Những điều ít biết về Zagallo vĩ đại. Kỳ 1: Brazil thành công nhờ Zagallo

Những điều ít biết về Zagallo vĩ đại. Kỳ 1: Brazil thành công nhờ Zagallo

Bạn nhớ về ngôi sao nào khi nói đến bóng đá Brazil? Giới trẻ có thể ghi tên Romario, Ronaldo hoặc Ronaldinho vào vị trí số 1. Những người hâm mộ trung niên có thể chọn Zico hoặc Socrates, trong khi thế hệ “thất thập” sẽ bỏ phiếu cho Pele hoặc Garrincha. Nhìn lại lịch sử của nền bóng đá đang giữ kỷ lục về số lần vô địch World Cup, có một cái tên cực kỳ quan trọng nhưng rất ít được tôn vinh. Đó là Mario Zagallo, một tượng đài của những bước tiến mang tính đột phá, giúp nền bóng đá Brazil thành công. Hãy nói về Zagallo, nhân dịp ông vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 80 cách đây không lâu.

Ông đã giữ ghế HLV trưởng của hơn 20 đội bóng, trong một sự nghiệp cầm quân kéo dài kến 40 năm. Chuyện này, ai cũng biết. Nổi tiếng hơn, Zagallo được biết đến với tư cách là nhân vật đầu tiên từng vô địch World Cup trong cả ba vai trò: cầu thủ, HLV trưởng, HLV phó. Người ta biết rõ Zagallo từng là đồng đội của Pele trong đội tuyển Brazil vô địch các kỳ World Cup 1958, 1962 và chính ông lại dẫn dắt Pele trong đội tuyển Brazil vô địch World Cup 1970.

Mario Zagallo.

Mario Zagallo.

Khi Brazil đoạt lại chức vô địch World Cup 1994, lần đầu tiên sau 24 năm dài chờ đợi, thì Zagallo là HLV phó của Carlos Alberto Parreira. Đấy chỉ là những danh hiệu trên bề mặt. Vai trò chuyên môn của Zagallo mới là điều đáng nói nhất. Tiếc thay, ông sinh ra tại Brazil và đành chịu đựng số phận hẩm hiu, giống như Dunga sau này.

Dunga là tiền vệ trụ số 1 thế giới, nhưng đấy chỉ là cái nhìn của giới bóng đá châu Âu. Ở Brazil, chẳng ai xem ông ra gì. Bằng cớ hiển nhiên: biệt danh Dunga có nghĩa là chú lùn ngốc nghếch trong “Bạch Tuyết và 7 chú lùn”.

Ở Brazil, Dunga thuộc mẫu cầu thủ đáng bị khán giả khinh thường. Nhưng ít ra, Dunga cũng được làng bóng châu Âu kính nể. Zagallo vươn lên trong thời buổi chưa có khái niệm “toàn cầu hóa”. Người châu Âu hồi ấy không biết đến ông, còn người Brazil thì rất xem thường tài năng của ông.

Chẳng phải Zagallo bất tài. Chẳng qua, ông không có thứ tài năng theo kiểu lừa bóng điêu luyện, chuyền bóng đẹp mắt như Pele hoặc Didi. Zagallo cực kỳ am hiểu bóng đá, hiểu rõ tầm quan trọng của việc cân bằng giữa tấn công và phòng ngự. Ông có cái thông minh của một cầu thủ “biết người, biết ta” chứ không có cái thông minh của những đường chuyền độc đáo.

Tóm lại, những chỗ giỏi giang của Zagallo lại là những thứ mà giới hâm mộ bóng đá Brazil không đánh giá cao. Zagallo mờ nhạt giữa những Pepe, Didi, Vava, Garrincha, Nilton Santos là vì vậy.

Hồi giữa thập niên 1950, Zagallo đá vai trung phong, nhưng tự thấy thua sút khá nhiều cầu thủ khác nên ông chuyển dần ra cánh trái để giảm bớt sự cạnh tranh và lọt vào đội tuyển Brazil (sau này, Cafu cũng đi vào huyền thoại theo con đường mà Zagallo đã chọn khoảng 40 năm trước đó. Tiền vệ Cafu thấy rõ Brazil không có hậu vệ phải nào xem được trong suốt chục năm, thế là anh chuyển sang đá hậu vệ phải để lấy chỗ trong đội tuyển).

Khi Brazil chơi 4-2-4 một cách tuyệt vời, nhưng thua Uruguay tại World Cup 1950, Zagallo thấy rõ điều mà đa số các cây bình luận Brazil không thấy: các tiền vệ xuất sắc Zizinho và Jair bị đối thủ lấy số đông áp đảo ở khu giữa sân, từ đó dẫn đến hệ quả là hàng thủ Brazil không được bảo vệ. Hồi ấy, người dân Brazil chỉ biết khen ngợi tài năng tấn công của cặp tiền vệ Zizinho - Jair và cây làm bàn Ademir, rồi quay sang nguyền rủa thủ môn tội nghiệp Barbosa.

Trong mắt Zagallo, bóng đá Brazil luôn đầy ắp tài năng tấn công. Nếu như Brazil không có lỗ hổng trong hệ thống phòng ngự thì chắc chắn sẽ thắng nhờ hàng công tuyệt vời. Và do vậy, ông đi đến kết luận: những lúc Brazil chiến thắng chính là những lúc họ thành công trong phòng ngự - điều rất hiếm khi giới bóng đá Brazil hiểu được, nhất là hồi những năm 1980 trở về trước.

Khi vào đội tuyển, Zagallo đá tiền đạo cánh, nhưng đấy chỉ là những lúc Brazil có bóng. Khi đối phương có bóng, ông lùi về giữa sân để hỗ trợ tiền vệ trong lĩnh vực phòng ngự. Zagallo “2 trong 1” ấy chính là nhân vật góp công quyết định về mặt lối chơi, giúp Brazil vô địch World Cup 1958. Bốn năm sau, tầm quan trọng của tiền đạo cánh trái Zagallo trong đội hình Brazil càng tăng cao, khi hậu vệ trái Nilton Santos đã ở tuổi 37 và qua khỏi thời kỳ đỉnh cao.
 
Ý thức tham gia phòng thủ để khu giữa sân không thiếu người của Zagallo là khác biệt quan trọng giữa Brazil vô địch World Cup 1958, 1962 với Brazil thất bại ở World Cup 1950. Và đấy là một trong những chi tiết bị quên lãng trong lịch sử bóng đá thế giới.

Sau này, cũng nhờ đi trước giới bóng đá Brazil trong cách nhìn nhận môn thể thao vua mà Zagallo lập tức thành công khi giữ ghế HLV trưởng, đưa đội Brazil của những huyền thoại như Pele, Tostao, Rivelino, Jairzinho, Gerson lên ngôi vô địch World Cup 1970. Bạn có biết rằng Zagallo chính là cha đẻ của sơ đồ 4-2-3-1 đang thịnh hành trong những ngày này, và đội Brazil vô địch World Cup 1970 đã chơi 4-2-3-1 từ hơn 40 năm trước?

(còn tiếp)

TIỂU QUYÊN

Tin cùng chuyên mục