SEA Games của tình hữu nghị

Ba ngày trước khi Đại hội Thể thao Đông Nam Á khép lại, những nẻo đường dẫn đến nhà thi đấu, sân vận động, khu phức hợp ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) vơi dần bước chân người hâm mộ. Nhưng không vì thế mà SEA Games bớt đi tính hấp dẫn, vì bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, võ thuật vẫn đang khiến xứ sở này cuồng say, đợi chờ…

Cùng tỏa sáng

Những cơn mưa bất chợt, chưa đến mức nặng hạt nhưng rải rác suốt ngày đã giúp thời tiết Phnom Penh mấy ngày qua dễ chịu hơn. Trời đã bớt nóng, và dù còn đọng lại chút oi bức thì ngần ấy lượng nước cũng đủ để làm mát bầu không khí vốn ngột ngạt suốt từ hôm khởi tranh đến giờ (nhiệt độ có khi lên tới 39-40°C).

Ngay chính các vận động viên (VĐV), những người tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp quanh năm suốt tháng, cũng thừa nhận rằng họ giãn cơ mặt phần nào, thay vì luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và mất nước sau khi rời sàn đấu.

Phnom Penh đã dịu mát đôi chút, ở Kampot, Kep hay Siem Reap cũng vậy, khiến lòng người cũng cảm thấy nhẹ nhàng và hứng thú với các cuộc tranh tài nhiều hơn thời điểm đầu. Trời như chiều lòng người, vì đến đoạn cuối của cuộc tranh tài đang thu gọn dần các môn thi đấu, cũng là lúc những cuộc đua quyết liệt, căng thẳng vơi đi, chắc chắn sẽ đưa SEA Games về đích suôn sẻ.

Chủ nhà Campuchia đã làm tất cả những gì có thể để đem đến cho bạn bè Đông Nam Á một ngày hội thể thao thật ý nghĩa, đúng với thông điệp “Thể thao sống trong hòa bình”, tức là thể hiện tinh thần đoàn kết toàn khối ASEAN. Thực tế, Campuchia đã nỗ lực, nhiệt tình và cải thiện từng ngày chất lượng phục vụ, từ đội ngũ tình nguyện viên, cán bộ kỹ thuật đến công tác tổ chức thi đấu, ăn nghỉ, phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh cho các đoàn thể thao.

Nước chủ nhà Campuchia đã nỗ lực đem đến một kỳ đại hội đoàn kết và hữu nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nước chủ nhà Campuchia đã nỗ lực đem đến một kỳ đại hội đoàn kết và hữu nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Có thể, đâu đó xuất hiện tranh cãi, như chuyện ở môn pencak silat, ở môn cầu lông, nhưng tựu trung, trong lần đầu đăng cai, như thế đã rất ngọt ngào đối với Campuchia.

Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt chia sẻ: “Chúng ta phải trân trọng những gì mà nước bạn Campuchia đã và đang làm vì một kỳ đại hội thành công, hòa bình và hữu nghị. Thành công lớn nhất của SEA Games đôi khi không hẳn là chuyên môn, mà là gìn giữ tinh thần thể thao Đông Nam Á đoàn kết, cùng nhau tỏa sáng, cùng nhau làm nổi bật giá trị của văn hóa và con người của quốc gia đăng cai sự kiện này”.

Tại trung tâm báo chí, các đồng nghiệp Malaysia và Singapore cùng nhận định, thể thao Campuchia đang tiến bộ từng ngày. Việc đăng cai một sự kiện lớn như SEA Games sẽ giúp bạn mở rộng hơn nữa tư duy, tầm nhìn và đầu tư cho thể thao đỉnh cao, để sớm theo kịp các cường quốc trong khu vực. Trong khi đó, các tình nguyện viên tự hào: Chúng tôi đã làm được, để SEA Games 32 sống mãi trong lòng các bạn. Cũng chỉ mong đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ đối với bạn bè Đông Nam Á.

Huyền thoại theo cách của Oanh

Chiều 12-5, giữa mênh mông Morodok Techo, cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh đã đổ sụp xuống mặt đường piste vì kiệt sức sau cuộc đua và chiến thắng ở cự ly 10.000m nữ lần đầu tiên ở đấu trường SEA Games. Oanh vừa giành HCV cá nhân thứ 4, trở thành VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên trong lịch sử làm được điều kỳ diệu ấy. Nhưng còn hơn thế, cô đã biến đường đua khô khan trở nên mềm mại, giàu cảm xúc và đáng để xem thực sự.

Cô gái nhỏ nhắn ấy, bằng nghị lực tuyệt vời, với bầu nhiệt huyết không thể đong đếm và mang khí chất kiên cường của người phụ nữ Việt Nam, đã tạo nên một kỳ SEA Games đáng nhớ nhất trong sự nghiệp. Và cho dù điền kinh Việt Nam đã để vuột ngôi dẫn đầu sau 3 kỳ đại hội, thì điều mà giới làm nghề, các đồng nghiệp của cô phải ghi nhận, chính là: Nguyễn Thị Oanh đã chính thức bước vào ngôi đền huyền thoại của điền kinh Việt Nam và Đông Nam Á.

Oanh giành đến 12 HCV qua 4 kỳ đại hội, nhưng nổi bật và được ví như kỳ tích chính là chiến thắng liên tiếp ở các cự ly 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong hơn 20 phút đồng hồ ở Phnom Penh, khiến không chỉ làng điền kinh khu vực phải ngả mũ thán phục trước sức mạnh phi thường của mình, mà còn gây kinh ngạc đối với thế giới, như những gì hãng tin AFP viết: “Một ngôi sao điền kinh của Việt Nam đã xuất sắc giành 2 HCV nội dung chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ. Đó là những phần thi oai hùng, cho thấy sự thống trị của cô ở khu vực Đông Nam Á”.

Đôi khi, giữa một cuộc tranh tài phải tính đến phần trăm, phần ngàn giây như điền kinh, khoảnh khắc vụt sáng của ngôi sao Nguyễn Thị Oanh mới tạo nên nguồn cảm hứng bất tận cho chính các VĐV Việt Nam và cho cả những đồng nghiệp nước ngoài khác nữa. Thể thao, suy cho cùng là tìm kiếm niềm vui, trông chờ những nụ cười. Oanh đã làm được cả hai, xứng đáng được xem như một trong những VĐV vĩ đại của đấu trường SEA Games.

Niềm vui chiến thắng của các VĐV điền kinh Việt Nam

Niềm vui chiến thắng của các VĐV điền kinh Việt Nam

Nếu phải so sánh, SEA Games đơn giản chỉ là một ngày hội thể thao khu vực, nhỏ bé khi đứng cạnh Asiad, Olympic. Nhưng SEA Games, với vai trò và ý nghĩa đặc biệt của nó, lâu nay đã trở thành cầu nối của các nền thể thao với nhau. Ở đó, thể thao chỉ là hình thức, còn nội dung chính là tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó của cộng đồng ASEAN…

SEA Games chỉ tổ chức nhóm môn Olympic và Asiad

Quyết định cuối cùng của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á mới đây khi trao quyền đăng cai SEA Games 33-2025 cho Thái Lan đã xác định chỉ có các nhóm môn thuộc hệ thống thi đấu chính thức của Olympic và Asiad mới được tổ chức. Nước chủ nhà chỉ được ưu tiên chọn 2 môn thể thao thế mạnh của mình (nằm ngoài quy định) để tổ chức kèm theo.

Đây là quyết định mang tính đột phá, bởi lẽ giới chức thể thao khu vực nhận phàn nàn quá nhiều về chất lượng chuyên môn của SEA Games, nhất là ở những môn mang tính đặc thù địa phương ở các quốc gia đăng cai.

Chưa kể, do chưa thực sự tập trung vào nhóm môn trọng điểm, thể thao Đông Nam Á vẫn khá mờ nhạt khi tham dự Asiad hay Olympic. Vì vậy, việc siết chặt quy định tổ chức là cách mà Hội đồng Thể thao khu vực định hướng cho các nền thể thao đào tạo và huấn luyện VĐV chuyên nghiệp, giúp nâng tầm sân chơi SEA Games, hướng đến khả năng tranh chấp huy chương ở Asiad và Olympic.

Theo giới chức thể thao Thái Lan, 3 thành phố được chọn tổ chức SEA Games 33 sẽ là Bangkok, Chonburi và Songkhla và có thể thêm các thành phố vệ tinh trong trường hợp cần thiết.

PHƯƠNG MINH

Tin cùng chuyên mục