Rafael Nadal - Novak Djokovic: Kỳ phùng địch thủ

Chung kết đơn nam Roland Garros 2014

Tính cho đến trận chung kết “siêu kinh điển” sắp sửa diễn ra ở Paris này, Rafael Nadal và Novak Djokovic sẽ gặp nhau tổng cộng… 42 lần, trong đó, Nadal đã thắng 22 lần, Djokovic thắng 19 lần, và lần này thì phải hết ngày hôm nay, kết quả như thế nào chúng ta mới biết.

Kể từ thời Nadal thường xuyên trở thành “đại kình địch” với Roger Federer cho đến nay - với 33 lần giáp mặt, Nadal thắng 23 lần, Federer chỉ thắng 10 lần - đây mới là lần đầu tiên giới mộ điệu quần vợt thế giới được chứng kiến một cặp đôi “kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài” ngang cơ nhau đến như vậy. 42 lần, đó là con số chạm mặt kỷ lục giữa 2 tay vợt bất kỳ ở ATP World Tour, và ở đó, Nole đang có dấu hiệu cho thấy mình sẽ sớm san bằng cách biệt nhỏ nhoi giữa 2 bên…

Djokovic đã đánh bại Ernest Gulbis sau 4 ván đấu ở bán kết; trong khi đó, Nadal thậm chí còn “hủy diệt” Andy Murray sau vỏn vẹn 3 ván đấu trong trận bán kết còn lại. Nadal đang có một phong độ cực cao? Thực ra cũng… không phải là như vậy. Thất bại chóng vánh của Murray vốn là điều giới chuyên môn đã dự báo trước, bởi vì tay vợt người Scotland thường chơi rất kém cỏi trên mặt sân đất nện. Trong khi đó, đồng ý là Nadal đã sa sút phong độ trong thời gian gần đây, nhưng ngay ở vào thời điểm này, trên mặt sân đất nện sử dụng thể thức thi đấu 5 trận thắng 3, Nadal vẫn chỉ e ngại mỗi mình Djokovic. “Cầu được ước thấy”, anh sẽ chạm mặt “khắc tinh” của cuộc đời trong một trận chung kết hứa hẹn khá hấp dẫn, đó chính là trận đấu mà Nole đang săn “cú ăn 3”.

Rafael Nadal và Novak Djokovic.

Rafael Nadal và Novak Djokovic.

Nole đã thắng Nadal trong 4 trận liên tiếp gần đây - cả 4 trận đấu đó đều là các trận đấu chung kết. Tính từ năm 2011 cho đến nay, thời điểm mà Nole thực sự chuyển mình và trở thành một tay vợt lớn thật sự, Djokovic đã thắng 11 trận và để thua 7 trận (trong 16 trận chung kết và 2 trận bán kết). Đó là một sự tiến bộ vượt bậc nếu nhìn lại quá trình thua nhiều hơn thắng của Nole trước Nadal trong thời gian từ 2011 trở về trước. Hiện tại, chỉ có mỗi mình Djokovic dám thách thức Nadal trên tất cả các loại mặt sân, không cần biết đó có phải là thánh địa của tay vợt người Tây Ban Nha hay không, và cựu số 1 thế giới người Serbia đã sẵn sàng thách thức đối thủ thêm một lần nữa, để hoán chuyển “vương triều thống trị” và lần này, có thể sẽ khiến Nadal “suy tàn”.

Trò chơi cân não

Đòn tấn công ưa thích của Nadal: Nadal có khuynh hướng đánh bóng về phần sân bên trái của đối thủ hòng tận dụng các cú thuận tay sở trường để “ép ve” đối phương. Tuy nhiên, đó chỉ là một “hư chiêu”, ngay khi mồi cho đối phương trả bóng về phía phần sân bên phải của mình vì đó là lúc đối thủ nghĩ rằng sẽ trả bóng lại phía trái tay của Nadal để trả đũa, ngay trước đó, Nadal đã di chuyển hẳn sang phía bên phải để biến đường ép trái của đối thủ trở thành một đường bóng thuận tay như tên lửa của mình. Thuận tay sẽ là thứ vũ khí chủ đạo của Nadal dù Djokovic không nên coi thường những cú trái tay của anh.

Đòn tấn công ưa thích của Nole: Chấp nhận lùi sâu về cuối đường biên sân nhà, Nole có thể kiểm soát cả chiều rộng mặt sân và đưa ra những đòn đánh hợp lý, khi thi trái tay chéo sân, khi thì “ngắt” bóng ngắn gây khó chịu cho đối thủ. Những cú trái tay có biên độ rộng của Nole chính là miếng phản đòn khi Nadal mồi cho đối thủ rơi vào bẫy thuận tay của mình, qua đó, một cú trái tay dọc biên của Nole có thể biến pha di chuyển ngang sang phải của Nadal trở thành vô ích vì anh vẫn phải đánh trái tay trong một góc đánh khó như vậy. Trái tay sẽ là vũ khí sở trường của Nole và nên nhớ, những cú trái tay trả giao bóng của anh đang là số 1 thế giới.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục