Điểm du lịch nổi tiếng Tuần Châu - Hạ Long (Quảng Ninh) sáng 15-5 chứng kiến thời khắc Phạm Tiến Sản trở thành vận động viên (VĐV) đầu tiên của thể thao Việt Nam giành tấm huy chương (HC) vàng SEA Games lịch sử nội dung 2 môn phối hợp (Duathlon). Nhưng trước khi bước vào “ngôi đền huyền thoại” của bộ môn vẫn còn “kén” người chơi tại Việt Nam, nam VĐV người Bắc Giang đã vượt qua tháng ngày đầy chông gai, có những thất bại “khó nuốt” tưởng chừng sẽ không bao giờ vượt qua...
Hòa cùng tiếng hò reo của người hâm mộ đứng bên vệ đường, Phạm Tiến Sản băng băng về đích đầu tiên trong niềm vui sướng tột cùng. Từng đại diện điền kinh Việt Nam tranh tài và 3 lần đoạt HC bạc SEA Games (2013, 2015 và 2017) nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật, giờ Sản đã cầm trên tâm tấm “vàng mười” danh giá - vốn lảng tránh nam VĐV suốt bao nhiêu năm theo nghiệp thể thao đỉnh cao.
Đứng cao nhất trên bục vinh quang, Tiến Sản muốn được dành tặng tấm HC vàng SEA Games 31 cho người hâm mộ. Nhưng trong thâm tâm, người mà Sản muốn chia sẻ niềm vui nhất chính là gia đình. Trong tổ ấm nhỏ đó có người vợ cùng cậu quý tử sớm có mặt ở Tuần Châu, cổ vũ nam VĐV chinh phục thành công cung đường 15km chạy bộ và 40km đạp xe. “Tôi đặt tên cậu con trai là Gold, tức Vàng. Tôi chưa bao giờ giành được HC vàng SEA Games, chỉ mới 3 lần giành bạc. Vì thế, tôi muốn đặt tên con như vậy để làm động lực phấn đấu. Cuối cùng đã có vàng SEA Games thật!”, Tiến Sản chia sẻ với SGGPO.
Phạm Tiến Sản băng băng về đích trong tiếng hò reo của người hâm mộ Quảng Ninh. ẢNH: KHOA TRẦN
Không chấp nhận danh xưng “vua về nhì”, chia tay đội tuyển điền kinh Việt Nam sau SEA Games 2017, Tiến Sản vẫn tiếp tục theo nghiệp thể thao đỉnh cao để có hy vọng đổi màu huy chương. Trở về quê nhà Bắc Giang, nam VĐV duy trì nền tảng thể lực thông qua những bước chạy từ trong sân vận động ra đến đường làng, và cả đạp xe đạp đường dài vừa rèn sức khỏe, vừa ngắm cảnh quê. Đặc biệt khi tỉnh Bắc Giang thực hiện việc giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, thử thách trong tập luyện với Tiến Sản còn khó hơn vạn lần. Nhất là khi anh đã chuyển hướng theo Duathlon - bộ môn đòi hỏi rất nhiều thể lực và sự dẻo dai.
Phạm Tiến Sản cùng cậu con trai tên Gold (Vàng). ẢNH: KHOA TRẦN
“Việc giãn cách đã được thực hiện giữa làng với làng, thôn với thôn nên nhìn chung đi lại là khó khăn. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng đảm bảo khối lượng tập luyện hàng ngày bằng cách chạy và đạp xe quanh làng. Do tự tập nên tôi không có nhiều dụng cụ tập bổ trợ. Tôi hàng ngày tự bổ trợ bằng 3 tiếng rèn thể lực, giữ múi cơ qua các bài bật tại chỗ, chạy bộ. Bình thường tôi chạy mỗi sáng từ 18 tới 20km, sau đó tới bài đạp xe cùng quãng đường trên. Từng thời điểm, khối lượng của tôi thay đổi cho phù hợp”, Tiến Sản nói về khó khăn trong việc chuẩn bị cho SEA Games 31.
“Ngoan ngoãn chịu khó, kiên trì và tuân thủ tuyệt đối các bài tập mà HLV giao cho trong tập luyện” - là những chia sẻ của cựu HLV Nguyễn Văn Hùng - người thầy đầu tiên của Phạm Tiến Sản - nhận xét về cậu học trò chập chững bước vào Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu tỉnh Bắc Giang.
Trải qua bao tháng ngày “ngọt bùi đắng cay” trong khổ luyện, nước ngược nước mắt sau những thất bại, chiến thắng của Tiến Sản ở SEA Games 31 đã trở thành tấm gương, động lực để các VĐV khác noi theo và cố gắng với nghề.
Không chỉ giành thành tích cao ở môn điền kinh và Duathlon từ đấu trường trong và quốc tế, Phạm Tiến Sản là một trong những chân chạy đầy tích cực hưởng ứng phong trào, chương trình vì cộng đồng. Nam VĐV sinh năm 1991 thường xuyên xuất hiện, đồng hành với các giải chạy để gây quỹ hỗ trợ cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên đất nước.