Được triển khai vào đầu mùa giải 2011-2012, FFP được thiết kế để ngăn chặn các CLB chi tiêu một cách liều lĩnh nhiều hơn số tiền họ kiếm được nhằm hướng đến thành công, qua đó cũng phá bỏ nguyên tắc cạnh tranh công bằng. FFP chỉ cho phép khoản lỗ 53 triệu bảng trong khoảng thời gian 3 năm và đưa ra mức trần bao gồm phí đại lý và phí chuyển nhượng ở mức 90% doanh thu cho mùa giải kế tiếp. Việc áp dụng FFP ở Premier League hơi khác một chút, khi các CLB được phép lỗ 105 triệu bảng trong khoảng thời gian ba năm liền kề.
Chelsea “lách” FFP bằng cách loại bỏ chi phí chuyển nhượng trong suốt thời hạn hợp đồng của cầu thủ thông qua một khái niệm kế toán gọi là khấu hao. Tức là hợp đồng càng dài, các khoản thanh toán hàng năm trên sổ sách sẽ càng nhỏ. “Nếu bạn mua cầu thủ có hợp đồng 7 năm, bạn có thể trả dần phí chuyển nhượng trong khoảng thời gian đó”, Stephen Taylor Heath, trưởng bộ phận luật thể thao tại JMW Solicitors chia sẻ. “Vì vậy, đối với sổ sách của năm đó, phí chuyển nhượng sẽ được hiển thị dưới dạng một con số nhỏ hơn”.
Ví dụ như 3 cầu thủ mới của Chelsea là Badiashile, Fofana và Mudryk - đều ký hợp đồng có thời hạn dài hơn 5 năm. Nếu thực hiện hết hợp đồng, Mudryk sẽ là cầu thủ của Chelsea đến năm 2031 và trong 8,5 năm tới, sổ sách của Chelsea sẽ chỉ ra rằng họ đang trả một số tiền cố định mỗi năm (khoảng 7 triệu bảng) cho Mudryk. Tất nhiên, cách này mang nhiều rủi ro về khía cạnh chuyên môn như đã từng xảy ra trong tình huống kiểu Dele Alli, một cầu thủ có hợp đồng dài hạn nhưng chơi tệ theo thời gian. Tottenham muốn bán anh ta đi, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Trong khi chờ đợi, họ vẫn phải trả lương. Tệ hơn, dù có Alli trong biên chế nhưng Tottenham vẫn phải mua người thay thế, dẫn đến chuyện trả đến 2 đầu lương. Tương tự như sa thải HLV thì phải bồi hoàn hợp đồng nhưng vẫn trả lương cho người mới.
HLV Graham Potter (giữa) có vẻ đang là nhà cầm quân may mắn nhất vào lúc này. |
Ngoài việc “khấu hao” nói trên, Chelsea còn tranh thủ lấy nguồn tiền từ bán cầu thủ để bù vào chênh lệch sổ sách. Khoản tiền này họ sẽ đặt điều kiện CLB bên mua phải thanh toán chuyển khoản ngay lập tức chứ không được “khấu hao” theo kiểu của họ. Về lý thuyết, một CLB có truyền thống mua bán cầu thủ rất mạnh tay như Chelsea chắc chắn sẽ không “hở sườn” mà vi phạm FFP. Chưa kể, do năm tài chính 2020-2021 được áp dụng một số cơ chế “khẩn cấp đối phó thua lỗ từ đại dịch Covid-19” nên dù báo lỗ 156 triệu bảng thì Chelsea vẫn tiếp tục mua sắm do FFP sẽ áp dụng trở lại từ mùa 2021-2022.
Việc mua sắm của Chelsea tốt hay xấu, thì vẫn còn tùy vào thành tích và khả năng xoay chuyển của HLV Graham Potter, nhưng có thể thấy tư duy làm ăn mới của Chelsea dưới thời các ông chủ như Todd Boehly, người sở hữu 20% cổ phần của Los Angeles Dodgers, một đội bóng chày thuộc Giải bóng chày nhà nghề Mỹ. Thực tế là Chelsea không phải đội đầu tiên làm điều này, Arsenal đã gia hạn 8 năm với Cesc Fabregas vào năm 2006. Kevin De Bruyne của Man.City ký thêm 6 năm vào năm 2018; Harry Kane cũng làm điều tương tự cho Tottenham trong cùng năm. Tháng 9-2005, chỉ vài tháng sau khi gia nhập đội một của Barcelona, Lionel Messi đã đồng ý ký hợp đồng 9 năm với đội bóng Tây Ban Nha.
Người ta gọi đó là khoản đầu tư. Về lý thuyết, theo FIFA các hợp đồng không được dài hơn 5 năm nhưng có một ghi chú: “Các hợp đồng có độ dài khác sẽ chỉ được phép nếu phù hợp với luật pháp quốc gia đó”. Vì không có luật nào ở Anh về thời hạn hợp đồng, FA không quy định giới hạn về thời hạn hợp đồng của cầu thủ.