World Cup gần nhất của Argentina là vào năm 1986. Đó là giải đấu mà không có nhiều cái tên khiến người ta phải nhớ đến ngoài Maradona. Năm đó, Maradona có cho mình 5 bàn và 5 kiến tạo. Bây giờ, Messi đã có 5 bàn thắng và 3 đường kiến tạo, có lẽ trận chung kết sẽ là sự lặp lại của lịch sử, khi Messi không ghi bàn nhưng các đồng đội của anh sẽ lên tiếng như trận chung kết World Cup 1986.
Nếu Messi sánh kịp thành tích của Maradona, họ sẽ sánh vai cùng nhau với tư cách là những nhà vô địch World Cup cùng sự trợ giúp của 10 người khác. Đó là chiến thắng của một dân tộc đã quá lâu rồi chưa thôi nhớ về những ngày tháng huy hoàng xưa cũ.