Nở rộ trào lưu tập luyện quyền Anh

Quyền Anh: Tự tin bước lên chuyên nghiệp

Với chân đế vững chắc từ phong trào tập luyện, bộ môn quyền Anh của TPHCM hứa hẹn sẽ có thêm nhiều võ sĩ xuất sắc, vô địch châu Á, thậm chí vô địch thế giới. 

Quyền Anh chuyên nghiệp khác với nghiệp dư bởi yếu tố thương mại, vì mỗi trận đấu sẽ đi kèm các hợp đồng tài trợ lớn, nơi khán giả phải bỏ tiền mua lượt xem, nơi mỗi tay đấm có thể kiếm cả trăm triệu đồng chỉ sau một cú ra đòn…

Cú hích Trần Văn Thảo

Trần Văn Thảo chưa từng vô địch đấu trường SEA Games, nhưng anh chính là gương mặt tiên phong làm rạng danh quyền Anh chuyên nghiệp tại TPHCM. Còn nhớ, vào ngày 23-11-2017, Thảo đã hạ knock-out võ sĩ George Lumoly (Indonesia) để chính thức đoạt đai vô địch WBC châu Á hạng siêu ruồi (từ 51-52kg). Anh trở thành võ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Quyền Anh đã đem về các khoản thu nhập cao cho nhà vô địch WBA châu Á Trần Văn Thảo. Ảnh: P.NGUYỄN
Vinh quang đó là quả ngọt cho suốt 9 năm tập quyền Anh của tay đấm sinh năm 1992 này. Sau Trần Văn Thảo, quyền Anh Việt Nam có thêm võ sĩ chuyên nghiệp xuất sắc khác, nhà vô địch Trương Đình Hoàng.


Đình Hoàng đoạt đai vô địch WBA vùng Đông Á hồi năm ngoái, rồi mới đoạt thêm đai WBA châu Á hạng siêu trung (dưới 81kg). Tay đấm người Đắk Lắk chọn TPHCM làm nơi tập luyện thường xuyên mỗi lần thượng đài bởi các phòng tập có cơ sở vật chất hiện đại, HLV đẳng cấp.

Theo ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Quyền Anh TPHCM, hiện có chừng 10 võ sĩ chuyên nghiệp đang tập luyện tại đây. Con số này rất đáng khích lệ trong bối cảnh liên đoàn mới ra đời chưa đầy 3 năm, với nhiệm vụ kết nối các lò, liên kết các đối tác để tổ chức giải đấu quốc tế. Kim Sang-bum, ông bầu của “lò” Cocky Buffalo, khẳng định: “Tài năng của các tay đấm Việt Nam không thua bất cứ quốc gia nào”. Cũng vì nhận ra tiềm năng của quyền Anh chuyên nghiệp Việt Nam, ông Kim đã dốc hết vốn liếng, từ Hàn Quốc qua mở trung tâm đào tạo quyền Anh chuyên nghiệp. Hỗ trợ cho ông lúc này là các HLV Uzbekistan, Philippines. Ông tin rằng, việc các võ sĩ Việt Nam được chỉ dẫn, đối kháng cùng nhiều phong cách khác nhau sẽ giúp họ nhanh chóng trưởng thành, tự tin để lên thượng đài tranh đai vô địch thời gian tới.

Cùng chung nhận định, võ sĩ Trần Văn Thảo nhấn mạnh, quyền Anh chuyên nghiệp tại TPHCM có tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, số lượng võ sĩ giỏi, đủ sức để tranh đai vô địch còn ít. Để có thể thành công, ngoài tài năng, một võ sĩ còn phải chịu khó khổ luyện, nhẫn nại, xây dựng chiến lược đúng đắn. Chưa kể là cần cải thiện các yếu tố hỗ trợ về dinh dưỡng, khoa học thể thao - vốn là điểm yếu chung của nhiều môn tại Việt Nam, không chỉ quyền Anh.

