Phòng ngừa, điều trị bệnh trĩ

Dấu hiệu và triệu chứng

Bệnh trĩ rất phổ biến, nguy cơ cao ở những người độ tuổi trên 50. Khoảng một nửa số người lớn bị ngứa, rát, xuất huyết và đau thường báo hiệu bị bệnh trĩ. May mắn là có các thuốc và thủ thuật hiệu quả để điều trị bệnh trĩ.

Dấu hiệu và triệu chứng

Nếu là trĩ nội, bạn không thể nhìn hoặc sờ thấy, nhưng đau hoặc kích ứng khi đại tiện có thể gây tổn thương bề mặt mỏng manh của búi trĩ và chảy máu. Bạn có thể thấy một chút máu tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Vì niêm mạc phía trong thiếu các sợi thần kinh cảm giác đau, loại trĩ này thường không gây khó chịu. Tuy nhiên, bạn có thể có cảm giác đầy trực tràng sau khi đại tiện. Đôi khi, sự biến dạng có thể đẩy trĩ nội qua lỗ hậu môn. Nếu trĩ vẫn bị sa xuống, nó có thể gây đau liên tục, âm ỉ. Khi bị kích thích, nó có thể ngứa hoặc chảy máu. Trong khi đó, trĩ ngoại thường gây đau. Đôi khi có thể chảy máu nhiều trong trĩ ngoại và tạo thành cục máu đông (huyết khối), gây đau dữ dội và viêm. Khi bị kích thích, trĩ ngoại có thể ngứa hoặc chảy máu.

Nguyên nhân

Bệnh trĩ có thể do tăng áp lực tĩnh mạch phần dưới trực tràng. Nguồn gây áp lực phổ biến gồm: Táo bón và kèm theo biến dạng bên ngoài; Tiêu chảy và đột ngột đại tiện phân lỏng; Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài; Béo phì; Mang vác nặng; Mang thai và sinh con.

Phân loại

Bệnh có các cấp độ gồm: Trĩ nội độ 1, 2, 3, 4; trĩ ngoại; trĩ hỗn hợp gồm trĩ nội và trĩ ngoại; trĩ biến chứng tắc mạch, xuất huyết, sa nghẹt. Cấp độ 1: Giai đoạn hình thành trĩ, mới có hiện tượng chảy máu - đây chính là triệu chứng của bệnh. Cấp độ 2: Xuất hiện hiện tượng búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu nhưng tự lên được. Cấp độ 3: Búi trĩ vẫn sa ra ngoài khi đại tiện, song không thể trở lại được mà cần tới lực đẩy mới lên được. Cấp độ 4: Hiện tượng búi trĩ sa ra ngoài thường xuyên và có thể bị thắt lại dẫn tới hoại tử.

Điều trị

Nếu bệnh trĩ chỉ gây khó chịu nhẹ, bác sĩ có thể cho dùng kem, mỡ hoặc đệm không cần đơn chứa cây phỉ hoặc thuốc chống viêm tại chỗ chứa hydrocortison. Liệu pháp tại chỗ này, kết hợp với tắm nước ấm hàng ngày, có thể làm giảm triệu chứng. Nếu huyết khối hình thành trong trĩ ngoại, bác sĩ có thể dễ dàng cắt bỏ huyết khối bằng một đường rạch nhỏ, sẽ giảm đau nhanh chóng.

Đối với trĩ gây đau hoặc kéo dài, bác sĩ có thể khuyên:

* Thắt búi trĩ, đơn giản, ít đau, được thực hiện ở phòng khám, bệnh viện và có hiệu quả với phần lớn mọi người.

* Liệu pháp xơ hóa. Nghĩa là tiêm một dung dịch hóa chất quanh mạch máu để co nhỏ búi trĩ.

* Chiếu tia hồng ngoại 1-2 giây có thể làm ngừng tuần hoàn tới trĩ ngoại. Bạn có thể thấy nóng khi làm thủ thuật và xuất huyết nhẹ trong vài ngày.

* Liệu pháp laser sẽ làm bay hơi mô búi trĩ.

* Đông lạnh làm lạnh mô tổn thương, ngừng tuần hoàn và phá hủy mô búi trĩ.

* Dòng điện sẽ làm co búi trĩ trong thủ thuật tương tự như quang đông hồng ngoại.

* Nếu các thủ thuật trên không thành công hoặc nếu bạn có búi trĩ lớn, bác sĩ có thể cắt bỏ mô. Vùng mô cắt bỏ rộng hơn, ít có khả năng tái phát nhưng khó chịu nhiều hơn.

Phòng ngừa

Bạn cần ăn thực phẩm nhiều chất xơ. Ăn nhiều hoa quả, rau và ngũ cốc. Uống nhiều nước. Nếu bạn dùng chế phẩm bổ sung chất xơ, phải đảm bảo uống ít nhất 8-10 ly nước hoặc dịch khác mỗi ngày. Bạn cần tập luyện làm giảm lực ép lên tĩnh mạch, có thể xuất hiện khi đứng hoặc ngồi lâu, và giúp ngăn ngừa táo bón. Tránh đứng hoặc ngồi lâu. Không nên căng thẳng. Không nên nhịn khi muốn đại tiện.

Phòng ngừa, điều trị bệnh trĩ ảnh 1

Nên ăn nhiều thực phẩm chất xơ và uống nhiều nước đề phòng bệnh trĩ.

Ths.BS CAO HÙNG PHÚ
(Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn - TMMC Healthcare
http://www.tmmchealthcare.com)

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Thể thao - Văn hóa quốc tế

TPHCM tổ chức giải bóng đá nghệ thuật

Giải bóng đá nghệ thuật châu Á-Thái Bình Dương 2018 (Asia-Pacific free style football Championship) sẽ diễn ra tại tòa nhà FCentral (16A Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, TPHCM) trong hai ngày 13 và 14-12. Giải sẽ có sự tham dự của rất nhiều cao thủ từ nước chủ nhà Việt Nam.