Davis Cup 2010

Serbia - Mỹ: Không khoan nhượng!

Lịch sử, quá khứ không phải là hiện tại và tương lai
Serbia - Mỹ: Không khoan nhượng!

Tuyển Serbia - dưới sự dẫn dắt của tay vợt hạng 2 thế giới Novak Djokovic - đang tìm kiếm cơ hội giành vé vào vòng tứ kết Davis Cup lần đầu tiên. Có vẻ như, họ sẽ dễ dàng thực hiện được tham vọng của mình khi chỉ phải đối mặt với tuyển Mỹ “yếu ớt”, “có danh nhưng không có phận” ở Belgrade Arena vào cuối tuần này. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa theo những thông tin trên để nghĩ rằng đó sẽ là một cuộc chiến… chóng vánh, hẳn nhiều người sẽ phạm phải sai lầm to lớn…

Lịch sử, quá khứ không phải là hiện tại và tương lai

Tuyển Mỹ từng giành được 32 danh hiệu vô địch Davis Cup. Họ là một tượng đài của lịch sử ở giải đấu đồng đội nam thế giới này. Nhưng đó vốn đã là chuyện của quá khứ! Sau thời Pete Sampras, Andre Agassi, tuyển Mỹ vẫn là khá đáng gờm với thời của Andy Roddick, James Blake (những người đã giúp tuyển Mỹ đăng quang hồi năm 2007). Nhưng, đó… cũng đã là chuyện quá khứ. Tuyển Mỹ giờ đây chẳng có Roddick, cũng chẳng có Blake. Lần đầu tiên kể từ năm 2000, tuyển Mỹ sẽ phải tập bước đi mà không có “nhị vị đại ca” này!

Djokovic và Zimonjic (ngoài cùng bên trái trái) chụp hình kỷ niệm với 2 tuyển thủ Mỹ là Isner và Mike Bryan.
Djokovic và Zimonjic (ngoài cùng bên trái trái) chụp hình kỷ niệm với 2 tuyển thủ Mỹ là Isner và Mike Bryan.

So với tuyển Mỹ, thành tích của Serbia ở đấu trường Davis Cup là con số 0 to tướng. Thậm chí, đây mới là lần thứ 3 nền quần vợt non trẻ của Serbia góp mặt ở đấu trường cao nhất - nhóm hạng thế giới - của Davis Cup. Trong hai lần trước (trong các năm 2008, 2009), Serbia cũng chưa bao giờ vượt qua vòng 1, và chỉ trụ lại được nhờ thắng trận play-off. Tuy nhiên, tất cả đó đã trở thành một quá khứ đầy sắc màu. Giờ đây, Djokovic và những đồng hương nổi tiếng khác: Viktor Troicki, Janko Tipsarevic và Nenad Zimonjic đã sẵn sàng “gây chuyện”.

Lợi thế sân nhà

Sân Belgrade Arena (hay còn gọi là Beogradska Arena - theo phát âm của người Serbia) có sức chứa 20 ngàn người, hứa hẹn sẽ là một “chảo lửa” thật sự thiêu đốt người Mỹ. Dự kiến, một bầu không khí nóng bỏng, ồn ã không thua gì bầu không khí của… các CĐV bóng đá sẽ hiện diện ở Belgrade Arena, nơi chưa từng chứng kiến tuyển Serbia thi đấu trên sân nhà ở vòng 1 Davis Cup (trong các trận đấu vòng 1 Davis Cup 2008 và 2009, tuyển Serbia đều phải làm khách trên sân Nga và Tây Ban Nha, và do đó, đều thất thủ).

Djokovic - người anh hùng quần vợt đầu tiên của đất nước Serbia - đang nỗ lực kêu gọi đám đông CĐV mang đến sân sự ủng hộ cần thiết, khiến người Mỹ run sợ, giúp anh và các đồng đội cảm thấy thoải mái như ở nhà: “Với sự ủng hộ sôi sục của họ - 20 ngàn CĐV - chúng tôi có thể tiến vào vòng tứ kết. Và điều đó sẽ là thành công tuyệt vời của đội tuyển Serbia”. Về phần mình, Tipsarevic nói: “Chúng tôi có lợi thế sân nhà và đương nhiên, sân đất nện cũng không phải mặt sân ưa thích của họ”. Sân đất nện ở Belgrade, còn lợi thế gì hơn?

Không đánh giá thấp đối thủ - không khoan nhượng

Dù được đánh giá có nhiều lợi thế, tuyển Serbia vẫn tỉnh táo trước cuộc đối đầu với người Mỹ. Djokovic - lá bài chiến lược của tuyển Serbia - lên tiếng cho biết: “Ngay cả khi người Mỹ không đến đây với đội hình mạnh nhất, họ cũng không nên bị đánh giá thấp. John Isner là một trong những tay vợt có cú giao bóng lợi hại nhất. Còn Sam Querrey cũng là người có sự di chuyển rất linh hoạt trên sân đấu. Đây sẽ là một trận đấu rất quan trọng. Người Mỹ vẫn rất mạnh, và vẫn rất lợi hại. Chúng ta không nên đánh giá thấp họ, dù là vào lúc này”.

Djokovic tươi cười trong một buổi tập.

Djokovic tươi cười trong một buổi tập.

Nên nhớ, dù cả Isner lẫn Querrey đều có thành tích rất… tồi ở giải đấu sân đất nện gần nhất - giải đấu tại Acapulco, Mexico (thực chất, hai tay vợt này “còn khuya” mới đăng ký tham gia Acapulco nếu không phải chuẩn bị cho Davis Cup, vì họ vốn chơi rất tệ trên mặt sân đất nện và thường ít “léo hánh” đến các giải đấu kém tiếng tăm ở khu vực châu Mỹ Latin) - họ vẫn được xem là lớp kế cận của Roddick và Blake, là những tay vợt trẻ đã có những tiến bộ trong thời gian gần đây. Và nên nhớ, tuyển Mỹ còn có bộ đôi số 1 ATP - anh em nhà Bryan.

Ngoài những trận đánh đơn dự kiến sẽ rất hấp dẫn, trận đánh đôi cũng sẽ chiếm một vị trí rất quan trọng, giúp hình thành nên kết quả cuối cùng. Anh em nhà Bryan sẽ có cơ hội đối mặt với một “đại kình địch”, đó là Nenad Zimonjc. Zimonjic là đối thủ rất khó chịu của anh em nhà Bryan khi đánh cặp với Daniel Nestor. Giờ đây, anh không có Nestor bên cạnh, nhưng cũng có Tipsarevic, một tay vợt rất rành rẽ chuyện đánh đôi. Mike Bryan nói: “Chúng tôi biết trận đánh đôi rất quan trọng, chúng tôi sẽ xem nó như chung kết Grand Slam và cố thắng”.

Các trận đấu khác:

Tây Ban Nha - Thụy Sĩ (sân Plaza de Toros de la Ribera).

Pháp - Đức (sân Palais des Sports).

Nga - Ấn Độ (sân Small Sports Arena “Luzhniki”).

Thụy Điển - Argentina (sân Kungliga Tennishallen).

Bỉ - CH Séc (sân Expodroom Bree). 

ĐỖ HOÀNG


Chilê - Israel: Lịch đấu dời lại một ngày

Vì những rắc rối do trận động đất mạnh 8,5 - 8,8 độ richter ở Chilê mang lại, trận đấu giữa tuyển Chilê với tuyển Israel thuộc khuôn khổ vòng 1 Davis Cup 2010 đã được quyết định dời lại 1 ngày. Đây hẳn là một nỗ lực hết mình của BTC địa phương và của ITF, vì trước đó đã có nhiều thông tin cho rằng nên dời trận đấu này lại một thời gian khác thích hợp hơn để Chilê có thể quay trở lại bình thường!

Fernando Gonzalez muốn giành chiến thắng ở Davis Cup.
Fernando Gonzalez muốn giành chiến thắng ở Davis Cup.

Trận đấu sẽ bắt đầu tiến hành vào ngày thứ Bảy 6-3 (theo giờ địa phương) - thay vì diễn ra vào ngày thứ Sáu 5-3 theo đúng như lịch trình đã được chính ITF xác nhận. Động thái này để ngăn ngừa những sự cố như các tay vợt Israel, các quan chức Davis Cup và trọng tài… không thể đến thành phố Coquimbo đúng giờ vì giao thông đường hàng không ở Chilê vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ động đất.

Như vậy, trận đấu sẽ chính thức khai diễn vào lúc 11 giờ trưa thứ Bảy - với 2 trận đơn đầu tiên. Trong ngày Chủ nhật 7-3, trận đấu sẽ tiếp diễn với trận đánh đôi và đến ngày thứ Hai 8-3, trận đấu sẽ chính thức khép lại - sau 2 trận đánh đơn cuối cùng. Đây là lần hiếm hoi ở Davis Cup, một trận đấu phải kéo dài đến ngày thứ Hai đầu tuần, nhưng do tình trạng bất khả kháng nên BTC đành phải tuân theo.

Gonzalez và nỗ lực hiện diện ở quê nhà

Không như Nicolas Massu, người muốn dời lại lịch đấu Davis Cup ở quê nhà để… có thêm thời gian chuẩn bị, tay vợt số 1 Chilê Fernando Gonzalez tỏ ra là một người “trưởng thành và hiểu chuyện” hơn. Anh đã trải qua một chuyến hành trình khó khăn mới đến được nơi tổ chức thi đấu: anh bay từ Acapulco (nơi anh vừa tham gia thi đấu) đến Miami, từ Miami anh bay đến Lima, đến Tacna, Arica và Iquiqa trước khi bay đến Santiago và bắt xe đi đến Coquimbo. Trên đường đi, hẳn Gonzalez đã thấy rất nhiều chuyện và anh rất muốn góp một phần công sức để dựng xây lại đất nước mình, bằng những việc dễ thấy như huy động tiền từ thiện, đến việc đánh thắng ở Davis Cup.

Gonzalez cho biết: “Tất cả những gì tôi muốn làm là chung tay giúp đỡ. Có thể tôi sẽ không đến Indian Wells để ở lại Chilê đóng góp sức lực của mình. Tôi có một số ý tưởng và tôi đang cố tìm nguồn tài chính hỗ trợ. Tôi muốn gửi một thông điệp hy vọng đến toàn thể Chilê. Những gì đang xảy ra sẽ không giết được sức mạnh của chúng ta. Tôi đã nhận được nhiều tin nhắn chia sẻ từ các đồng nghiệp, trong đó có cả Roger Federer, người rất quan tâm đến tình hình Chilê hiện nay. Tôi hy vọng tất cả chúng ta sẽ cùng vượt qua chuyện này. Và tôi mong một số người dừng ngay hành động cướp bóc lại, có rất nhiều thứ quan trọng hơn để làm ngay vào lúc này. Tất cả chúng ta phải cùng nhau đoàn kết. Tôi muốn giành chiến thắng ở Davis Cup, nhờ đó sẽ mang lại đội chút niềm vui cho đất nước của chúng tôi vì đã gánh chịu quá nhiều thứ”.

Để tưởng nhớ những nạn nhân của vụ động đất tại Chilê, ITF đã yêu cầu  1 phút mặc niệm trước cả 8 trận đấu nhóm hạng thế giới Davis Cup 2010. Chủ tịch ITF Francesco Ricci Bitti cho biết: “Tất cả suy nghĩ và cầu nguyện chúng ta đều dành cho các nạn nhân động đất ở Chilê. Ngài Dwight Davis đã sáng lập Davis Cup để thúc đẩy việc quốc tế tìm hiểu các quốc gia thông qua quần vợt. Tôi hy vọng vòng đấu Davis lần này sẽ giúp thực hiện mục tiêu trên, đồng thời chung tay xây dựng, hàn gắn vết thương của những quốc gia thành viên gặp thảm họa. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến cả 2 đội tuyển Chilê và Israel, vì đã sẵn lòng thi đấu trong hoàn cảnh khó khăn như thế này. Tôi cũng xin tán dương những người có phận sự vì sự cống hiến hết mình của họ để đảm bảo cho trận đấu được diễn ra mà không bị đình hoãn sang lần khác”.

TIỂU PHI

Tin cùng chuyên mục