Cơ hội và thách thức

Ngày 29-2 tới, 4 võ sĩ của TPHCM sẽ tham dự sự kiện WBO châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài Trần Văn Thảo, 3 người còn lại thuộc lò của bầu Kim. Trong đó, trận đấu giữa Nguyễn Thị Thu Nhi và Kanyarat (Thái Lan) dự kiến diễn ra 10 hiệp. Nếu thắng, Thu Nhi có cơ hội tranh đai vô địch thế giới tại Hàn Quốc. Với Trần Văn Thảo, sau trận đấu với Aries (Philippines), anh còn dự kiến thượng đài thêm 5 trận khác trong năm nay. Trong đó, anh bật mí sẽ có trận tỉ thí rất lớn để tranh đai vô địch bên ngoài Việt Nam. 

Với quyền Anh chuyên nghiệp, mỗi trận đấu, ngoài chuyện tranh đai, tích điểm để tăng hạng, là cơ hội kiếm tiền lớn cho võ sĩ. Năm ngoái, Trần Văn Thảo từng nhận số tiền tài trợ hơn 450 triệu đồng cho một nhãn hàng và chỉ xuất hiện trong một trận đấu. Con số này dĩ nhiên không thể so sánh với võ sĩ thành danh trên thế giới. Chẳng  hạn như “Độc cô cầu bại” Floyd Mayweather, người kiếm được đến 915 triệu USD trong 10 năm qua, chỉ sau 10 lần thượng đài  (theo thống kê của Forbes). Trong 10 trận đó, Mayweather đều thắng. Tính ra, mỗi cú đấm mang về cho anh hơn 11 tỷ đồng. Võ sĩ Việt Nam dĩ nhiên chưa bao giờ đạt đến điều này, nhưng việc thu được hàng trăm triệu đồng tiền thưởng qua từng trận đấu là nằm trong khả năng. Ví dụ, năm 2018, võ sĩ Thu Nhi từng ẵm 400 triệu đồng tiền thưởng khi vượt qua tay đấm người Australia là Gretchen Ababiel. 

Với sự kết nối từ Liên đoàn Quyền Anh TPHCM, sự chủ động từ các lò đào tạo, cơ hội dự các giải châu lục, thế giới sẽ đến rất nhiều cho các VĐV. Việc có thành tích sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong việc tạo ra thu nhập cao cho mình. Hơn nữa, tuổi thọ nghề nghiệp của võ sĩ quyền Anh khá cao. Một võ sĩ ở độ tuổi ngoài 40 vẫn có thể thi đấu đỉnh cao nếu bản thân có ý thức tốt trong sinh hoạt, tập luyện. 

Theo ông Nguyễn Đức An Sơn, ngoài tiềm năng lớn, quyền Anh TPHCM vẫn còn nhiều thách thức, từ việc chuẩn hóa quy trình huấn luyện cho các lò, công tác truyền thông còn ít, mức độ đầu tư chưa nhiều… Những điều đó, còn phải cần thêm thời gian để sửa đổi, hoàn thiện. Ông Kim Sang-bum không nghi ngờ khả năng vô địch thế giới của các võ sĩ Việt Nam. Nhưng ông luôn nhấn mạnh đến sự thành kiến từ một bộ phận dư luận cho rằng boxing quá bạo lực. Đó còn là yếu tố đạo đức, tinh thần từ các VĐV - yếu tố số 1 mà ông chọn người để đưa về đào tạo. 

________________

Khơi dậy đam mê

Ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), TDH Club giờ trở nên nổi tiếng và thu hút nhiều bạn trẻ, sinh viên và người theo tập quyền Anh còn hơn thời điểm mới mở. Tất cả nhờ vào 2 chiến tích ấn tượng mà “ông chủ” phòng tập, nhà vô địch WBA Đông Á và WBA châu Á hạng siêu trung Trương Đình Hoàng gặt hái trong năm 2019 và đầu năm 2020.  Chọn TPHCM là nơi tập huấn, vì ở đó có đội ngũ chuyên gia giỏi, trang thiết bị hiện đại và đầy đủ mọi điều kiện cần thiết về dinh dưỡng, nên Đình Hoàng giao lại quyền quản lý cho nội tướng của anh, cựu nữ hoàng cự ly trung bình Đỗ Thị Thảo. “Đông vui và nhộn nhịp, phòng tập luôn đón người đam mê quyền Anh đến học. Bản thân tôi cũng tập, dù công việc quản lý và chăm sóc con cái không nhàn chút nào. Tập để tăng cường sức khỏe và tập để hiểu hơn môn quyền Anh, để biết cách tiếp thị khi khách cần tìm hiểu và quan trọng hơn là tôi muốn hiểu hơn vì sao chồng mình lại đam mê quyền Anh đến như thế”, chị Thảo bày tỏ. Điều khiến vợ chồng Đình Hoàng hạnh phúc nhất chính là ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ đến rèn luyện sức khỏe, thực sự tạo nên trào lưu sôi nổi và đầy tinh thần thể thao ở thủ phủ của vùng đất Tây Nguyên này…
Quyền Anh: Tự tin bước lên chuyên nghiệp ảnh 2 Phòng tập quyền Anh TDH của võ sĩ Trương Đình Hoàng ở Đắk Lắk được bà xã Đỗ Thị Thảo quản lý.  Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ở TPHCM, hầu hết người mê quyền Anh đều hiểu rõ sự ra đời của B7 Boxing Club (quận Tân Bình, TPHCM), nơi quy tụ nhiều “cao thủ” của làng võ thuật Việt Nam, như “nữ hoàng quyền Anh” Lê Thị Bằng, nhà vô địch Muay Thái Nguyễn Thị Thanh Trúc, võ sĩ triển vọng Lê Văn Hiển… Anh Bùi Cao Nhân, chủ phòng tập (đồng thời là Trưởng bộ môn quyền Anh của Trung tâm TDTT Tân Bình), cho biết, anh và đồng nghiệp từng tập và thi đấu trong cộng đồng võ phủi lâu năm, từ đó gắn kết người đam mê võ thuật nói chung và quyền Anh nói riêng, kể cả những Việt kiều đang làm ăn và sinh sống ở nước ngoài.
“Lò” quyền Anh này không chỉ tiếp đón và tạo điều kiện cho võ sĩ, VĐV chuyên nghiệp tập luyện, mà còn đón chào bạn trẻ tới rèn luyện sức khỏe. Thậm chí, B7 boxing Club còn giúp nhiều học sinh và sinh viên nghèo tập miễn phí, chưa kể xin việc làm cho những thành viên khó khăn trong cuộc sống… 
____________________

Võ thuật tổng hợp được thừa nhận

Bộ VH-TT-DL vừa quyết định cấp phép thành lập Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (tên viết tắt là VMMA), có nghĩa chính thức “mở cửa” cho phong trào tập và thi đấu chuyên nghiệp môn này phát triển mạnh, có tính định hướng chứ không còn khó kiểm soát như trước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ Thể thao quần chúng của Tổng cục TDTT, việc thành lập VMMA phù hợp với xu thế phát triển chung của môn võ tổng hợp trên thế giới. Tại Việt Nam, phong trào phát triển môn võ này rất rầm rộ nhưng mới chỉ mang tính tự phát và không được phép tổ chức thi đấu, vì không thể kiểm soát được, thậm chí đã bị biến tướng thành môn võ đầy bạo lực, gây phản cảm trong xã hội. VMMA ra đời sẽ giúp ngành thể thao kiểm soát và giúp môn võ thuật tổng hợp trở lại đúng giá trị thật, vì các tổ chức và đối tượng tham gia sẽ phải tuân thủ các bộ luật và quy chế hoạt động để có thể hình thành những giải MMA của riêng Việt Nam, kể cả là việc đăng cai giải đấu quốc tế như ONE Championship ở TPHCM hay Hà Nội, Đà Nẵng…
Tất nhiên, theo nhà quản lý, VMMA có trách nhiệm hướng môn võ hấp dẫn này phát triển phù hợp với văn hóa Việt Nam. Các cuộc tranh tài phải được kiểm soát chặt và tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều lệ của giải. Trên thực tế, MMA phát triển trên thế giới và từ lâu đã trở thành một phần của mảng kinh tế thể thao hợp pháp vì lợi nhuận mà môn võ này đem lại rất lớn, không chỉ góp phần phát triển phong trào, mà còn tạo nguồn thu để tái đầu tư cho lĩnh vực thể thao thành tích cao, đào tạo VĐV chuyên nghiệp.

Tin cùng chuyên mục