Ngoài ra, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cũng tạo cơ hội cho 3 nữ trợ lý Neuza Back (Brazil), Karen Diaz Medina (Mexico) và Kathryn Nesbitt (Mỹ) được tham gia điều hành ngày hội bóng đá nam lớn nhất hành tinh. Họ đi vào lịch sử bóng đá thế giới khi trở thành những nữ trọng tài, trợ lý đầu tiên điều hành các trận đấu ở World Cup nam.
Làm nhiệm vụ ở quốc gia có những quy định khắt khe với phụ nữ
Tất nhiên, để nằm trong danh sách 133 trọng tài và trợ lý làm nhiệm vụ ở World Cup 2022 là cả quá trình phấn đấu đầy gian truân của các “hoàng hậu áo đen”. Nhìn rộng ra, ở một sự kiện nhận được sự quan tâm rất lớn từ cánh truyền thông và có hàng tỷ người theo dõi, đó cũng là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để FIFA tuyên truyền bình đẳng giới trong thể thao. Một yếu tố quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu.
Thể thao thế giới đã có nhiều cố gắng để thu hẹp khoảng cách, nhưng vẫn có độ vênh rất lớn về sự quan tâm giữa các nam và nữ vận động viên. Với bóng đá càng dễ nhìn rõ hơn. Càng đáng nói, Qatar - nước chủ nhà World Cup 2022 lại bị chỉ trích vì cách đối xử với phụ nữ và các thành viên của cộng đồng LGBT. Trên khán đài ở Qatar sắp tới khó tránh những tiếng la ó nếu Kamashita cùng 5 nữ đồng nghiệp khác bắt không theo ý muốn của đội tuyển mình ủng hộ.
Đối diện với những áp lực đi kèm, nhưng các nữ trọng tài và trợ lý còn mang sứ mệnh truyền cảm hứng và cổ vũ cho các cô gái theo con đường thể thao chuyên nghiệp. “World Cup 2022 có thể khuyến khích thay đổi thái độ ở Qatar, và các khu vực khác trong khu vực. Hầu như không có bất kỳ trọng tài nữ nào ở Trung Đông. Vì vậy, tôi muốn thấy sự thay đổi đó, với World Cup là chất xúc tác” - đó là thông điệp của nữ trọng tài Yamashita, khi cô được FIFA trao tấm vé thông hành đến World Cup 2022.
Ngay cả quê hương Nhật Bản của Yamashita, có đội tuyển nữ từng vô địch World Cup vào năm 2011, nhưng vẫn còn một chặng đường rất dài để tạo ra sự bình đẳng giới. Vì thế, việc cô được làm nhiệm vụ ở World Cup 2022 trở thành điều thật tuyệt để kết nối, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ theo những cách khác nhau, không chỉ trong bóng đá hay thể thao.
Tiềm năng phát triển của trọng tài nữ
“Việc phụ nữ lần đầu tiên làm trọng tài tại một kỳ World Cup dành cho nam là một dấu hiệu cho những người khác thấy rằng tiềm năng của phụ nữ luôn phát triển và đó là điều mà tôi cũng cảm thấy mạnh mẽ. Hy vọng sự bùng nổ gần đây về sự quan tâm đến bóng đá nữ sẽ mở rộng sang lĩnh vực trọng tài”, Yamashita chia sẻ với The Guardian.
Nữ trọng tài Nhật Bản đang trải qua năm tuổi 2022 thăng tiến nhất trong sự nghiệp. Đầu năm, cô trở thành nữ trọng tài đầu tiên điều hành ở AFC Champions League (tức Cúp C1 châu Á). Khép lại năm tuổi, như đã đề cập, là một trong 3 nữ trọng tài được chọn điều khiển ở World Cup 2022.
Lật dở lại 7 năm đăng ký làm trọng tài quốc tế, Yamashita từng điều hành World Cup nữ 2019 và Olympic Tokyo vào năm ngoái, nhưng World Cup nam là điều cô chưa bao giờ nghĩ. “Là một người Nhật Bản mà phụ nữ, tôi cảm thấy tự hào và trách nhiệm lớn lao trên vai mình. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng hết sức tại World Cup”, cô chia sẻ.
“Tôi không nói là phụ nữ là một lợi thế hay bất lợi. Và với tư cách là một trọng tài, tôi không thấy có sự khác biệt nào giữa bóng đá nam và nữ. Tôi muốn việc phụ nữ làm trọng tài cho các trận đấu của nam giới được coi là hoàn toàn bình thường. Vì vậy, những gì diễn ra ở Qatar cần phải tiếp tục. Tôi cảm thấy có một số áp lực nhất định để chiếm được lòng tin của mọi người”, nữ trọng tài khẳng định.
Ông Pierluigi Collina - Chủ tịch Ủy ban trọng tài FIFA cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh chất lượng là giá trị của chúng tôi chứ không phải giới tính. Tôi hy vọng trong tương lai, việc lựa chọn các nữ trọng tài ưu tú cho các giải đấu quan trọng của nam sẽ được coi là điều bình thường và không có gì phải bất ngờ nữa”. |