Nữ võ sĩ Jiu-Jitsu Lucky Hoàng: Võ thuật giúp tôi cân bằng cuộc sống

Chơi thể thao từ bé, hết theo đuổi thể dục dụng cụ đến tập Gym, Yoga, giờ thì “ngấm đòn” Jiu-Jitsu, nữ võ sĩ Lucky Hoàng (tên thật là Hoàng Thị Thu Thương) chưa từng bỏ sàn tập suốt 18 năm qua. Thừa nhận mình nghiện thể thao, giống như cây cần phải có khí trời và nước thì mới sống nổi, cô gái hoạt bát và khỏe khắn ấy cho rằng đấy chính là cách tốt nhất giúp cô cân bằng cuộc sống…

Nhà vô địch Thu Thương (Lucky Hoàng) thi đấu tại giải VĐQG 2019. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nhà vô địch Thu Thương (Lucky Hoàng) thi đấu tại giải VĐQG 2019. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thể thao là “nguồn sống”

Gọi là Lucky Hoàng hay Thương đều được, vì nữ doanh nhân này bảo cái tên không quan trọng bằng cách giao tiếp, cách chuyện trò thâm giao. Sự mau mắn, dứt khoát trong hành động, linh hoạt và đầy vẻ trẻ trung trong lời nói, nếu đối với người mới lần đầu gặp Thương, chỉ nghĩ cô thuộc tuýp người của công việc, là một doanh nhân thành đạt chứ không phải ẩn sau cái vẻ ấy là một nữ võ sĩ thượng thặng của làng Jiu-Jitsu Việt Nam.

Thương đang là CEO của một công ty tổ chức các sự kiện thể thao vừa mang tính cộng đồng, vừa giàu chất chuyên nghiệp tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. “Nhà tôi chẳng ai theo tập thể thao chuyên nghiệp, trừ tôi. Nói thật, tôi mê thể thao hơn nhiều thứ khác. Có lẽ, đấy là lý do khiến tôi tập hết môn này đến môn khác, từ thể dục dụng cụ, đến yoga, Gym và giờ là Jiu-Jitsu. Ăn có thể nhịn cả ngày được, chứ tập thể thao thì tôi không bỏ nổi, vì nó giống như không thể tách rời khỏi suy nghĩ của tôi được”, Thương tâm sự.

Tập luyện thể thao là sở thích của Thu Thương.

Vậy sao Thương không tập tiếp yoga, Gym mà theo đuổi môn võ đầy chất chiến đấu và có thể gây chết người như Jiu-Jitsu? “Không hẳn thế. Cũng thuộc dòng nhu thuật như Judo, nhưng Jiu-Jitsu nếu khổ luyện sẽ trở thành một người bạn, một động lực thúc đẩy mình vươn lên, kiên trì hơn trong cuộc sống. Môn võ ấy dạy cho tôi cách trầm tĩnh như một chú trăn, lướt đi thật nhẹ nhàng, êm ái và chờ cơ hội tung ra đòn đánh quyết định để hạ gục đối thủ. Jiu-Jitsu biến tôi thành một con người khác, từ nóng nảy trở thành một người sâu sắc, chắc chắn và kiên cường hơn trong công việc. Đối với một người làm kinh doanh, đấy là điều quá cần thiết”, Thương thẳng thắn nói.

Thương bất ngờ được chọn tham dự SEA Games 30 ở Philippines.
Vô tình thành… tuyển thủ quốc gia

Làm việc tại TPHCM, tập thể thao ở Quận 7, sở hữu cả chuỗi nhà hàng ăn uống khắp quận 3, quận 1, nhưng Thương lại chọn đầu quân cho đội tuyển Jiu-Jitsu… Bình Dương (!?). Thắc mắc này được cô nàng hoạt bát lý giải ngay: “Thật ra, cũng có nhiều nơi đề nghị tôi về thi đấu, kể cả TPHCM, Quân đội… Nhưng tôi chọn Bình Dương vì ở đấy có những người bạn chơi cùng nhóm, tập trung môn võ và có tính cách vui nhộn giống nhau. Đôi khi, bạn chọn một nơi để đến chỉ vì bạn cảm mến và thấy nó thú vị là đủ thôi mà. Tôi là người như vậy”.

Yoga đã giúp Thu Thương tiếp cận với Jiu-Jitsu rất nhanh.

Tập môn võ có xuất xứ từ Brazil chừng 2 năm, nhưng Thương cứ như thể đã tôi luyện Jiu-Jitsu cả chục năm rồi. Tố chất thể thao cộng với sự siêng năng tập luyện, bước vào sàn tập là cháy hết mình cho đến khi mệt rã rời mới chịu dừng lại… chính là những điểm mạnh giúp Thương làm quen nhanh và nhuần nhuyễn Jiu-Jitsu chỉ sau thời gian ngắn.

“Có lẽ, độ dẻo của cơ thể nhờ tập thể dục dụng cụ, Yoga và khao khát tập thể thao đã giúp tôi tiếp cận Jiu-Jitsu rất nhanh, không thấy bất cứ trở ngại nào hết. Tôi cứ tập hàng ngày cùng CLB, ai rủ đi thi đấu thì đi, hết giải CLB toàn quốc rồi đến Giải Vô địch quốc gia, rồi sang cả Thái Lan để thi đấu giải quốc tế mở rộng. Có lẽ do tôi thắng nhiều đối thủ mạnh, thậm chí thắng cả những võ sĩ nặng hơn mình rất nhiều, nên bất ngờ được chọn vào Đội tuyển quốc gia để tham dự SEA Games 30", Thương cho hay.

Với Thu Thương, Jiu-Jitsu đã giúp cô có thêm nhiều người bạn, đồng đội cùng đam mê võ thuật.

Chính cô gái xứ Thanh cũng không thể hình dung được rằng vào một ngày đẹp trời, cô bất ngờ trở thành một tuyển thủ quốc gia: “Tôi thậm chí chưa sẵn sàng tâm lý đón nhận điều này. Chỉ nghĩ rằng tập luyện Jiu-Jitsu để khỏe mạnh, giúp làm việc hiệu quả hơn và quan trọng là có thể tự bảo vệ được bản thân. Nhưng khi thể thao Việt Nam cần, tôi sao có thể chối từ. Đấy chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời của tôi”.

Những ngày này, Thương đang nỗ lực ép cân để kịp bước vào cuộc tranh tài trên đất Philippines. Cô thi đấu ở hạng cân 57kg nữ, nơi quy tụ khá nhiều võ sĩ giỏi đến từ Thái Lan, Singapore… Nhưng với bản tính không bao giờ lùi bước trước khó khăn, Thương lạc quan: “Tôi sẽ đến SEA Games để chiến thắng theo cách của mình, cách của một võ sĩ Việt Nam”…

Khác những môn võ sử dụng các chiêu thức liên quan tới quyền và cước, Jiu-Jitsu không đòi hỏi tốc độ ra đòn mà là tư duy trong chiến đấu. Võ sĩ Jiu-Jitsu luôn biết cách tận dụng sơ hở của đối phương để chiếm lợi thế và tấn công vào sau lưng hiệu quả nhất.

Bốn tư thế kiểm soát của Jiu-Jitsu gồm: đè người từ phía bên cạnh, kiểm soát hoàn toàn khi đè trước mặt, đè từ sau lưng và phòng vệ bằng cách kẹp chân vào hông đối phương. Hai phương pháp tấn công bao gồm: khóa một bộ phận cơ thể của đối thủ và siết cổ làm nghẹt thở. Khi bị siết cổ, các võ sĩ hoàn toàn bất lực dưới mặt đất. Cú đá không còn sử dụng được, cú đấm ở tư thế nằm dưới không có lực hông tiếp sức trở nên yếu ớt và nhanh chóng bị các võ sĩ “đè” kết thúc bằng những đòn khóa siết.

Các chiêu thức của các võ sĩ Jiu-Jitsu đều là các đòn khóa siết lợi hại, tấn công thẳng vào các khớp xương hoặc động mạch lớn là những điểm yếu mà không cần tập trung quá nhiều sức lực để phá hủy, điều đó đảm bảo một võ sĩ có thể lực yếu hơn vẫn có thể đánh bại được đối thủ có thể hình to lớn và mạnh mẽ hơn mình.

Tin cùng chuyên mục