Những đội tuyển đặc biệt

Họ đặc biệt bởi vì trong cả nước đếm chưa hết đầu ngón tay số đơn vị đầu tư tập luyện. Đặc biệt nữa là giành thành tích tốt ở những đội tuyển ấy đa phần là các tuyển thủ nữ. Biết là khó khăn nhưng tới SEA Games, tất cả vẫn háo hức và hạ quyết tâm cao.

Họ đặc biệt bởi vì trong cả nước đếm chưa hết đầu ngón tay số đơn vị đầu tư tập luyện. Đặc biệt nữa là giành thành tích tốt ở những đội tuyển ấy đa phần là các tuyển thủ nữ. Biết là khó khăn nhưng tới SEA Games, tất cả vẫn háo hức và hạ quyết tâm cao.

Giải toàn quốc không quá bán

Trực tiếp làm nghề thì ai cũng thấy rõ, những môn thể thao như nhảy cầu, TDDC, thể dục nghệ thuật, bơi nghệ thuật đều có số lượng đơn vị đầu tư không ít. Với TDDC thì nhiều năm chỉ xoay quanh Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quân đội. Bơi nghệ thuật từ lâu đã chỉ còn TPHCM đeo đuổi mà chẳng có đơn vị nào mặn mà làm môn này. Và với thể dục nghệ thuật lại càng khó, tính ra cũng chỉ có Hà Nội hay TPHCM chịu đầu tư cho VĐV tập luyện thi đấu. Hay như với nhảy cầu, chủ yếu vẫn chỉ là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng đào tạo.

VĐV nhảy cầu Việt Nam không từ bỏ cuộc chơi dù nguy hiểm luôn rình rập. Ảnh: T.L.

Chính số lượng quá ít như vậy khiến phong trào của những môn này không thật phủ rộng ở Việt Nam. May mắn nhất trong số đó là TDDC. Bởi lẽ, đây là môn thể thao thuộc nhóm Olympic đồng thời chúng ta có thành tích tại SEA Games và Asian Games nên nhận được sự đầu tư từ ngành thể thao. VĐV của TDDC có thêm cơ hội thi đấu và tập huấn quốc tế. Tuy nhiên, rất có thể trong tương lai gần, giải VĐQG của môn này sẽ chỉ còn lại 3 đơn vị đưa quân đi thi đấu vì một đơn vị đã lên kế hoạch giải thể đội TDDC và không đầu tư nữa.

Buồn nhất là bơi nghệ thuật. Môn này ít người tập và khi đã tập thì đúng nghĩa khổ luyện nên gần như các VĐV trót đam mê tập bơi nghệ thuật đều phải có thêm một nghề tay ngang mới đủ nuôi sống mình. Đơn cử như đội hình dự SEA Games 28-2015 này, dù rất muốn có đông đảo VĐV đi thi đấu nhưng tìm đi tính lại thì cũng chỉ có được 4 tuyển thủ. Chính vì thế, bơi nghệ thuật của Việt Nam chỉ thi đấu đôi và cá nhân, không thể đăng ký thi đấu đồng đội được do nội dung này đòi hỏi quân số phải là 8 VĐV. Nói ra thực tế buồn này không phải là để kêu khổ nhưng với người làm nghề, họ đều rất mong mỏi có thêm nhiều địa phương đầu tư cho các môn thể thao trên thì sẽ có lực lượng đông đảo hơn.

Không bỏ dù nguy hiểm

Nhảy cầu Việt Nam không phải không có thành tích SEA Games. Còn nhớ ở năm 2003, chúng ta từng có Mai Thị Hải Yến và Hoàng Thanh Trà đoạt được 2 HCV tại SEA Games 22. Đó cũng được xem là khoảnh khắc vàng đáng nhớ nhất tới lúc này của nhảy cầu Việt Nam. Những giải về sau, nhảy cầu đã không giành được thành tích nổi bật như vậy. Nhưng có tập nhảy cầu mới biết, đây là một trong những môn thể thao rất dễ gặp chấn thương. Chuyện VĐV bị gãy chân hay xay xát thân thể đã có không ít trường hợp xảy ra.

Tuy nhiên, trong quyết tâm của mình, các VĐV nhảy cầu luôn lắc đầu trước câu hỏi rằng “có sợ không?” hay “có muốn bỏ nghề không?”. Một buổi tập của VĐV bơi nghệ thuật thường là ngâm mình dưới nước ít nhất từ 3 tới 4 giờ đồng hồ. Bơi nghệ thuật có thể ít gặp chấn thương nặng nhưng liên tục phải ngâm mình dưới nước thì lại hay gặp vấn đề về răng, tóc và cả đỏ mắt. Phan Thị Hà Thanh hay Đỗ Ngân Thương không ít lần chia sẻ rằng đã tập TDDC thì tay chân đầy sẹo sau chấn thương là thường trực. Môn TDDC có sự khắc nghiệt riêng đó là VĐV phải “dính” với dụng cụ như hình với bóng, nhưng dù đã quen thuộc rồi thì ngay cả VĐV giỏi nhất cũng rất dễ gặp chấn thương do vô tình trượt chân hay trượt tay.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục